Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 12:20 (GMT +7)
Quyết liệt, chủ động phòng chống mua bán người
Thứ 7, 20/07/2024 | 16:10:52 [GMT +7] A A
Quảng Ninh có đường biên giới giáp với Trung Quốc dài, người dân các vùng giáp ranh chủ yếu là đồng bào DTTS nên nhận thức còn hạn chế, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tội phạm mua bán người. Chính vì thế, công tác phòng chống mua bán người luôn được tỉnh quan tâm thực hiện với nhiều giải pháp đồng bộ.
Năm 2023, tình hình tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển hướng hoạt động trong toàn quốc, liên tuyến, liên tỉnh và tiềm ẩn diễn biến phức tạp như: Sử dụng mạng xã hội lôi kéo, kết nạp thành viên các hội nhóm, môi giới, tuyển dụng lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện về an ninh trật tự. Hoạt động tội phạm mua bán người chủ yếu phát sinh từ các đối tượng ở tỉnh ngoài, sau đó cấu kết với một số đối tượng sinh sống tại khu vực biên giới thuộc tỉnh Quảng Ninh và lợi dụng đặc điểm địa hình (có đường biên giới trên bộ và trên biển) để tiến hành trung chuyển, đưa nạn nhân từ các tỉnh trong nước hoặc từ các nước xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc.
Trước bối cảnh đó, bước sang năm 2024, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, sự phối hợp liên ngành trong công tác phòng chống mua bán người được thực hiện quyết liệt hơn. 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã cấp phát 2.506 cuốn Sổ tay Hỏi- Đáp chính sách, pháp luật về phòng chống mua bán người cho cán bộ Phòng Lao động TB&XH, cán bộ chiến sỹ Đồn biên phòng cửa khẩu, trưởng thôn khu, tổ chức đoàn thể, cộng tác viên công tác xã hội, người có uy tín ở cộng đồng và người dân có nguy cơ cao của 34 xã miền núi, biên giới thuộc huyện: Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Ba Chẽ, Bình Liêu.
Sở Lao động - TB&XH chủ trì tổ chức 52 lớp tập huấn nâng cao năng lực về phòng, chống tệ nạn xã hội, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán cho cán bộ cấp cơ sở. Cùng với đó, phối hợp, hỗ trợ báo cáo viên cho 6 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ cấp cơ sở của Hội LHPN tỉnh, Đoàn khối các cơ quan tỉnh Quảng Ninh với hơn 800 lượt đại biểu tham dự.
Tỉnh cũng tiếp tục duy trì hoạt động 5 Câu lạc bộ phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân thuộc mô hình “Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại” tại 5 phường trên địa bàn thành phố Hạ Long.
Tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh: Trung tâm duy trì Tổng đài tư vấn miễn phí 18001769, trực 24/24 để tiếp nhận các trường hợp cần tư vấn, đặc biệt là các trường hợp cần sự hỗ trợ khẩn cấp như: Nạn nhân bị bạo lực, xâm hại, nạn nhân/thông tin về nạn nhân bị mua bán. Đồng thời, bố trí 10 phòng tạm lánh của Trung tâm và hệ thống cơ sở vật chất của Ngôi nhà Ánh Dương để tiếp nhận và hỗ trợ các trường hợp cần hỗ trợ khẩn cấp và các nạn nhân bị mua bán.
Tại Cơ sở Bảo trợ chăm sóc Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh, hiện đang chăm sóc 3 trẻ em bị mua bán trở về, đảm bảo được học tập, phát triển khả năng của bản thân và tham gia các hoạt động trong Cơ sở cũng như ở nhà trường nơi các cháu đang theo học.
Hiện nay, Sở Lao động- TB&XH đang phối hợp Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam và Vụ Bình đẳng giới hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ để tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 của Dự án “Xây dựng mô hình phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái” tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh do Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ.
Các hoạt động giai đoạn 2 của Dự án dự kiến tập trung vào công tác tập huấn nâng cao năng lực, truyền thông và hỗ trợ nạn nhân là phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực giới, trong đó có nạn nhân mua bán người.
Có thể thấy, sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, cơ quan của tỉnh, đặc biệt các ngành nòng cốt: Công an, Biên phòng, Lao động - TB&XH nên công tác phòng chống mua bán người tiếp tục có những kết quả đáng ghi nhận. 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh không phát sinh vụ việc về mua bán người, không có nạn nhân bị mua bán người.
Phó Giám đốc Sở Lao động – TB&XH Lê Minh Sơn cho biết: Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục chủ động phối hợp cùng các cơ quan liên quan kịp thời nắm tình hình nạn nhân bị mua bán trở về để hỗ trợ kịp thời. Bên cạnh đó, chú trọng lồng ghép tuyên truyền, tập huấn về phòng, chống mua bán người, các chính sách hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về trong các hoạt động tuyên truyền, tập huấn của Sở đặc biệt quan tâm đến cộng đồng dân cư vùng biên giới, vùng dân tộc thiểu số và các nhóm có nguy cơ cao.
Lan Anh
Liên kết website
Ý kiến ()