Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 20:44 (GMT +7)
Quyết liệt các giải pháp tăng thu ngân sách
Thứ 7, 18/05/2024 | 10:06:10 [GMT +7] A A
Năm 2024, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) đạt trên 55.600 tỷ đồng. Để đạt mục tiêu đề ra, từ đầu năm, Ban Chỉ đạo tăng cường NSNN tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các ngành, địa phương, đơn vị chủ động ban hành chương trình, kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ thu chi ngân sách; triển khai 7 kế hoạch của UBND tỉnh về quản lý thuế trên địa bàn và chủ động bám sát tình hình sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Theo báo cáo của Sở Tài chính, ước hết tháng 4/2024, tổng thu NSNN trên địa bàn tỉnh đạt 17.756 tỷ đồng, bằng 32% dự toán, bằng 87% so cùng kỳ 2023. Các khoản thu đóng góp vào thuế, sản phẩm đạt 8.655 tỷ đồng, bằng 35% kế hoạch đầu năm. Trong tổng số nguồn thu NSNN 4 tháng, thì thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước thực hiện 6.100 tỷ đồng, bằng 47% dự toán, bằng 116% so cùng kỳ 2023; thu nội địa ước đạt 11.656 tỷ đồng, bằng 27% dự toán, bằng 77% so cùng kỳ 2023 (thu từ thuế phí đạt 10.747 tỷ đồng, bằng 31% dự toán, bằng 84% so với cùng kỳ; thu tiền sử dụng đất đạt 908 tỷ đồng, bằng 11% dự toán, bằng 42% cùng kỳ).
Đánh giá theo sắc thuế, khoản thu, hiện tại có 10/16 khoản thu dự kiến đạt tốc độ bình quân, gồm: Thu từ khu vực DNNN do địa phương quản lý đạt 46%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 38%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 39%; thuế thu nhập cá nhân đạt 56%; lệ phí trước bạ đạt 37%; thuế bảo vệ môi trường đạt 33%; các loại phí, lệ phí đạt 39%; thu từ hoạt động xổ số kiến thiết đạt 46%; thu cổ tức và lợi nhuận sau thuế đạt 68%; thu khác ngân sách đạt 38%.
Có 6/16 khoản thu không đạt tốc độ bình quân, gồm: Thu từ khu vực DNNN do Trung ương quản lý đạt 28%; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đạt 14%; tiền sử dụng đất đạt 11%; tiền thuê mặt đất, mặt nước đạt 5%; thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, vùng trời, vùng biển đạt 13%; thu từ quỹ đất công ích và thu hoa lợi công sản khác đạt 19%.
Ông Trần Văn Lâm, Giám đốc Sở Tài chính, cho biết: Tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp phục hồi, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; du lịch, dịch vụ, kéo theo số khoản thu cao. Đơn cử, như Công ty Bột mì Vimaflour ước nộp tăng 34 tỷ đồng so với cùng kỳ; Công ty TNHH Calofic ước nộp tăng 19 tỷ đồng so với cùng kỳ; Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long ước nộp tăng 187 tỷ đồng so với cùng kỳ; Công ty CP Đầu tư phát triển Syrena Việt Nam ước nộp tăng 164 tỷ đồng so với cùng kỳ; Công ty CP Bia và nước giải khát Đông Mai nộp ước tăng 59 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Đánh giá theo cơ quan thu, hiện phần Cục Thuế thu ước thực hiện 4 tháng đạt 8.543 tỷ đồng, bằng 32% so với dự toán, bằng 78% so với cùng kỳ; phần địa phương thu ước thực hiện 4 tháng đạt 3.113 tỷ đồng, bằng 32% dự toán, bằng 75% so cùng kỳ. Có 10/13 địa phương dự kiến đạt tốc độ thu bình quân thuế, phí, gồm: Uông Bí (53%), Móng Cái (48%), Đông Triều (47%), Quảng Yên (44%), Tiên Yên (38%), Hải Hà (39%), Đầm Hà (33%), Bình Liêu (33%), Ba Chẽ (56%), Cô Tô (36%). Còn lại 3/13 địa phương chưa đạt tốc độ thu bình quân thuế, phí: Hạ Long (22%), Cẩm Phả (24%), Vân Đồn (15%).
Về cơ bản các địa phương đều có tiến độ thu tốt so với dự toán và đặc biệt là so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, 3 địa phương có số thu lớn là Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn chưa đạt kế hoạch (chủ yếu do thu tiền thuê đất chưa đạt), khiến số thu chung của 13 địa phương không đạt tốc độ bình quân.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra trong năm 2024, với những tháng còn lại của năm, các cơ quan, đơn vị được giao kế hoạch thu cần tập trung thu các khoản thu có tiến độ tốt (thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; thu từ khu vực ngoài quốc doanh; thuế thu nhập cá nhân; các loại phí, lệ phí); đẩy mạnh thu từ ngành than sau khi giá than được điều chỉnh, duy trì vai trò là khoản thu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong thu nội địa.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục rà soát toàn bộ nguồn thu phát sinh, số thuế còn được gia hạn, nắm chắc đối tượng nộp ngân sách trên địa bàn, lĩnh vực để có giải pháp quản lý thu phù hợp, hiệu quả, khai thác các nguồn thu còn dư địa, tiềm năng; kiểm tra, kiểm soát việc kê khai thuế, quyết toán thuế của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác vào NSNN. Đồng thời đôn đốc thu đối với số thuế được gia hạn đến hạn phải nộp, các khoản nợ đọng thuế, có biện pháp xử lý đối với các doanh nghiệp còn nợ thuế và các khoản nghĩa vụ tài chính với NSNN; tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo các nghị quyết, chương trình của Trung ương và địa phương.
Mạnh Trường
Liên kết website
Ý kiến ()