Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 02:35 (GMT +7)
Quyết không để rác thải ảnh hưởng đến Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long
Thứ 3, 11/04/2023 | 08:55:23 [GMT +7] A A
Hiện nay, các địa phương như Cẩm Phả, Hạ Long, Quảng Yên, Vân Đồn, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên, Móng Cái, Cô Tô đều đang tích cực lập lại trật tự nuôi trồng thủy sản trên biển. Trong đó, thực hiện song hành và giám sát chặt chẽ việc tháo dỡ lồng bè với thu gom rác thải. Dự kiến, việc thu gom rác thải phát sinh do tháo dỡ lồng bè sẽ được hoàn thành trước ngày 14/4 theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, thời gian qua, các sở, ngành, UBND địa phương các cấp đã triển khai quyết liệt nhiều kế hoạch, giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản trên biển như nghiên cứu lập quy hoạch các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung; tuyên truyền, vận động chuyển đổi vật liệu nuôi trồng từ phao xốp, bè mảng tre sang vật liệu nổi bằng nhựa HDPE thân thiện với môi trường; hỗ trợ người dân về vốn, kỹ thuật nuôi; kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tổ chức tháo dỡ, di dời đối với nhiều điểm nuôi thủy sản ngoài vùng quy hoạch... Qua đó, đã đạt nhiều kết quả tích cực, cảnh quan môi trường biển được cải thiện, đưa ngành kinh tế thủy sản phát triển hiệu quả, bền vững hơn, gắn kết chặt chẽ với các ngành kinh tế khác của tỉnh.
Tuy nhiên, thời gian gần đây đã xuất hiện các loại vật liệu nuôi trồng thủy sản thải bỏ không thu gom triệt để, thải trực tiếp ra vùng biển Vịnh Bái Tử Long và Vịnh Hạ Long, làm ảnh hưởng đến cảnh quan, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường biển, ảnh hường đến hoạt động giao thông và du lịch biển. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do các hộ nuôi trồng thủy sản trái phép tháo dỡ theo yêu cầu của các địa phương nhưng không thực hiện việc thu gom vật liệu theo quy định. Theo tìm hiểu của các ngành chức năng, do áp lực về mặt thời gian buộc phải tháo dỡ, di dời trong thời gian ngắn (xong trước ngày 31/3/2023) các hộ gặp khó khăn trong việc thuê nhân công thu hoạch thủy sản và tháo dỡ, di dời vật liệu nuôi trồng thủy sản. Cùng với đó, sản phẩm thu hoạch không tiêu thụ được, trong khi giá thấp nên không đủ chi phí thuê nhân công. Mặc khác, do phao, bè mảng đã xuống cấp không thể tận dụng được và việc thu gom, vận chuyển vào điểm tập kết mất thêm nhiều chi phí nên nhiều hộ nuôi chỉ tập trung cắt dây, thu hoạch sản phẩm, không thu gom phao xốp, dây buộc, bè mảng tre, để trôi tự nhiên trên biển. Cùng với đó, một số lực lượng chức năng của địa phương mới chỉ quan tâm đến hoàn thành việc tháo, di dời số lượng công trình nuôi trái phép trong khi công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, giám sát đối với việc thu gom, xử lý vật liệu nuôi trồng thải bỏ còn hạn chế, chưa sát sao.
Trước tình trạng này, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành có liên quan và UBND các địa phương ven biển tăng cường tập trung lực lượng triển khai thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, có hiệu quả chỉ đạo của tỉnh về công tác quản lý và phát triển thủy sản trên biển. Đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động nuôi thủy sản và xây dựng công trình nổi trên địa bàn tỉnh.
Ngày 5/4, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu UBND các địa phương (Cẩm Phả, Hạ Long, Quảng Yên, Vân Đồn, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên, Móng Cái, Cô Tô), Ban quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long và Ban Quản lý Vịnh Hạ Long khẩn trương huy động lực lượng ra quân tổ chức thực hiện trục vớt, thu gom và xử lý toàn bộ các vật liệu nuôi trồng thủy sản thải bỏ đang trôi nổi trên vùng biển thuộc địa bàn quản lý theo đúng quy định, đảm bảo cảnh quan, môi trường biển, an toàn giao thông.
UBND tỉnh cũng chỉ đạo rõ, trong trường hợp chưa bố trí các điểm tập kết tạm thời các vật liệu nuôi trồng thủy sản thải bỏ, phải khẩn trương bố trí điểm tập kết đảm bảo hợp vệ sinh, đúng quy định và thông báo công khai thông tin các điểm để người dân biết, thực hiện tập kết theo quy định. Chỉ đạo các cơ quan chức năng hướng dẫn và giám sát chặt chẽ các tổ chức, cá nhân thực hiện thu gom toàn bộ vật liệu nuôi trồng thủy sản thải bỏ về các địa điểm tập kết theo đúng quy định trong quá trình tháo dỡ, di dời các lồng bè nuôi thủy sản (kể cả các trường hợp thay thế vật liệu nổi, tự tháo dỡ hay cưỡng chế). Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi xả trái phép các vật liệu nuôi trồng thủy sản ra môi trường không đảm bảo quy định (nếu có). Cùng với đó, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường biển, các quy định của pháp luật liên quan đến nuôi lồng bè trên biển để người dân biết và chủ động thực hiện.
Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, các lực lượng chức năng, địa phương liên quan đã tích cực ra quân triển khai các hoạt động làm sạch môi trường biển. Sáng 8/4, UBND TP Hạ Long đã huy động các lực lượng chức năng của thành phố và các lực lượng quân đội, công an ra quân đợt cao điểm về công tác bảo vệ môi trường biển. Tham gia đợt ra quân có gần 100 cán bộ, chiến sĩ của các đơn vị: BĐBP, Công an, Bộ Chỉ huy quân sự, thành đoàn thành phố Hạ Long, cán bộ ban quản lý vịnh, Đội kiểm tra trật tự đô thị thành phố cùng các cán bộ của các cơ quan, đơn vị khác đã tiến hành dọn dẹp, thu gom rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa, thùng xốp trên biển xung quanh từ hòn Dầm Bắc đến khu vực hang hồ Động Tiên, Núi Lượt, Chân Voi, Tùng Lâm… Thời gian thực hiện đợt cao điểm về công tác bảo vệ môi trường biển trên địa bàn thành phố diễn ra đến hết ngày 20/4. Sau đợt cao điểm, thành phố sẽ tiếp tục duy trì bảo vệ môi trường biển trên địa bàn thành phố từ ngày 21/4-31/12/2023 và các năm tiếp theo.
Trước đó, TP Cẩm Phả cũng đã ban hành Kế hoạch số 92/KH-UBND ngày 25/03/2023 của UBND thành phố triển khai đợt cao điểm về công tác bảo vệ môi trường biển trên địa bàn thành phố Cẩm Phả. UBND các phường, xã ven biển đã xây dựng Kế hoạch, phương án và tổ chức huy động các lực lượng, phương tiện ra quân thu gom rác thải (bè mảng, phao, xốp, ni lông...) làm sạch môi trường biển theo chỉ đạo của UBND thành phố. TP Cẩm Phả cũng giao cho các lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra trên tuyến biển nhằm phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm pháp luật trên biển và đối với các hộ nuôi trồng thủy sản trái phép trên biển không chấp hành việc thu gom rác thải sau thu hoạch, tháo dỡ. Từ ngày 1-10/4, sau 10 ngày ra quân làm sạch môi trường biển, các lực lượng chức năng của TP Cẩm Phả và các phường đã thu gom đưa về nơi tập kết để xử lý tổng số 126.811 phao xốp, 793 mảng tre. Ngày 10/4, để chung tay cùng các lực lượng của thành phố trong chiến dịch ra quân làm sạch môi trường biển, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội phường Cẩm Phú đã huy động gần 100 cán bộ, đoàn viên, hội viên, thanh niên ra quân thu gom các phao, xốp tập kết tại nơi quy định…
Hiện nay, các địa phương như Cẩm Phả, Hạ Long, Quảng Yên, Vân Đồn, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên, Móng Cái, Cô Tô đều đang tích cực lập lại trật tự nuôi trồng thủy sản trên biển. Trong đó, thực hiện song hành và giám sát chặt chẽ việc tháo dỡ lồng bè với thu gom rác thải. Dự kiến, việc thu gom rác thải phát sinh do tháo dỡ lồng bè sẽ được hoàn thành trước ngày 14/4 theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Để tăng cường bảo vệ cảnh quan, môi trường biển, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương nghiên cứu thành lập các tổ tự quản về bảo vệ môi trường biển, an ninh trật tự và có sự giám sát của chính quyền địa phương đối với các khu vực trong quy hoạch nuôi thủy sản lồng bè đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, tập trung chỉ đạo rà soát, đánh giá toàn diện công tác quy hoạch, giao, quản lý khu vực biển nuôi thủy sản trên địa bàn (xác định cụ thể diện tích, vị trí, tọa độ vùng nuôi) đảm bảo phù hợp, thống nhất với Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/02/2023) và các quy hoạch ngành, lĩnh vực có liên quan. Tăng cường công tác kiểm tra, quản lý chặt chẽ quy hoạch vùng nuôi thủy sản; xử lý nghiêm minh đối với các vi phạm xảy ra trên địa bàn thuộc quyền quản lý, không có vùng cấm, không có ngoại lệ đối với tất cả các trường hợp vi phạm.
Hà Chi
Liên kết website
Ý kiến ()