Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 20:06 (GMT +7)
Quyền Chủ tịch nước dự Lễ kỷ niệm 1983 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng
Thứ 6, 27/01/2023 | 16:02:46 [GMT +7] A A
Cùng dự có nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và thành phố Hà Nội, tỉnh Vĩnh Phúc.
Trước khi dự Lễ kỷ niệm, Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và các đại biểu dâng hương tưởng nhớ, tri ân Hai Bà Trưng - hai nữ anh hùng kiệt xuất của dân tộc, ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc và cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Vào năm 40 (sau Công nguyên), trước cảnh nước mất, nhà tan, nhân dân lầm than, khốn khổ, Hai Bà Trưng đã phất cờ khởi nghĩa, kêu gọi hào kiệt bốn phương cùng nhân dân cả nước đứng lên đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành lại độc lập cho dân tộc.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nhấn mạnh, cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng có ý nghĩa vô cùng to lớn, đã để lại cho dân tộc ta một di sản tinh thần vô giá.
Đó là bài học “dân là gốc”, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần làm chủ của nhân dân nói chung và phụ nữ Việt Nam nói riêng trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc; khi một dân tộc đã đoàn kết nhất trí, đứng lên kiên quyết đấu tranh để giành lại tự do, độc lập cho Tổ quốc mình, thì không lực lượng gì thắng được.
Tự hào là con cháu Hai Bà Trưng, các thế hệ phụ nữ Việt Nam luôn nêu cao tinh thần yêu nước, ý chí quật cường, đã có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phát huy truyền thống lịch sử ngàn năm văn hiến và anh hùng, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội đã đoàn kết thống nhất, xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, đạt được nhiều thành tựu nổi bật, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.
Việc tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 1983 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống vẻ vang của dân tộc, bày tỏ sự tri ân đối với Hai Bà Trưng và các bậc tiền nhân, đồng thời khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân
Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân khẳng định, việc tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 1983 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống vẻ vang của dân tộc, bày tỏ sự tri ân đối với Hai Bà Trưng và các bậc tiền nhân, đồng thời khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Quyền Chủ tịch nước bày tỏ tin tưởng, trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nhất là ý kiến chỉ đạo quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc vào tháng 11/2021; quan tâm bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đồ sộ, phong phú, đa dạng của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, trong đó có Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hai Bà Trưng và Lễ hội Đền Hai Bà Trưng; giữ gìn, bồi đắp để những di sản văn hóa trở thành động lực và nguồn lực quan trọng, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Quyền Chủ tịch nước cũng mong muốn và tin tưởng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, quật cường của Hai Bà Trưng, chung sức đồng lòng, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Xây dựng huyện Mê Linh phát triển nhanh, toàn diện, sớm trở thành thành phố trực thuộc Thủ đô; xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 là Thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; đến năm 2045 là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()