Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 00:37 (GMT +7)
Quy trình 5 bước lựa chọn nhân sự trước Đại hội XIII: Không bỏ sót người tài đức
Thứ 2, 13/07/2020 | 06:19:49 [GMT +7] A A
Với quy trình 5 bước, dân chủ được phát huy mạnh mẽ, hướng tới mục tiêu là chọn lựa được một lớp cán bộ đủ đức, đủ tài đảm đương công việc.
Qua Đại hội cấp cơ sở và cấp trên cơ sở cho thấy, công tác nhân sự nhiệm kỳ này có nhiều đổi mới. Trong đó, quy trình 5 bước lựa chọn nhân sự được Bộ Chính trị quy định cụ thể với những người tái cử và lần đầu tham gia cấp uỷ. Với quy trình 5 bước, dân chủ được phát huy mạnh mẽ, hướng tới mục tiêu là chọn lựa được một lớp cán bộ đủ đức, đủ tài có kinh nghiệm thực tiễn đảm đương được tốt nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới.
Đến thời điểm này, 100% đảng bộ cấp cơ sở của tỉnh Thái Bình và 7 huyện, thành phố đã tổ xong Đại hội. Tỉnh Thái Bình đang tích cực chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 20, nhiệm kỳ 2020-2025. Phát huy dân chủ trong quá trình chuẩn bị lựa chọn nhân sự với quy trình 5 bước, các cấp ủy tỉnh Thái Bình thực hiện chặt chẽ và nghiêm túc. Ông Phạm Đồng Thụy, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thái Bình cho biết: Quan điểm là phải làm đúng quy định hướng dẫn của Trung ương để chọn những người thật xứng đáng vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, để lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế-xã hội trong nhiệm kỳ 2020-2025.
Quy trình 5 bước sẽ giúp sàng lọc kỹ hơn, chọn người tài đức vào các cấp ủy Đảng. (Ảnh minh họa) |
Ông Phạm Đồng Thụy cho biết: “Hướng dẫn của Ban tổ chức Trung ương và Chỉ thị của Bộ Chính trị về quy trình rất chặt chẽ. Cụ thể lần này làm quy trình của các đồng chí tái cử trước. Sau đó mới làm quy trình của các nguồn mới".
So với quy trình 3 bước ở nhiệm kỳ Đại hội khóa 12, lần này, Bộ Chính trị đã quy định cụ thể đối với nhân sự tái cử và lần đầu tham gia cấp uỷ được thực hiện theo 5 bước. Trong 5 bước có việc chuẩn bị đề án; ý kiến của cán bộ chủ chốt; qua 2 lần lấy ý kiến của Ban chấp hành và cuối cùng là Thường vụ bỏ phiếu…Với quy trình 5 bước, đã mở rộng công khai dân chủ trong quy trình nhân sự. Một nội dung đáng chú ý trong quy trình 5 bước, đó là đã tiến hành khảo sát nhân sự trước Ban chấp hành, nếu có đơn thư, khiếu nại, tố cáo về năng lực phẩm chất, bằng cấp, kê khai tài sản… tiểu ban nhân sự có trách nhiệm tổng hợp báo cáo trước khi đưa vào nhân sự Đại hội.
Từ thực tế tham gia vào quá trình chuẩn bị nhân sự Đại hội ở Hà Nội, ông Vũ Đức Bảo, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội khẳng định: “Quy trình 5 bước thực sự dân chủ. Đối với Hà Nội, trong công tác chuẩn bị nhân sự của các cấp chúng tôi đã chỉ đạo để quán triệt.
Trong quá trình thẩm định và chuẩn bị nhân sự cho Ban chấp hành các cấp thì quy trình này đã phát huy tác dụng. Những nơi nào có cá nhân có những vi phạm: trong hồ sơ, trong thực tế… đều được xem xét, kiểm tra đánh giá một cách khách quan nhất. Hà Nội vừa rồi các Đảng bộ trực thuộc đã triển khai khá tốt và bài bản".
Điểm mới đáng chú ý trong quy trình 5 bước là tất cả các vị trí từ Ban Chấp hành, Ban Thường vụ đều yêu cầu có số dư. Trong đó, Ban chấp hành số dư tối thiểu 15%; Các vị trí như Ban thường vụ; Bí thư và Phó Bí thư đưa ra giới thiệu cũng phải có số dư. Như vậy, các đồng chí tham gia Ban chấp hành tín nhiệm hay không tín nhiệm phải đủ tiêu chuẩn, điều kiện và được thực hiện công khai trong quy trình 5 bước và duyệt rất kỹ.
Qua đây đã phát huy được tính dân chủ trong Đảng, đặc biệt lựa chọn để giới thiệu được những cán bộ để tham gia cấp ủy khóa mới. Thực hiện nghiêm quy trình 5 bước tất cả nhân sự được lựa chọn, giới thiệu ra đại hội đều là những người tiêu biểu về trí tuệ phẩm chất và năng lực và đều phải được tín nhiệm cao trong cấp ủy và trong đội ngũ cán bộ chủ chốt.
Ông Phạm Mạnh Khởi, Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, đảng viên, Ban Tổ chức Trung ương khẳng định: “Trong công tác nhân sự phải đặc biệt coi trọng chất lượng, lấy tiêu chuẩn, điều kiện là chính. Đồng thời đánh giá chính xác cán bộ cả về phẩm chất, đạo đức, lối sống, năng lực, uy tín và kết quả công tác. Những vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm, còn nhiều ý kiến khác nhau càng phải giữ đúng nguyên tắc, thực hiện nhất quán, mở rộng dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể và quyết định theo đa số”.
Để Đại hội thành công, đề án nhân sự cần phải tiến hành theo phương châm “Làm từng bước chặt chẽ; từng việc cụ thể, thận trọng; từng khâu, kỹ lưỡng; làm đến đâu chắc đến đó”; bảo đảm đúng số lượng, tiêu chuẩn, cơ cấu, tính kế thừa, đổi mới phát triển liên tục của đội ngũ cán bộ.
Công tác nhân sự phải kết hợp hài hòa giữa chuyên môn đào tạo với sở trường năng khiếu; giữa kinh nghiệm với chiều hướng phát triển, giữa tính phổ biến và tính đặc thù; phải công khai minh bạch, công bằng, dân chủ, khách quan, công tâm. Đặc biệt, kiên quyết không để lọt vào cấp ủy những người không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, không xứng đáng, nhưng cũng không bỏ sót những cán bộ thật sự có đức, có tài, có uy tín. Muốn vậy cần phải thực hiện quy trình 5 bước một cách nghiêm túc, chặt chẽ và có hiệu quả.
Theo Lại Hoa/VOV
Liên kết website
Ý kiến ()