Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 15:00 (GMT +7)
Quy tắc ngồi, ngủ và hoạt động trong ngày để khỏe mạnh hơn
Thứ 6, 20/12/2024 | 16:51:55 [GMT +7] A A
Nghiên cứu cho thấy ngồi ít, đứng nhiều, hoạt động và ngủ nhiều hơn có liên quan đến kết quả sức khỏe tốt hơn.
Nghiên cứu cho thấy lối sống ít vận động có thể ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, tiểu đường và một số bệnh ung thư.
Việc nên dành bao nhiêu thời gian để ngồi, đứng, di chuyển, tập thể dục và ngủ đang là nỗi băn khoăn của nhiều người trong bối cảnh hiện nay.
Một nghiên cứu từ các nhà nghiên cứu của Úc và quốc tế đã giải mã thói quen hằng ngày tiêu chuẩn để có sức khỏe tối ưu.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa Diabetologia, đã phân tích hành vi của hơn 2.000 người tham gia trong độ tuổi 40 - 75.
Các nhà nghiên cứu tiến hành phân tích cách những người tham gia dành thời gian của họ trong việc ngồi, đứng, ngủ và hoạt động thể chất để xác định khoảng thời gian lý tưởng cho sức khỏe tối ưu, bao gồm: 6 giờ ngồi; 5 giờ 10 phút đứng; 2 giờ 10 phút cho hoạt động thể chất nhẹ đến trung bình (dưới 100 bước mỗi phút); 2 giờ 10 phút cho hoạt động thể chất vừa phải đến mạnh mẽ (hơn 100 bước mỗi phút); 8 giờ 20 phút ngủ.
Nghiên cứu cho thấy một xu hướng rõ rệt: ít ngồi, đứng nhiều hơn, hoạt động và ngủ nhiều hơn có liên quan đến kết quả sức khỏe tốt hơn.
Đáng chú ý, những người tham gia mắc bệnh tiểu đường type 2 cho thấy sự cải thiện đáng kể trong việc kiểm soát lượng đường trong máu khi họ thay thế thời gian ngồi bằng hoạt động thể chất, đặc biệt là hoạt động nhẹ.
Theo Tiến sĩ Raju Vaishya, cố vấn cấp cao về chỉnh hình và thay khớp, Bệnh viện Indraprastha Apollo, New Delhi (Ấn Độ), nghiên cứu trên cung cấp những hiểu biết có giá trị về việc tạo ra thói quen và quy tắc hằng ngày để giúp tăng cường sức khỏe và tinh thần tổng thể.
Tiến sĩ Raju Vaishya lưu ý rằng, cần cân nhắc các yếu tố như tuổi tác, tình trạng sức khỏe tổng thể, khả năng thể chất, nghề nghiệp và sở thích cá nhân.
“Một người lớn tuổi có khả năng vận động hạn chế có thể được hưởng lợi từ việc thay đổi thường xuyên hơn giữa tư thế ngồi và đứng. Trong khi một người năng động về mặt thể chất có thể cần thời gian tập thể dục dài hơn”, Tiến sĩ Vaishya giải thích.
Tương tự như vậy, khuyến nghị về thời lượng ngủ có thể thay đổi tùy theo nhịp sinh học và chất lượng giấc ngủ của mỗi cá nhân. Một cách tiếp cận được cá nhân hóa, được hướng dẫn bởi chuyên gia chăm sóc sức khỏe và sự tự theo dõi của cá nhân sẽ là lý tưởng.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()