Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:16 (GMT +7)
Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa, thể thao và hệ thống du lịch tầm nhìn đến năm 2045
Thứ 6, 18/10/2024 | 12:42:06 [GMT +7] A A
Sáng 18/10, Bộ VH,TT&DL tổ chức hội nghị công bố Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao và Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại điểm cầu Hà Nội, trực tuyến đến điểm cầu các tỉnh, thành phố toàn quốc.
Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ VH,TT&DL đã công bố Quyết định số 509 ngày 13/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 991 ngày 16/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, mục tiêu tổng quát đến năm 2025, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực phát triển du lịch cao trên thế giới. Đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh. Quy hoạch tổ chức không gian du lịch Việt Nam gồm: 6 vùng, 3 cực tăng trưởng, 8 khu vực động lực, 5 hành lang du lịch chính, 11 trung tâm du lịch; hình thành hệ thống các khu du lịch quốc gia và địa điểm tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia.
Quy hoạch nêu rõ phương hướng phát triển mạng lưới cơ sở thể dục, thể thao quốc gia và phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa quốc gia gồm 12 đối tượng: Bảo tàng, thư viện, cơ sở điện ảnh, cơ sở nghệ thuật biểu diễn, cơ sở triển lãm văn hóa, nghệ thuật, trung tâm văn hóa ở trong nước, trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài, cơ sở nghiên cứu, đào tạo chuyên ngành văn hóa, nghệ thuật, làng văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam, cơ sở số hóa dữ liệu văn hóa.
Tầm nhìn đến năm 2045, mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao quốc gia phát triển cân đối, phân bố không gian hợp lý, trở thành thương hiệu, đại diện cho nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc; hình thành những công trình mang đậm bản sắc văn hóa, có tính biểu tượng cho Việt Nam hội nhập trong thế kỷ 21, trở thành những dấu ấn lịch sử và di sản dành cho tương lai. Bên cạnh đó, hình thành các trung tâm về văn hóa, thể thao trọng điểm gắn với các đô thị quan trọng của quốc gia và vùng tại Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Vinh, Đà Nẵng, Huế, Quy Nhơn, Buôn Ma Thuột, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ.
Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới xây dựng, khai thác thiết chế văn hóa, thể thao. Bảo tàng, Thư viện, Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm, Khu Liên hợp Thể thao Quảng Ninh đã được đầu tư với quy mô lớn, hiện đại phục vụ các sự kiện, chương trình lớn và còn là điểm du lịch nổi tiếng của du khách khi đến Quảng Ninh. Trong Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, được Chính phủ phê duyệt, Quảng Ninh tiếp tục xây dựng nhà hát tỉnh, trung tâm văn hóa tỉnh với quy mô đẳng cấp quốc tế, hiện đại, trở thành công trình văn hóa biểu tượng của Quảng Ninh. Các thiết chế văn hóa thể thao do các doanh nghiệp, tư nhân xây dựng ngày càng nhiều, cơ bản đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ của nhân dân. Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 500 công trình xây dựng từ nguồn xã hội hóa, tổng kinh phí đầu tư trên 10.000 tỷ đồng. Tỉnh cũng xác định du lịch là một trong những trụ cột tăng trưởng kinh tế. 9 tháng đầu năm 2024, Quảng Ninh thu hút trên 15,6 triệu lượt khách, doanh thu ước đạt hơn 36.850 tỷ đồng, tăng trưởng 39% so cùng kỳ năm 2023 và gần đạt 100% kế hoạch cả năm.
Cùng với quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt, 2 quy hoạch nói trên sẽ là căn cứ quan trọng để tỉnh Quảng Ninh tiếp tục xây dựng các nghị quyết, chương trình hành động sát thực tiễn; huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội, hoàn thiện, nâng cấp hạ tầng cơ sở vật chất các thiết chế văn hóa, thể thao; phát huy tiềm năng thế mạnh di sản vật thể, phi vật thể của địa phương để phát triển văn hóa, thể thao, du lịch. Hướng tới mục tiêu đưa tỉnh Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch kết nối khu vực và thế giới vào năm 2030; cùng với Hải Phòng, Hà Nội, và Ninh Bình, trở thành một trong 6 khu vực động lực phát triển du lịch của cả nước. Qua đó, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Đỗ Hùng
Liên kết website
Ý kiến ()