Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:41 (GMT +7)
Quy hoạch kiến trúc nông thôn tiên tiến, hiện đại
Thứ 4, 09/02/2022 | 14:02:08 [GMT +7] A A
Với mục tiêu phát triển nông thôn theo hướng đồng bộ, hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nghiên cứu, lập quy hoạch chung xây dựng các xã từ rất sớm, đảm bảo khớp nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, không gian kiến trúc cảnh quan, phục vụ nhu cầu, đời sống dân sinh, góp phần phát triển KT-XH tại địa phương.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn 98 xã thuộc 13 huyện, thị xã, thành phố, giảm 13 xã so với trước năm 2019 do các xã thực hiện sáp nhập, nâng cấp thành phường thực hiện theo Nghị quyết số 837/NQ-UBTVQH ngày 17/12/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị cấp huyện, cấp xã trong cả nước.
Để đảm bảo các xã, thôn phát triển theo hướng hiện đại, bám sát nhiệm vụ, mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới tiên tiến, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan thực hiện việc lập quy hoạch và thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cho phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, giai đoạn. Đến nay, 98 xã của tỉnh đã hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xã nông thôn mới với kiến trúc cảnh quan tiên tiến, đồng bộ, hiện đại gắn với từng điều kiện tự nhiên, truyền thống văn hóa vùng miền.
Điển hình như đối với các địa phương tuyến biên giới, quy hoạch nông thôn đều đảm bảo hài hòa lợi ích phát triển của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với bảo đảm vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Ngoài một số khu vực quy hoạch mang đậm bản sắc, các công trình kiến trúc nông thôn đã cơ bản được xây dựng để phù hợp với điều kiện thực tế, phong tục tập quán, nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của nhân dân. Như tại huyện biên giới Bình Liêu, quy hoạch nông thôn đã gắn với bản sắc truyền thống văn hóa dân tộc người Tày với những nét đặc trưng riêng có. Các khu vực dân cư được quy hoạch tập trung, đồng bộ kiến trúc cảnh quan theo hướng hiện đại nhưng vẫn giữ được những nét truyền thống của đồng bào dân tộc nơi đây. Đặc biệt là đã sắp xếp, bố trí nhiều điểm quy hoạch du lịch sinh thái gắn với điều kiện tự nhiên, truyền thống của người dân địa phương và có sự huy động đầu tư của nhà nước trong việc phát triển hạ tầng kỹ thuật, giao thông đồng bộ, thông suốt.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu, cho biết: Quy hoạch vùng nông thôn của huyện Bình Liêu đều gắn chặt với quy hoạch xã, thôn nông thôn mới tiên tiến, nâng cao. Hiện nay, thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, địa phương đang tiến hành rà soát, lên danh mục các dự án để đầu tư, trong đó, chú trọng đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông kết nối giữa các xã, thôn trên địa bàn huyện nhằm đảm bảo cho sự phát triển bền vững.
Còn đối với các vùng nông thôn miền biển đảo, dựa trên điều kiện thực tế tại từng địa phương, các đơn vị liên quan đã thực hiện việc lập quy hoạch chung xã, thôn, điểm dân cư nông thôn cho tới khuôn viên ngôi nhà của từng hộ gia đình mang nhiều giá trị hiện đại và đáp ứng nhu cầu sinh sống của người dân.
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết: Quy hoạch kiến trúc nông thôn của tỉnh Quảng Ninh đã có sự tham gia tích cực của kiến trúc sư, từng bước xây dựng nông thôn đi theo hướng hiện đại. Tuy nhiên, cho đến nay việc quản lý xây dựng các công trình kiến trúc nông thôn chưa được kiểm soát chặt chẽ do thiếu các hướng dẫn cụ thể làm cơ sở để chính quyền địa phương căn cứ tổ chức, thực hiện. Tới đây, đơn vị sẽ phối hợp với các địa phương để có biện pháp quản lý chặt chẽ đối với các quy hoạch, kiên quyết xử lý những tổ chức, cá nhân vi phạm nhằm hướng đến phát triển đô thị nông thôn tiên tiến, hiện đại.
Mạnh Trường
Liên kết website
Ý kiến ()