Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 20:33 (GMT +7)
Quy hoạch chung TP Hạ Long đến năm 2040 Mở cơ hội phát triển toàn diện
Thứ 7, 11/03/2023 | 11:35:51 [GMT +7] A A
Quyết định số 72/QĐ-TTg (Ngày 10/2/2023) của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung TP Hạ Long đến năm 2040. Đây sẽ là quy hoạch “xương sống” cho hành trình kiến tạo Hạ Long trở thành một đô thị đa cực, "cơ hội vàng" để Hạ Long có đủ thế và lực phát triển đồng bộ, xứng tầm, một thành phố xanh bên bờ Di sản.
Ngày 17/12/2019 là một sự kiện đặc biệt của người dân TP Hạ Long khi tại phiên họp thứ 40, Ủy ban Thường vụ Quốc Hội đã ban hành Nghị quyết số 837/NQ-UBTVQH về sắp xếp các đơn vị cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Quảng Ninh; trong đó chính thức sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long. Từ sự kiện lịch sử này, TP Hạ Long đã mang một tầm vóc mới, trở thành đô thị trực thuộc tỉnh lớn nhất cả nước về diện tích, quy mô dân số và sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên "có một không hai". Tuy nhiên, điều này cũng mang lại không ít thách thức cho thành phố khi phải giải quyết những bài toán về phân bổ nguồn lực, chênh lệch vùng miền, mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái...
Để hóa giải những mâu thuẫn, bắt kịp những xu thế phát triển mới, tạo ra sự kết nối thống nhất trong chiến lược - quy hoạch - kế hoạch, đưa ra các định hướng chiến lược làm động lực phát triển, UBND tỉnh đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương (tại Công văn số 384/TTg-CN, ngày 26/3/2021) lập Quy hoạch chung TP Hạ Long đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 (sau khi sáp nhập toàn bộ huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long). Sau một thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng, được đánh giá là bản quy hoạch mẫu mực từ cách làm việc, đóng góp trí tuệ đến lấy ý kiến của các chuyên gia, ngày 10/2/2023, Quy hoạch chung TP Hạ Long đến năm 2040 đã chính thức được Chính phủ thông qua.
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết: Quy hoạch chung TP Hạ Long đến năm 2040 được phê duyệt nhằm xác định vai trò, vị trí, chức năng, định hướng phát triển, tầm nhìn dài hạn, mối liên kết... của TP Hạ Long trong tỉnh Quảng Ninh, trong hệ thống đô thị quốc gia, hướng tới sự liên hệ và xây dựng thương hiệu đô thị so với các đô thị trên thế giới và khu vực. Quy hoạch cũng là cơ sở pháp lý quan trọng để thu hút đầu tư, quản lý phát triển TP Hạ Long (sau khi sáp nhập huyện Hoành Bồ vào) với vai trò là đô thị trực thuộc tỉnh lớn nhất cả nước. Quy hoạch cũng chỉ ra được các xu hướng, tiềm năng, lợi thế, khó khăn, thách thức mới của thành phố để tổ chức quản lý phát triển thành phố xứng tầm thủ phủ, trung tâm hành chính, kinh tế - xã hội đầu tàu của tỉnh, hướng tới xây dựng tỉnh Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương năm 2030, góp phần xây dựng, phát triển Quảng Ninh cùng Hà Nội, Hải Phòng là đầu tàu phát triển trong Vùng Đồng bằng sông Hồng và khu vực phía Bắc.
Theo Quy hoạch chung, TP Hạ Long được định hướng phát triển trở thành đô thị dịch vụ, du lịch văn minh, thân thiện, trung tâm dịch vụ - du lịch quốc gia mang tầm quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại và đồng bộ, gắn kết giữa bảo tồn và phát triển bền vững Di sản, Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và Khu Bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng. TP Hạ Long sẽ phát triển theo hướng bền vững, phù hợp với yêu cầu tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu, lấy Vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối, theo hướng đa cực, hài hòa với Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và các vùng núi phía Bắc thành phố; phát triển đô thị theo tiêu chí loại I chất lượng cao, tiêu chuẩn quốc tế, hình thành không gian phát triển đô thị theo mô hình đô thị cạnh tranh đa cực...
Cấu trúc phát triển của thành phố theo mô hình gồm 5 vùng (vùng Hạ Long, vùng phía Đông, vùng phía Tây, vùng Vịnh Cửa Lục - khu vực phía Bắc Vịnh Cửa Lục, vùng đồi núi phía Bắc) và 1 hành lang ven Vịnh Hạ Long, lấy Vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối. Trên cơ sở phân vùng cảnh quan, phân vùng chức năng, đặc trưng hoạt động của từng khu vực, định hướng phát triển không gian của thành phố theo 18 phân khu.
Ông Nguyễn Ngọc Long (phường Hồng Hà,TP Hạ Long) cho biết: "Là người dân thành phố, tôi rất vui, sau gần 3 năm sáp nhập, Hạ Long đã có Quy hoạch chung để đảm bảo sự phát triển có tầm nhìn dài hạn. Qua theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi thấy Quy hoạch chung lấy Vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối là rất xác đáng, vì quỹ đất phía Hoành Bồ cũ còn rất lớn, trong khi đời sống của người dân các xã còn chênh lệch khá cao so với các phường của thành phố. Chúng tôi mong rằng, chính quyền thành phố sẽ triển khai các bước tiếp theo để đảm bảo hiện thực hoá các mục tiêu Quy hoạch đặt ra".
Để Hạ Long có sự bứt phá trong giai đoạn tới, Quy hoạch cũng nêu rõ chương trình và dự án ưu tiên cho từng giai đoạn. Cụ thể: Giai đoạn 2022-2025, hoàn thiện hệ thống công cụ quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị; hoàn thiện hệ thống hạ tầng khung đô thị; triển khai phát triển đô thị xanh gắn với mô hình đô thị thông minh; hoàn thiện các tuyến giao thông và nút giao đấu nối với đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, cầu Cửa Lục 1, cầu Cửa Lục 3 và đường vành đai ven Vịnh Cửa Lục; các dự án hạ tầng du lịch đang triển khai tại Bãi Cháy, Hùng Thắng, Tuần Châu.
Giai đoạn 2025-2030, phát triển và nâng cao chất lượng không gian ven biển; hoàn thiện các tuyến đường ven biển, không gian công cộng và dịch vụ công cộng ven biển; mở rộng đô thị về phía Đông (Hà Phong), phía Tây (Đại Yên) và mở rộng kết nối về phía Bắc Vịnh Cửa Lục.
Giai đoạn 2031-2040, mở rộng kết nối ra các khu vực lân cận: Uông Bí, Quảng Yên, Cẩm Phả, để tạo không gian phát triển hài hòa, dựa trên nguyên tắc bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Khai thác các khu vực chuyển đổi: Khu vực Cái Lân, CCN Hà Khánh, CCN Hoành Bồ, Nhà máy Xi măng Thăng Long, Nhà máy Xi măng Hạ Long, khai trường khai thác than, cơ sở sản xuất..., để tạo các công trình dịch vụ đô thị, công viên đô thị và bổ sung không gian phát triển thành phố.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND TP Hạ Long, khẳng định: Quy hoạch chung TP Hạ Long đến năm 2040 đóng vai trò rất quan trọng để định hình con đường phát triển của thành phố những năm tới. Quy hoạch cũng sẽ là kim chỉ nam để kêu gọi nguồn lực đầu tư, tránh triệt để sự đầu tư cục bộ, manh mún, thiếu định hướng gây lãng phí nguồn lực. Thành phố đang tập trung hoàn thiện hồ sơ, các nội dung thuyết minh, bản vẽ, quy định quản lý của Đồ án Quy hoạch theo đúng quy định pháp luật; tổ chức rà soát và lập các chương trình, kế hoạch phát triển đô thị; lập và ban hành Quy chế quản lý kiến trúc thành phố làm cơ sở cho quản lý hoạt động xây dựng; tổ chức rà soát, điều chỉnh, lập mới các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị phù hợp với Đồ án Quy hoạch chung, đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật, các định hướng, tính chất và các quy chuẩn quy phạm hiện hành; xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư, tài chính, đất đai để thực hiện các dự án ưu tiên đầu tư, các khu vực nằm trong vùng bảo vệ di tích.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()