Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 06:37 (GMT +7)
Quy định quản lý rác thải nhựa khó áp dụng vì thiếu các hướng dẫn cụ thể
Thứ 5, 02/03/2023 | 09:19:47 [GMT +7] A A
Theo các chuyên gia, thách thức lớn nhất của Việt Nam hiện nay trong quản lý rác thải nhựa là phải thu hẹp khoảng cách từ chính sách đến thực tế để xử lý chất thải nhựa và phát triển nền công nghiệp tái chế. Hiện đã có nhiều quy định, chính sách về vấn đề này nhưng thực tế chưa triển khai được.
Hệ thống chính sách, pháp luật tiếp tục được hoàn thiện
Bà Kim Thúy Ngọc - Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE) - Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý chất thải tiếp tục được hoàn thiện, đặc biệt sau khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 được thông qua.
Theo bà Ngọc, trong Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam (Quyết định số 1316/QĐ-TTg), Việt Nam phấn đấu đến năm 2025 sử dụng 100% túi nilon, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi nilon khó phân hủy; đảm bảo thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh; giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương.
Đề án cũng phấn đấu 100% các khu du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch, các khách sạn không sử dụng túi nilon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần; giảm dần mức sản xuất và sử dụng túi nilon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt.
Để thực hiện lộ trình này, Nhà nước đã có các chính sách khuyến khích, thúc đẩy hoạt động tái chế chất thải như: Ưu đãi về đất đai, ưu đãi, hỗ trợ về vốn đầu tư, ưu đãi về thuế, phí và lệ phí và trợ giá sản phẩm, dịch vụ về bảo vệ môi trường. Công cụ kinh tế cho các hoạt động bảo vệ môi trường đã được quy định trong Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 và Nghị định 08.
Theo Nghị định 08/NĐ-CP về quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, bắt đầu từ năm 2026, Việt Nam sẽ không sản xuất và nhập khẩu túi ni lông khó phân hủy sinh học có kích thước nhỏ hơn 50cm x 50cm và độ dày một lớp màng nhỏ hơn 50 µm, trừ trường hợp sản xuất để xuất khẩu hoặc sản xuất, nhập khẩu để đóng gói sản phẩm, hàng hóa bán ra thị trường.
Việt Nam cũng sẽ không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi ni lông khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm) tại các trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, khu du lịch.
Sau năm 2030, dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần (trừ sản phẩm được chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam), bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi ni lông khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm) và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang xây dựng quy định về tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh, làm cơ sở để huy động nguồn lực cho các hoạt động bảo vệ môi trường, hoạt động tái chế chất thải nhựa.
Áp dụng quy định yếu kém do thiếu các văn bản hướng dẫn
Mặc dù vậy, bà Kim Thúy Ngọc cũng chỉ ra những hạn chế, đó là việc thiếu các hướng dẫn cụ thể để có thể tiếp cận đến các ưu đãi; thiếu các hướng dẫn về lựa chọn công nghệ tái chế, xử lý chất thải rắn; thiếu tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với các sản phẩm tái chế.
"Các quy định liên quan đến trách nhiệm tái chế, trách nhiệm xử lý của nhà sản xuất, nhập khẩu tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu cần có hướng dẫn cụ thể hơn để có thể áp dụng trong thực tiễn"- bà Ngọc nói.
Trong khi nhựa được nhập khẩu đã được làm sạch từ nước ngoài khá dồi dào nhưng nguồn nguyên liệu trong nước không ổn định do chưa được phân loại và làm sạch theo tiêu chuẩn tái chế. Đến nay, sản phẩm được làm từ vật liệu tái chế được đưa ra thị trường chưa có tiêu chuẩn về chất lượng để cạnh tranh với sản phẩm từ nhựa nguyên sinh.
Thực tế, chi phí sản xuất ra các sản phẩm tái chế đang nhiều hơn chi phí của các sản phẩm làm từ nhựa nguyên sinh. Vấn đề giải quyết rác trong nước sẽ ngày càng thách thức hơn khi các doanh nghiệp không được tiếp cận với nguồn ưu đãi cụ thể để thực hiện loại hình công việc này...
Phân tích thêm về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Môi trường Sức khỏe (CHERAD) đơn cử về vấn đề rác thải y tế:
"Hiện nay khoảng 1.300 bệnh viện và hơn 10.000 trạm y tế xã thải ra trung bình 22-23 tấn rác thải y tế một ngày. Mặc dù Bộ Y tế đã có Thông tư 20 về quản lý rác thải y tế, nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể về việc xử lý rác thải nhựa"- ông nói.
Theo ông, các đơn vị sản xuất trang thiết bị nên được hướng dẫn và quản lý chặt chẽ về nguyên liệu và các sản phẩm đầu ra. Bên cạnh đó, các chuẩn đầu vào của bệnh viện cũng cần cân nhắc đến các trang thiết bị y tế thân thiện với môi trường, hay còn gọi là sản phẩm “xanh”.
Về chính sách, các chuyên gia cũng khuyến cáo cơ quan quản lý cần nhanh chóng có hướng dẫn về áp dụng kinh tế tuần hoàn đối với rác thải nhựa, phát triển mạng lưới nghiên cứu và đổi mới về nhựa; cũng như phát triển các tiêu chuẩn kỹ thuật cho các sản phẩm nhựa và nhựa tái chế.
Việt Nam cũng cần tham gia các nỗ lực hành động quốc tế về ô nhiễm nhựa đẩy mạnh phát triển, ứng dụng vật liệu, sản phẩm thay thế vật liệu, sản phẩm nhựa.
Theo nghiên cứu của trường Đại học Khoa học Tự nhiên năm 2020 chất thải nhựa và túi nylon thải bỏ tại Việt Nam đã đạt xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm, trong đó loại rác thải loại bỏ ra môi trường nhiều nhất là hộp xốp, túi nylon, ông hút,… và chỉ 10% trong đó số được tái chế và sử dụng.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()