Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 16:24 (GMT +7)
Quỹ Bảo hiểm Y tế kết dư hàng chục nghìn tỉ đồng, danh mục thuốc mới vẫn chờ cập nhật
Thứ 3, 17/10/2023 | 10:48:07 [GMT +7] A A
Dù Quỹ Bảo hiểm Y tế (BHYT) hàng năm kết dư hàng chục nghìn tỉ đồng nhưng danh mục thuốc mới vẫn cập nhật một cách nhỏ giọt trong khi việc bổ sung thuốc mới vốn là điều tất yếu phải làm vì lợi ích của người bệnh.
Bổ sung danh mục thuốc mới là việc làm cấp thiết
Báo Lao Động đã có tuyến bài phản ánh việc đã 5 năm kể từ năm 2018 đến nay, danh mục thuốc thuộc phạm vi thanh toán của BHYT chưa được cập nhật, bổ sung các thuốc mới một cách tổng thể. Điều này gây ảnh hưởng đến quyền lợi điều trị, ảnh hưởng đến "túi tiền" của bệnh nhân cũng như công tác chuyên môn, điều trị, kê đơn thuốc của bác sĩ.
Theo báo cáo tại hội thảo BHYT tổ chức gần đây, người Việt đang phải tự trả hơn 40% chi phí khám chữa bệnh, gấp đôi khuyến cáo của WHO. Điều này tạo gánh nặng kinh tế cho người dân.
Trong khi đó, quỹ BHYT năm nào cũng kết dư hàng chục nghìn tỉ đồng. Năm 2021 là hơn 22.000 tỉ; tổng kết dư chuyển sang năm 2022 là 58.643 tỉ đồng trong tổng kinh phí gần 110.000 tỉ đồng Chính phủ giao. Để người dân tham gia BHYT nhiều hơn, nhiều ý kiến cho rằng, cần cân đối quỹ, sớm cập nhật thêm các thuốc mới vào danh mục.
Ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Lao Động, người bệnh và bác sĩ đều mong danh mục thuốc sớm được cập nhật.
BS.CKII Mai Đức Huy - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn TPHCM - cho biết, việc bổ sung thuốc thuộc danh mục thuốc được thanh toán BHYT là điều cần thiết vì các khuyến cáo điều trị cập nhật và thay đổi liên tục, đặc biệt là lĩnh vực chuyên khoa sâu. Đây cũng là việc tất yếu phải làm vì quyền lợi và điều tốt nhất cho người bệnh, nhưng phải đánh giá trên đầy đủ các nghiên cứu khoa học làm cơ sở.
Bác sĩ Đức Huy dẫn chứng, theo quy định để bổ sung thuốc mới vào danh mục phải có đánh giá tác động ngân sách cho kết quả việc bổ sung thuốc mới không làm tăng chi từ quỹ BHYT; nếu có tác động ngân sách gây tăng chi từ quỹ BHYT thì phải đánh giá thêm bằng chứng khoa học như: bằng chứng đánh giá công nghệ y tế (kinh tế dược), xem xét hiệu quả lâm sàng và chi phí điều trị, bổ sung thuốc so với thuốc hiện có trong danh mục thanh toán BHYT. Do đó, bác sĩ kiến nghị Bộ Y tế cần sớm thực hiện các bước này thì mới có thể cập nhật danh mục thuốc.
Liên quan đến vấn đề này, một chuyên gia khác cho biết, năm 2023 Bộ Y tế đang trong giai đoạn hoàn thiện để ban hành Hướng dẫn chuẩn bị Báo cáo đánh giá kinh tế dược nhằm ứng dụng đánh giá công nghệ y tế trong lĩnh vực y tế. Từ đó, có khung cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các nghiên cứu làm tiền đề bổ sung các thuốc mới vào danh mục thanh toán BHYT.
“Việc bổ sung/loại bỏ để cập nhật danh mục thuốc BHYT là một bài toán cân nhắc nhiều yếu tố về chi phí - hiệu quả điều trị, phân tích tác động ngân sách, đánh giá khía cạnh xã hội, pháp luật, đạo đức cho các nhà hoạch định chính sách/cơ quan quản lý y tế trước khi ra quyết định, vì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thanh toán từ nguồn quỹ BHYT chứ không phải đơn giản là thao tác thêm/bớt thuốc khỏi danh mục” - vị chuyên gia này cho biết.
Không nên để quỹ BHYT kết dư quá nhiều
Chia sẻ với phóng viên Lao Động, bà Trần Thị Trang - Quyền Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế - Bộ Y tế - đưa ra nhiều lý do cho việc danh mục thuốc BHYT chậm cập nhật.
Bà cho hay, hằng năm vẫn có những loại thuốc mới được nghiên cứu phát minh, vì vậy sẽ có quá trình cập nhật danh mục thuốc mới vào danh mục thanh toán BHYT hiện hành. Để cập nhật được phải đánh giá hiệu quả điều trị cho người bệnh trên thuốc mới đó, vì thuốc mới đưa vào sẽ có quá trình cấp phép lần đầu, nhiều trường hợp theo dõi an toàn hiệu quả chỉ được cấp phép 3 năm thì chưa đủ điều kiện đưa vào danh mục.
Đối với những thuốc đã được đăng ký lưu hành rồi thì phải đánh giá hiệu quả điều trị, đánh giá tác động kinh tế y tế của thuốc đó so với danh mục thuốc hiện hành để xác định hiệu quả điều trị và đánh giá tác động ngân sách, lên quỹ BHYT.
Trao đổi với Lao Động, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí cho biết, Quỹ BHYT cho đến báo cáo gần đây nhất vẫn có kết dư và điều tốt nhất là quỹ BHYT không nên để kết dư quá nhiều.
“Như chúng ta đã biết, BHYT là loại quỹ ngắn hạn, thường xuyên được bổ sung. Vì vậy, trong việc sử dụng phải có các điều kiện để đảm bảo phần kết dư phải bằng một mức vừa đủ để tiếp tục duy trì và phát triển công việc trong giai đoạn tới. Việc để kết dư quá lớn sẽ làm ảnh hưởng đến chi phí cho hoạt động khám chữa bệnh của những người đóng BHYT.
Nếu trong trường hợp có kết dư với lượng khá lớn, như trong báo cáo thời gian vừa qua, tôi cũng như nhiều ĐBQH đề nghị cần xem xét để thanh toán cho trường hợp có tham gia BHYT, đặc biệt là những người thuộc diện đặc biệt khó khăn, diện ưu tiên, diện nghèo, những gia đình có công với cách mạng…
Khi người bệnh đến khám chữa bệnh nhưng không được BHYT thanh toán trong thời gian vừa qua với lý do là bệnh viện nơi họ khám không mua được vật tư tiêu hao thuộc diện BHYT thanh toán, thì BHYT cần tìm cách thanh toán cho họ. Đặc biệt là những người bệnh có chỉ định thuốc men đúng, quy trình mua sắm rõ ràng"- Đại biểu Nguyễn Anh Trí kiến nghị.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()