Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 12:14 (GMT +7)
Ngày làm việc thứ 11, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV Quốc hội tiếp tục thảo luận tại tổ và hội trường về nhiều dự án luật quan trọng
Thứ 4, 02/11/2022 | 18:30:00 [GMT +7] A A
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, ngày 2/11, Quốc hội tiến hành thảo luận tổ về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật giao dịch điện tử (sửa đổi); thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).
Trong phiên thảo luận tổ buổi sáng, tại Tổ số 18 gồm Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, Kon Tum và Tiền Giang, đa số các đại biểu Quốc hội cho rằng, qua gần 12 năm thực hiện, Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2010 (được thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XII, ngày 17/11/2010), đã phát huy tác dụng góp phần bảo vệ chế định về quyền con người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, góp phần đắc lực cho quá trình hội nhập và hợp tác kinh tế quốc tế sâu rộng, thực hiện tốt chủ trương xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa của đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đã đạt được, cùng với xu thế phát triển kinh tế-xã hội, Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2010 cũng đã dần bộc lộ những hạn chế, bất cập. Vì vậy, việc xây dựng dự án Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) là cần thiết, kịp thời, không chỉ nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong thực tiễn mà còn nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và nhà nước về hoàn thiện thể chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Qua nghiên cứu dự án Luật, Đại biểu Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho rằng luật cần mở rộng phạm vi quy định đến việc phân phối, trao đổi và trách nhiệm trung gian, nhất là trung gian để kết nối giữa sản xuất, người tiêu dùng để bao quát và thực sự đi vào cuộc sống. Bên cạnh đó, không chỉ đối với các sản phẩm thiết yếu, luật cũng cần quan tâm kiểm soát các sản phẩm tinh thần như phim ảnh để đảm bảo tính toàn diện của phạm vi luật.
Đối với quy định về đảm bảo an toàn, an ninh cho người tiêu dùng, đại biểu cho biết, thực tế những năm gần đây, quan hệ hợp tác kinh tế, nhất là hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa giữa nước ta với các nước trên thế giới, đặc biệt là số lượng sản phẩm, hàng hóa được nhập khẩu vào Việt Nam để bán cho người tiêu dùng ngày càng tăng. Tuy nhiên, việc thanh tra, kiểm tra, giám sát về chất lượng, giá cả đối với sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, dẫn đến gây thiệt hại không nhỏ cho người tiêu dùng. Thực tế, có không ít sản phẩm, hàng hóa được nhập khẩu vào Việt Nam khi đến tay người tiêu dùng thì giá cả đã tăng lên nhiều hoặc chất lượng không bảo đảm. Đây là vấn đề cần phải quy định rõ đối với các sản phẩm, hàng hóa được nhập khẩu vào Việt Nam để bán cho những người tiêu dùng.
Cùng cho ý kiến vào Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh nhấn mạnh Luật cần làm rõ các khái niệm và sự gắn kết với các luật hiện hành để việc triển khai được đồng bộ và thống nhất. Tại Khoản 10, điều 11, đối với việc sử dụng thông tin của người tiêu dùng phải đảm bảo cơ chế chặt chẽ để người tiêu dùng có quyền lựa chọn cho phép hay không sử dụng thông tin để đảm bảo quyền lợi.
Đại biểu cũng đánh giá những quy định về trách nhiệm bảo vệ thông tin của người tiêu dùng là quy định rất cần thiết, việc thu thập, quản lý, sử dụng thông tin người tiêu dùng rất quan trọng, tránh việc lấy thông tin này để làm việc không chính đáng khác. Tuy nhiên, theo đại biểu, những nội dung này quy định chưa tập trung từ Điều 8 đến Điều 13; có thể thiết kế thành Chương riêng hoặc Mục riêng để đảm bảo tính logic, chặt chẽ, khoa học.
Đối với Luật giao dịch điện tử (sửa đổi), các đại biểu cho rằng, việc sửa đổi toàn diện Luật Giao dịch điện tử nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ số, Internet và không gian mạng.
Đại biểu Trần Thị Kim Nhung, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Quốc hội, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh cho rằng phạm vi Luật cũng cần cân nhắc về một số giao dịch điện tử liên quan đến lĩnh vực rất quan trọng, nhạy cảm, phát sinh nhiều tranh chấp như: đất đai, bất động sản, thừa kế. Các quy định về giao dịch này cần cụ thể, đánh giá kỹ lưỡng hơn thực tế ở Việt Nam cũng như kinh nghiệm của quốc tế. Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu cũng cho ý kiến về giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu; về chứng thư điện tử; về chữ ký điện tử; về dịch vụ tin cậy; về giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử; về giao dịch điện tử của cơ quan Nhà nước;…
Tại phiên làm việc chiều, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). Tại phiên làm việc, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao quá trình chuẩn bị dự thảo Nghị quyết Nội quy Kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), đồng thời cho rằng việc sửa đổi Nội quy Kỳ họp với 31 nhóm vấn đề mới đã cơ bản đáp ứng mục đích, quan điểm đề ra, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tăng tính dân chủ, pháp quyền, tính chuyên nghiệp, chủ động trong hoạt động của Quốc hội.
Các ý kiến đại biểu cũng cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo Nghị quyết Nội quy Kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); đồng thời đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, cụ thể, đề xuất phương án tích cực hoàn thiện, nâng cao hơn nữa chất lượng của dự thảo.
Phát biểu kết luận phiên làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng các vấn đề đại biểu Quốc hội đã phát biểu để tiếp thu tối đa các ý kiến, chỉnh lý, hoàn thiện báo cáo tiếp thu giải trình, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết Nội quy Kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, quyết định việc thông qua vào cuối Kỳ họp thứ 4.
Nguyễn Thanh
- Đại biểu Quốc hội: Bảo vệ người tiêu dùng trước bẫy quảng cáo trá hình
- Thông cáo báo chí số 10, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV
- Quốc hội thảo luận tại tổ và hội trường về nhiều dự án luật quan trọng
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội kiến Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Lật Chiến Thư
- Thông cáo báo chí số 9 Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV
- Đại biểu Quốc hội đề nghị xử lý nghiêm các dự án treo, chậm tiến độ
Liên kết website
Ý kiến ()