Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 12:30 (GMT +7)
Ngày làm việc thứ 8, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022
Thứ 6, 28/10/2022 | 19:25:47 [GMT +7] A A
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, ngày 28/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội (KT-XH) năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước; phương án phân bổ ngân sách Trung ương và tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14, ngày 12/12/2017 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh.
Tham gia phát biểu ý kiến tại hội trường, đại biểu Đỗ Thị Lan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh ghi nhận trong điều kiện nhiều khó khăn, thách thức của năm 2022 song với sự chủ động của Quốc hội nên đã nắm được tình hình để kịp thời có quyết sách quan trọng, cùng với sự điều hành quyết liệt của Chính phủ quyết tâm vượt khó khăn và sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, từ đó kinh tế - xã hội đạt được nhiều kết quả như: Việc kiểm soát dịch bệnh; nền kinh tế dần phục hồi, tăng trưởng đạt cao, lạm phát được kiểm soát…
Bên cạnh những kết quả đạt được, Chính phủ cũng đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập và đưa ra 12 nhóm giải pháp để thực hiện trong thời gian tới. Đại biểu Đỗ Thị Lan bày tỏ hoàn toàn thống nhất, đồng thời nhấn mạnh vào một số vấn đề như, chỉ rõ hạn chế trong chậm giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện chính sách tài khóa tiền tệ… Và cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do việc ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện còn chậm, chưa đồng bộ; công tác phân bổ vốn, giao vốn còn chậm dẫn đến độ trễ của chính sách quá dài. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ có giải pháp để khắc phục, đẩy nhanh tiến độ, chất lượng ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các chương trình mục tiêu, rút ngắn thời gian phân bổ vốn, giao vốn.
Quan tâm đến doanh nghiệp nhỏ và vừa còn gặp nhiều khó khăn, đại biểu Đỗ Thị Lan đề nghị Chính phủ tiếp tục có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Đồng thời, đại biểu đề nghị Quốc hội tiếp tục có chính sách giãn giảm thuế cho doanh nghiệp đến năm 2023.
Trước tình trạng thiếu thuốc, thiết bị vật tư y tế kéo dài thời gian qua, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ và Bộ Y tế sớm chỉ rõ những vướng mắc, bất cập về việc đấu thầu thuốc; mua sắm thiết bị vật tư y tế. Đặc biệt, trong bối cảnh tình trạng dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp không nên để bệnh viện thiếu thuốc, thiết bị vật tư y tế lâu hơn.
Tham gia phát biểu thảo luận tại hội trường, đa số ý kiến các vị đại biểu Quốc hội thống nhất với nhiều nội dung nêu trong Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước và việc tổng kết Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh.
Đồng thời, các đại biểu cũng chia sẻ, nêu nhiều khó khăn, thách thức rất lớn từ bên ngoài tác động vào nước ta năm 2023 và đề nghị phân tích cụ thể có giải pháp ứng phó để ổn định tình hình kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, cân đối thu chi ngân sách nhà nước, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, đảm bảo các cân đối lớn trong điều kiện bất định; tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với việc thực hiện các mục tiêu, giải pháp đề ra. Các đại biểu cũng đề nghị có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, bình ổn giá cả hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân, phục vụ sản xuất…
Cũng trong phiên thảo luận, các Bộ trưởng và Phó thủ tướng đã luân phiên giải trình một số vấn đề đại biểu đặt ra về những tồn tại trong công tác quản lý đất đai; tình hình cung ứng xăng dầu; các chính sách an sinh xã hội; thực hiện chính sách về đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Phát biểu kết luận ngày làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, sau 2 ngày làm việc sôi nổi, đã có 86 đại biểu phát biểu, 8 ý kiến đại biểu Quốc hội tranh luận, 40 đại biểu Quốc hội đã đăng ký, 10 Bộ trưởng và Phó Thủ tướng Chính phủ đã tham gia phát biểu, giải trình làm rõ nhiều vấn đề được cử tri, các đại biểu Quốc hội quan tâm.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, vượt qua khó khăn, thách thức KT-XH Việt Nam phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường thích ứng biến đổi khí hậu được chú trọng và có nhiều chuyển biến tích cực; an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống nhân dân được cải thiện; chính sách xã hội, quốc phòng, an ninh được tăng cường, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Đây là tiền đề, điều kiện để xây dựng và thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo tới các cơ quan của Chính phủ, các cơ quan thẩm tra, các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến phát biểu tại hội trường, các ý kiến thảo luận tại tổ và đưa các nội dung quan trọng về kinh tế xã hội, ngân sách nhà nước vào Nghị quyết của Quốc hội. Đồng thời, đưa nội dung tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh vào Nghị quyết chung của Kỳ họp gửi đại biểu Quốc hội cho ý kiến và trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Nguyễn Thanh
- Đại biểu Quốc hội: Cần làm rõ xăng dầu “thiếu thật” hay “thiếu giả”
- Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022
- Ngày 27/10, Quốc hội dành thời gian cả ngày thảo luận về kinh tế xã hội
- Đại biểu Quốc hội nêu giải pháp để phòng chống bạo lực gia đình
- Quốc hội thảo luận tại tổ và hội trường về một số Nghị quyết và dự thảo luật quan trọng
Liên kết website
Ý kiến ()