Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 02:01 (GMT +7)
Ngày làm việc thứ 12, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với lĩnh vực xây dựng
Thứ 5, 03/11/2022 | 20:02:25 [GMT +7] A A
Ngày 3/11, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4 với lĩnh vực Xây dựng.
Trong phiên thảo luận tổ buổi sáng về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), qua thảo luận, các đại biểu đều nhất trí việc sửa đổi luật là cần thiết, bởi qua 8 năm thi hành các mối quan hệ quan kinh tế-xã hội có nhiều thay đổi, nhiều chính sách, pháp luật liên đến quản lý, sử dụng đất đai của Luật Đất đai đã bộc lộ những bất cập, hạn chế, chưa thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành; một số nội dung phát sinh mới trong thực tiễn nhưng pháp luật chưa có quy định điều chỉnh; việc thi hành pháp luật về đất đai ở một số nơi còn chưa nghiêm gây khiếu kiện kéo dài...
Cho ý kiến vào dự án luật, đại biểu Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho rằng trong quy định tại điều 163 về nguyên tắc, phương pháp định giá đất, dự thảo luật phải hết sức cụ thể với phương thức định giá, quy tắc, quy định… rõ ràng bởi đây là yếu tố quan trọng đối với việc xác định giá thị trường của đất.
Tại điều 33, đối với quyền tiếp cận thông tin đất đai, đại biểu đề nghị bổ sung quyền tiếp cận thông tin về chủ thể sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch, để tránh tình trạng công dân biết về quy hoạch, kế hoạch mà không biết về chủ thể sử dụng đất. Đây là kẽ hở rất lớn cho tham nhũng, tiêu cực về đất đai, nhất là diện tích đất chưa được giao, chưa đưa vào kế hoạch sử dụng, cán bộ dễ biến đất công thành đất tư.
Tại điều 19, cần sửa nội dung thành Nhà nước điều tiết giá đất thay vì quy định giá đất. Vì giá đất cần được điều chỉnh theo thị trường, đảm bảo tuân thủ các quy tắc của nền kinh tế thị trường. Đối với quy định quản lý nhà nước về đất đai, nội dung cơ quan quản lý đất đai ở địa phương cần ghi rõ là UBND các cấp tại địa phương để đúng với trách nhiệm quản lý nhà nước. Ngoài ra đại biểu cũng đề nghị dự thảo luật cần làm rõ nội dung, giải thích từ ngữ chi tiết để đảm bảo phạm vi và hiệu quả khi chính thức được đưa vào thực hiện.
Làm rõ hơn các nội dung dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh nêu ra, việc nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là một trong những nhiệm vụ lập pháp trọng tâm đã được đề ra trong Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 05/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Qua thẩm tra Quốc hội đã đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ các quy định của dự thảo Luật và thể chế hóa đầy đủ, cụ thể hơn các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp được đề ra tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”. Tuy nhiên, đây là vấn đề phức tạp, phạm vi không chỉ liên quan riêng đến Luật Đất đai mà còn liên quan đến rất nhiều luật khác phải xem xét sửa đổi để tạo tính đồng bộ. Do đó, Quốc hội đã yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo cần đánh giá kỹ các quy định trong Luật. Đại biểu cũng đề nghị các vị đại biểu Quốc hội trên tinh thần nắm bắt vấn đề từ cơ sở, ý kiến của người dân để tập trung nêu ra các ý kiến giúp Quốc hội xem xét, tiếp tục hoàn thiện luật.
Tiếp nối ý kiến vào dự thảo Luật, đại biểu Trần Thị Kim Nhung, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Quốc hội, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh đề nghị đối với nội dung thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh cần quy định rõ ngay trong nội dung luật để khi giao cho Chính phủ quy định chi tiết, trình tự, thủ tục thì đã có căn cứ rõ ràng trong Luật.
Đối với điểm d, khoản 4, điều 86 quy định về việc thu hồi khu dân cư, trong đó có chung cư cũ, đại biểu đề nghị cần xem xét kỹ nội dung này với các quy định chi tiết, cụ thể và đảm bảo tính khách quan với đặc điểm từng địa bàn địa phương. Vì hiện nay trên cả nước còn rất nhiều chung cư cũ nhưng không phải địa phương nào cũng dễ dàng thực hiện việc thu hồi hay cải tạo.
Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến cũng cho rằng, có một số quy định trong dự thảo Luật Đất đai vẫn còn chung chung, chưa rõ ràng. Theo đó, tại khoản 2, Điều 97 dự thảo quy định: “Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”. Nếu quy định như vậy sẽ không giải quyết được những vướng mắc hiện hành, rất khó để làm rõ “đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”.
Tương tự, quy định về bồi thường thiệt hại về nhà, công trình xây dựng trên đất khi Nhà nước thu hồi đất, trong đó nêu: Đối với nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt gắn liền với đất của hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi Nhà nước thu hồi đất phải tháo dỡ thì chủ sở hữu nhà ở, công trình đó được bồi thường bằng giá trị xây dựng mới của nhà ở, công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương. Theo quan điểm của đại biểu, rất khó để xác định “bằng giá trị xây dựng mới”…
Cũng tại phiên thảo luận, các ý kiến đã góp ý về các quy định phân cấp, phân quyền về đất đai; giao đất nông nghiệp; việc sử dụng công trình ngầm, công trình trên không gắn liền với đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; đất đa mục đích; thu hồi đất di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh…
Trong phiên làm việc chiều tại hội trường, Quốc hội tiến hành chất vấn Nhóm vấn đề thứ Nhất thuộc lĩnh vực xây dựng. Trong phiên làm việc, đã có có 36 đại biểu chất vấn, 1 đại biểu tranh luận, các nội dung liên quan đến: Biện pháp xử lý đối với công trình công cộng, trụ sở làm việc xuống cấp; làm rõ thực trạng và trách nhiệm của Bộ Xây dựng khi diện tích cây xanh ở đô thị còn thấp so với quy chuẩn; Làm rõ quan điểm về nhận định kiến trúc và quy hoạch ở nước ta đang phát triển lộn xộn; thực trạng quản lý Nhà nước về không gian ngầm; làm rõ tiến độ, thời hạn hoàn thành kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 311; giải pháp thực hiện Đề án xây dựng căn hộ cho người thu nhập thấp…
Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị chịu trách nhiệm trả lời chất vấn. Cùng với đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng kiểm toán Nhà nước cùng tham gia trả lời chất vấn về những vấn đề có liên quan.
Phiên chất vấn tại kỳ họp Quốc hội sẽ diễn ra đến hết ngày 5/11/2022, đối với 4 nhóm vấn đề liên quan đến lĩnh vực phụ trách của các bộ: Bộ Xây dựng; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Nội vụ và Tổng Thanh tra Chính phủ.
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()