Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 09:38 (GMT +7)
Ngày làm việc thứ 11, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV Quốc hội thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023
Thứ 2, 06/06/2022 | 18:58:53 [GMT +7] A A
Tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, ngày 6/6, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ; biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023 và thảo luận ở hội trường về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.
Trong phiên làm việc sáng, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ. Tham gia thảo luận về nội dung này, đại biểu Đỗ Thị Lan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh nhất trí chủ trương đầu tư các dự án: Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1), Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1), Biên Hòa -Vũng Tàu (giai đoạn 1) và dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh.
Đại biểu cho rằng, việc đầu tư các dự án cần quan tâm chi tiết đến phương án giải phóng mặt bằng, quỹ đất tái định cư. Mặt khác, phải có phương án bổ sung vốn đầu tư công, đồng thời, xem xét tính khả thi trong bố trí nguồn vốn. Bên cạnh đó, trong phạm vi triển khai các dự án liên quan đến diện tích đất sản xuất nông nghiệp khá lớn, do vậy cần quy định rõ ràng thời điểm trình Quốc hội để ban hành quy định chuyển mục đích sử dụng đất. Việc sử dụng vốn cũng cần xem xét việc chuẩn bị vốn bằng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi. Đại biểu cũng đề nghị cần cụ thể hơn đối với khả năng sử dụng vật liệu xây dựng để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.
Đồng tình với chủ trương đầu tư các dự án, đại biểu Trần Thị Kim Nhung, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh Chính phủ cần có cam kết tiến độ đầu tư, chất lượng công trình… sau khi Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án đường cao tốc. Đại biểu cũng đề nghị phải làm rõ phương án thu hồi phí để bồi hoàn cho ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó cần nghiên cứu kỹ về khả năng thu hồi ngân sách nếu quyết định chủ trương đầu tư bằng 50% vốn công trình bằng ngân sách nhà nước.
Cũng tại phiên thảo luận đại biểu Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh đã giải trình một số nội dung liên quan đến các dự án: Công tác khảo sát; quy mô phân kỳ đầu tư; phương án tái định cư...
Vào phiên làm việc chiều, sau khi nghe Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về dự kiến Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết. Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 440/449 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 88,18%. Như vậy, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023.
Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023 có bố cục gồm 2 điều với các nội dung về nội dung chương trình giám sát và việc tổ chức thực hiện Nghị quyết. Nghị quyết yêu cầu trong quá trình giám sát, cần tăng cường đi sâu làm rõ vấn đề, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát; sử dụng thông tin từ cơ quan kiểm toán nhà nước, thanh tra trong quá trình tiến hành giám sát. Nghị quyết quy định về giám sát, chất vấn cần gọn, rõ, có các tiêu chí định lượng, mốc thời gian, trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan và giao nhiệm vụ cho các cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ theo dõi, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, kiến nghị sau giám sát. Bên cạnh đó, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình, nâng cao tính chuyên nghiệp trong tổ chức thực hiện, tăng cường các điều kiện đảm bảo để hoạt động giám sát được tiến hành một cách thuận lợi, đạt chất lượng, hiệu quả cao.
Cũng trong phiên làm việc chiều, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.
Phát biểu tại phiên thảo luận các đại biểu đều đánh giá việc triển khai dự án đường Hồ Chí Minh có ý nghĩa rất quan trọng về lịch sử, chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia. Việc cơ bản hoàn thành dự án đã góp phần phát triển đất nước, đặc biệt đối với các khu vực miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và đồng bằng Nam Bộ. Đồng thời, việc hoàn thành mục tiêu thông toàn tuyến với quy mô 2 làn xe là thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào các vùng chiến khu kháng chiến.
Tuy nhiên, đến nay đã quá thời hạn 2 năm, nhưng vẫn còn một số đoạn tuyến chưa được hoàn thành để nối thông toàn tuyến. Trong quá trình triển khai thực hiện dự án còn có những hạn chế, bất cập và khó khăn, vướng mắc; các đaị biểu đề nghị Chính phủ tổ chức rút kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện dự án mà không đáp ứng yêu cầu theo Nghị quyết của Quốc hội, làm rõ nguyên nhân chủ quan và khách quan, trách nhiệm của Trung ương, bộ, ngành, địa phương...
Tiếp thu, ghi nhận ý kiến đóng góp của các đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến phát biểu của đại biểu để hoàn thiện nội dung dự thảo Nghị quyết liên quan đến dự án đường Hồ Chí Minh, đưa vào Nghị quyết Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV trình Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày bế mạc.
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()