Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 06:35 (GMT +7)
Ngày làm việc thứ 20, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV Quốc hội thông qua Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)
Thứ 2, 14/11/2022 | 18:20:19 [GMT +7] A A
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, ngày 14/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Theo đó, tham gia bỏ phiếu đối với Luật Thanh tra (sửa đổi), đã có 459/471 đại biểu Quốc hội có mặt tại hội trường tán thành thông qua Luật, chiếm 92,17%. Qua đó, Luật Thanh tra (sửa đổi) đã chính thức được thông qua với tỷ lệ tán thành cao. Luật Thanh tra (sửa đổi) gồm 8 chương với 118 điều, quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023. Trước đó, các đại biểu đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trình bày nội dung báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật.
Đối với Luật Dầu khí (sửa đổi), sau khi nghe báo cáo tiếp thu, chỉnh lý và giải trình về dự thảo Luật do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trình bày các đại biểu đã tiến hành bỏ phiếu thông qua Luật. Kết quả có có 472/475 đại biểu có mặt tại hội trường biểu quyết tán thành thông qua Luật, chiếm 94,78%. Theo đó, Luật Dầu khí (sửa đổi) gồm 11 Chương 69 Điều đã chính thức được thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023.
Tham gia bỏ phiếu đối với Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đã có 465/474 đại biểu Quốc hội có mặt tại hội trường biểu quyết tán thành thông qua Luật, chiếm 93,37%. Như vậy, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đã chính thức được thông qua với tỷ lệ tán thành cao. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) gồm 56 điều và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2023.
Tiếp tục phiên thảo luận tại hội trường đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đa số ý kiến các đại biểu nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật để thể chế hóa chủ trương của Đảng, hoàn thiện hành lang pháp lý, nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất đai, tạo không gian, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, khắc phục những bất cập, hạn chế của luật hiện hành.
Các đại biểu cũng tham gia nhiều ý kiến để hoàn thiện dự thảo luật như: Thể chế hóa rõ ràng, cụ thể hơn 8 nhóm chính sách theo Nghị quyết 18; hoàn thiện chính sách dân tộc trong dự thảo luật; rà soát phạm vi và đối tượng điều chỉnh; quy định về quyền, trách nhiệm của Nhà nước, công dân đối với đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, mối quan hệ, vị trí của quy hoạch sử dụng đất trong hệ thống quy hoạch quốc gia; giao đất, cho thuê đất; cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; nguyên tắc, tiêu chí, điều kiện để đấu giá quyền sử dụng đất; điều kiện, tiêu chí cụ thể việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng…
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu các ý kiến phát biểu tại hội trường và các ý kiến thảo luận tại tổ để tiếp thu; tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị đại biểu chuyên trách để tiếp tục hoàn chỉnh dự luật trình Quốc hội tiếp tục xem xét, thảo luận tại Kỳ họp thứ 5.
Nguyễn Thanh
- Quốc hội thông qua Luật Thanh tra (sửa đổi)
- Thông cáo báo chí số 19 Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV
- Quốc hội thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023; Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023
- Quốc hội quyết nghị tăng trưởng GDP năm 2023 khoảng 6,5%
- Thông cáo số 18 Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV
- Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Nghị quyết về Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023
Liên kết website
Ý kiến ()