Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 19:29 (GMT +7)
Quốc hội thảo luận về dân chủ cơ sở và phòng, chống bạo lực gia đình
Thứ 3, 14/06/2022 | 07:57:40 [GMT +7] A A
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được ban hành giúp hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở, bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; tiếp tục khẳng định bản chất của Nhà nước Việt Nam.
Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 3, sáng 14/6, Quốc hội biểu quyết Luật Cảnh sát cơ động và Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2023.
Sau nội dung này, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được ban hành giúp hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; tiếp tục khẳng định bản chất của Nhà nước Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, nhân dân là người chủ của đất nước; bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động và trách nhiệm giải trình của chính quyền cơ sở, cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp...
Dự thảo Luật trình xin ý kiến Quốc hội gồm 7 chương, 74 điều, quy định về những vấn đề chung trong thực hiện dân chủ ở cơ sở (gồm: phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ, nguyên tắc thực hiện; quyền và nghĩa vụ của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; phạm vi thực hiện dân chủ ở cơ sở; hành vi bị nghiêm cấm, xử lý vi phạm).
Luật quy định về nội dung, hình thức, cách thức thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, (bao gồm công khai thông tin ở cấp xã), trong cơ quan, đơn vị (bao gồm công khai thông tin trong cơ quan, đơn vị), trong doanh nghiệp (bao gồm quy định về công khai thông tin); nhân dân bàn, quyết định, tham gia ý kiến, kiểm tra, giám sát; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia ý kiến, kiểm tra, giám sát; người lao động quyết định, tham gia ý kiến, kiểm tra, giám sát (áp dụng cho các loại hình doanh nghiệp và quy định đặc thù đối với doanh nghiệp nhà nước); về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân.
Luật quy định các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở; trách nhiệm của chính quyền địa phương cấp xã, người đứng đầu cơ quan đơn vị, người sử dụng lao động, trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội trong bảo đảm và tổ chức thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở…
Trong phiên họp chiều, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) được ban hành nhằm hoàn thiện thể chế về công tác phòng, chống bạo lực gia đình theo hướng tăng cường các biện pháp bảo vệ các quyền con người theo Hiến pháp năm 2013; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế nhà nước, xã hội cũng như vai trò của gia đình về lĩnh vực này, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong tình hình mới.
Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp này gồm 6 chương, 62 điều, trong đó, sửa đổi, bổ sung nội dung 42 điều trong Luật hiện hành; xây dựng mới hoàn toàn 17 điều; bỏ 3 điều, so với Luật hiện hành tăng 16 điều.
Nội dung Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) tập trung vào 3 nội dung chính trong các chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 178/NQ-CP ngày 12/12/2020, bao gồm: các biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình, tăng cường bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; cơ chế phối hợp và các điều kiện bảo đảm để thựchiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình; khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình./.
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()