Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 16:20 (GMT +7)
Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV Quốc hội thảo luận về 2 dự án Luật và các nội dung quan trọng
Thứ 7, 23/10/2021 | 17:40:19 [GMT +7] A A
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, ngày 23/10, Quốc hội nghe các tờ trình, báo cáo, báo cáo thẩm tra và thảo luận tại tổ về một số nội dung quan trọng; đồng thời nghe các báo cáo và thảo luận trực tuyến về công tác phòng, chống tội phạm; thi hành án; phòng chống tham nhũng…
Buổi sáng, Quốc hội đã nghe các tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), dự án Luật Thi đua - Khen thưởng (sửa đổi) và thảo luận tại tổ về các nội dung này.
Đoàn ĐBQH Quảng Ninh thống nhất cho rằng việc ban hành Luật Điện ảnh (sửa đổi) là phù hợp với thực tiễn hiện nay trong bối cảnh công nghệ giải trí, điện ảnh rất được yêu thích trong giới trẻ, phù hợp với hội nhập quốc tế. Nhiều trào lưu từ điện ảnh ra đến thực tiễn đã trở thành định hướng văn hóa tích cực, từ phong cách, lối sống, các mối quan hệ trong gia đình, giới trẻ, học đường. Dự thảo Luật cơ bản đã khắc phục được những bất cập của Luật hiện hành, bao quát được những vẫn đề phát sinh thực tiễn và phù hợp tình hình quốc tế. Tuy nhiên, cần bổ sung các tiêu chí về đối tượng xem phim; việc phân loại phim; những điều cấm trong hoạt động điện ảnh như làm sai thông tin vị trí địa lý, ranh giới quốc gia, lãnh thổ/ cấm các phim phát hành đạo, nhái, ăn cắp bản quyền…; đề nghị sử dụng ngân sách nhà nước để sản xuất phim theo hình thức giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng.
Quan tâm tới vấn đề này, đại biểu Nguyễn Xuân Thắng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, chỉ ra thực trạng phổ biến lậu phim rạp trên môi trường mạng hiện nay. Đại biểu nhấn mạnh, thậm chí có nhiều bộ phim chiếu rạp bị phát tán ngay khi công chiếu. Vấn đề này đặt ra cho chúng ta thấy rằng, dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) lần này cần quy định thật rõ những nội dung về quản lý điện ảnh trên không gian mạng.
Đối với các quy định về sản xuất phim tư nhân trong dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, dự thảo Luật đang thiên nhiều về quản lý nhà nước hơn là khuyến khích các nhà sản xuất tư nhân, xã hội hóa hoạt động làm phim. Theo đại biểu, phim tư nhân có nhiều bộ phim có nội dung và tác động tốt đến đời sống, xã hội, nên khuyến khích. Tuy nhiên, song song với đó không được buông lỏng, cần quản lý chặt để đảm bảo phim không chứa những nội dung kích động bạo lực, mại dâm… có tác động tiêu cực tới người xem.
Đồng thuận với việc sửa đổi Luật Thi đua - Khen thưởng (sửa đổi) nhằm tiếp tục khích lệ các phong trào thi đua để mỗi người dân, các tổ chức cá nhân, doanh nghiệp quyết tâm hơn trong tham gia phát triển KT-XH và bảo vệ Tổ quốc, Đoàn ĐBQH Quảng Ninh đề nghị cần bổ sung, thay thế một số cụm từ, tiêu chí thi đua, khen thưởng trên quan điểm việc khen thưởng phải khuyến khích được các cá nhân, tập thể tích cực làm việc hiệu quả và việc thi đua phải thực chất, tránh hình thức.
Đại biểu Trần Thị Kim Nhung, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, cho rằng: Với tiêu chí “sáng kiến” để xét Chiến sĩ thi đua, quan điểm là nên bỏ tiêu chuẩn này vì đưa 1 tiêu chí cao, khó, đòi hỏi phải có trí tuệ, có chất xám, phải hết sức thực chất, thì mới được tặng danh hiệu sẽ không khả thi… Hoặc nếu để thì chỉ phù hợp với khối chuyên ngành kỹ thuật, tránh gây nên bệnh hình thức.
Đại biểu Lê Minh Chuẩn, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, đóng góp: Về tiêu chuẩn xét thi đua quy định tập thể lao động xuất sắc là tập thể không có cá nhân bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên khi áp dụng vào thực tiễn sẽ khiến nhiều tập thể thiệt thòi. Cần xem xét lại cho chặt chẽ và hợp lý để vừa không mất phong trào thi đua, nhưng cũng không bỏ qua xử lý vi phạm.
Buổi chiều, Quốc hội nghe báo cáo về các nội dung: Công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021; công tác năm 2021 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; công tác thi hành án năm 2021; Báo cáo thẩm tra các báo cáo về công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án năm 2021; Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Cũng trong chiều 23/10, Quốc hội đã tiến hành thảo luận trực tuyến về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021; dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Tổng Thanh tra Chính phủ cũng đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Ngày mai, 24/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về một số nội dung quan trọng.
Minh Hà
- Thông cáo số 3, Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV
- Họp Quốc hội: Đề xuất bổ sung 2 quyền hạn mới cho cảnh sát cơ động
- Thông cáo số 2, Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV
- Quốc hội thảo luận tại tổ về các vấn đề kinh tế-xã hội và 2 dự án Luật
- Quốc hội: Trình nhiều nội dung quan trọng trong ngày làm việc đầu tiên
Liên kết website
Ý kiến ()