Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 19:00 (GMT +7)
Ngày làm việc thứ 3, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV Quốc hội thảo luận tổ và hội trường về nhiều vấn đề quan trọng
Thứ 7, 22/10/2022 | 20:47:00 [GMT +7] A A
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, ngày 22/10, Quốc hội tiến hành thảo luận tổ và thảo luận tại hội trường các vấn đề quan trọng.
Tại phiên thảo luận tổ, Quốc hội chia làm 19 tổ thảo luận. Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh tham gia thảo luận tại tổ số 18, cùng đoàn đại biểu các tỉnh: Kon Tum, Tiền Giang.
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Ngô Hoàng Ngân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh nhất trí với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Các đại biểu bày tỏ phấn khởi trước những kết quả tích cực trong tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô… Sau hai năm chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng với quyết sách đúng đắn kịp thời, quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, kinh tế đất nước đã có sự tăng tốc, tăng trưởng đạt cao hơn kì vọng.
Đại biểu đề nghị Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chính phủ làm rõ nguyên nhân việc phân bổ vốn và giải ngân vốn đầu tư công còn chậm để có những giải pháp khắc phục cụ thể. Bên cạnh đó, kế hoạch thu chi ngân sách phải cụ thể để đảm bảo nguồn lực phát triển của đất nước. Liên quan đến việc triển khai các dự án trọng điểm của quốc gia, nhất là các dự án về giao thông, đại biểu đề nghị tìm các giải pháp khắc phục cụ thể để đẩy nhanh tiến độ các dự án. Trong đó, việc xem xét, rà soát các chính sách về đầu tư là rất cần thiết. Đơn cử như việc đất đá san lấp cần được xem xét là nguyên liệu thông thường chứ không phải là khoáng sản. Như hiện nay tại Quảng Ninh lượng đất, đá thải mỏ rất lớn, nếu tháo gỡ được cơ chế này thì sẽ rất hiệu quả trong việc tận dụng tài nguyên và đẩy nhanh tiến độ đối với các dự án.
Tham gia vào báo cáo thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh, đại biểu đề nghị nội dung báo cáo cần làm rõ những vướng mắc về thể chế, pháp luật. Đại biểu cũng thống nhất với việc nghị quyết kéo dài thêm 1 năm thực hiện.
Phát biểu tại buổi thảo luận tổ, đại biểu Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh làm rõ báo cáo về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Đại biểu khẳng định mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng từ tình hình kinh tế, chính trị thế giới, nhưng Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời ban hành và triển khai bước đầu có hiệu quả các Nghị quyết, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đã giúp kinh tế - xã hội tiếp tục phục hồi mạnh mẽ với nhiều điểm sáng. GDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011 – 2022, nhất là quý III tăng 13,67%. Đà phục hồi tăng trưởng được ghi nhận ở cả 3 khu vực của nền kinh tế; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng với tốc độ tăng 10,69%...
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, đại biểu cho rằng cần đánh giá kỹ hơn về tăng trưởng. Đặc biệt, việc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội có mặt còn hạn chế; phân bổ vốn chậm, tỷ lệ giải ngân khá thấp. Bên cạnh sự vào cuộc, chung tay tháo gỡ của Quốc hội, Chính phủ đối với xử lý các vướng mắc, yếu kém tích tụ nhiều năm của nền kinh tế, nhưng nhìn chung việc xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém, các dự án, doanh nghiệp kém hiệu quả, thua lỗ mới chỉ đạt kết quả bước đầu, chưa có chuyển biến thực chất trên thực tế… Đại biểu đề nghị các ĐBQH tiếp tục có những góp ý, đề xuất để cùng Quốc hội, Chính phủ tháo gỡ những khó khăn này trong thời gian tới.
Tiếp nối ý kiến vào nội dung này, đại biểu Đỗ Thị Lan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các giải pháp để phòng, chống dịch Covid- 19; tập trung chỉ đạo hoàn thiện các dự án lớn đầu tư các dự án hạ tầng đồng bộ, hiện đại; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách; tháo gỡ khó khăn của một số địa phương còn chưa điều tiết được nguồn thu ngân sách; xem xét tăng cao hơn mức hỗ trợ cho người có công với cách mạng…
Đại biểu Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho rằng các vấn đề mang tính ngắn hạn và dài hạn như cải cách hệ thống an sinh xã hội, tiền lương về y tế, đều cần được quan tâm để góp phần ổn định và nâng cao đời sống của người dân. Đồng thời, khơi thông các điểm nghẽn về cơ chế, thủ tục hành chính... Mặt khác, khẩn trương triển khai cơ chế bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để khuyến khích và tạo động lực cống hiến và đóng góp của người quản lý các cấp, đặc biệt là người đứng đầu các tổ chức.
Ngoài ra, các đại biểu đề nghị làm rõ hơn một số hạn chế, vướng mắc trong thực hiện Nghị quyết số 54 như: Một số chính sách liên quan đến đất đai, tài chính, ngân sách chậm triển khai; việc thực hiện thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất đối với một số hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường; Về huy động từ nguồn vay trong nước và vay từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài cho thành phố vay lại;…
Tại phiên làm việc chiều 22/10, Quốc hội nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi); thảo luận về dự án Luật Thực hiện dân chủ cơ sở... Tham gia thảo luận tại hội trường, các đại biểu cơ bản tán thành nhiều nội dung lớn, góp ý điều chỉnh nhiều nội dung quan trọng trong dự thảo luật. Đồng thời, cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng như: Về phạm vi, đối tượng điều chỉnh, nội dung cụ thể về một số tư tưởng, chính sách thể hiện trong luật, cách thức thể chế hóa đảm bảo nội dung phù hợp với các văn bản pháp luật khác cũng như tình hình thực tiễn. Nhiều ý kiến góp ý cụ thể về việc hoàn thiện kỹ thuật văn bản nhằm đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tính khả thi của luật này.
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh nhất trí về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Đồng thời, đánh giá cao nội dung quy định về hình thức, nội dung giám sát; xử lý kết quả kiểm tra, giám sát của nhân dân; trách nhiệm trong việc bảo đảm để nhân dân thực hiện kiểm tra, giám sát tại cơ sở. Tuy nhiên, để nhân dân kiểm tra được, cần có cơ chế cụ thể, cách thức tiến hành phù hợp, nếu không hướng dẫn quy trình, cách thức thì sẽ thiếu đi một khâu để thực hiện các nội dung luật quy định. Đại biểu đề nghị bổ sung điều quy định cụ thể về quy trình, cách thức, thủ tục để người dân thực hiện quyền kiểm tra, giám sát của mình.
Đại biểu cũng đề nghị làm rõ khái niệm kiểm tra, giám sát của nhân dân, phân biệt rõ hoạt động kiểm tra, giám sát của nhân dân với hoạt động thanh tra của Đảng, Nhà nước, từ đó đi đến cách hiểu thống nhất, xác định rõ mức độ, phạm vi, thẩm quyền, đối tượng kiểm tra, giám sát cụ thể, tránh chồng chéo. Về Ban Thanh tra nhân dân, đai biểu đề nghị bổ sung quy định giao Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm, bầu bổ sung, công nhận, hướng dẫn hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và việc cụ thể hóa trách nhiệm sẽ nhấn mạnh vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong chủ động hướng dẫn triển khai, giám sát việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Kết luận phiên làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra nghiêm túc nghiên cứu, rà soát thêm một cách kỹ lưỡng những ý kiến, vấn đề các đại biểu còn băn khoăn để tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét thông qua tại cuối Kỳ họp thứ 4.
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()