Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 09:23 (GMT +7)
Ngày làm việc thứ 16, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV Quốc hội thảo luận thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023
Thứ 2, 13/06/2022 | 18:28:17 [GMT +7] A A
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, ngày 13/6, tại hội trường Diên Hồng, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và dự án Luật Thanh tra (sửa đổi); thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.
Trong phiên làm việc sáng, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Các đại biểu đánh giá việc xây dựng dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là hết sức cần thiết để thể chế hóa quan điểm của Đảng, khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 và giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng, hiệu quả, phát triển và hội nhập quốc tế.
Các đại biểu cũng kiến nghị dự án Luật cần làm rõ một số nội dụng như: Giám sát, đánh giá việc áp dụng Luật trong từng giai đoạn để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa bệnh viện, bệnh nhân và nhà đầu tư; cần có chính sách ưu đãi đặc thù cho cán bộ y tế vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn; điều chỉnh quy định về sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh trong dự thảo Luật sao cho phù hợp…
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ cần tiếp tục đánh giá đầy đủ từng vấn đề, những vướng mắc, nội dung nào chưa phù hợp thuộc về quy định của Luật, quy định của các văn bản dưới Luật; hoặc do tổ chức thực hiện để có định hướng sửa đổi cho trúng, toàn diện và đảm bảo tính khả thi.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng yêu cầu cơ quan trình, cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, có báo cáo giải trình, tiếp thu để trình Quốc hội tiếp tục cho ý kiến tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV.
Tại phiên làm việc chiều cùng ngày, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Đa số ý kiến các đại biểu đều tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Thanh tra. Các ý kiến tán thành với 5 nhóm quan điểm, nguyên tắc xây dựng Luật như trong Tờ trình của Chính phủ, thể chế hóa tối đa chủ trương, đường lối của Đảng, tiếp tục cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 về kiểm soát quyền lực nhà nước, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập được chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành Luật.
Cho ý kiến vào dự án Luật, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, tán thành đối với phạm vi điều chỉnh của dự án Luật. Đại biểu cho rằng, khác với Luật Thanh tra hiện hành (Luật số 56/QH12), dự án Luật này bỏ phạm vi điều chỉnh đối với Thanh tra nhân dân. Lý do là Thanh tra nhân dân là một thiết chế để thực hiện quyền giám sát của nhân dân ở cơ sở. Hoạt động giám sát không mang tính quyền lực nhà nước, nằm ngoài hệ thống thanh tra nhà nước; do MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức, chỉ đạo, vì vậy cần tách ra khỏi Luật Thanh tra và đưa việc điều chỉnh hoạt động, tổ chức Thanh tra nhân dân sang quy định ở Luật Thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở là phù hợp.
Đối với nội dung thanh tra thường xuyên, đại biểu đánh giá đây là một vấn đề cần được nhìn lại một cách thấu đáo thực trạng qua thời gian đã thực hiện quy định của Luật hiện hành. Trong đó cần làm rõ rằng, nội dung thanh tra thường xuyên trong Luật hiện hành thực chất là hoạt động kiểm tra và thậm chí là công tác hàng ngày trong chức năng, nhiệm vụ của một số cơ quan, tổ chức. Đơn cử như Quản lý thị trường, nhiệm vụ của tổ chức này là hàng ngày đi xem xét các đối tượng hoạt động trên thị trường có niêm yết giá không; xem hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ không. Như thế không cần phải có quyết định thanh tra, kết luận thanh tra theo quy định về hoạt động thanh tra... Vì vậy “xóa bỏ” hoạt động thanh tra thường xuyên trong Luật Thanh tra là đúng đắn.
Đối với nội dung tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp hành chính, qua báo cáo thẩm tra, việc thảo luận tổ, theo dõi các kênh truyền thông có ý kiến cho rằng không cần có Thanh tra ở cấp huyện, đại biểu cho rằng những lý do đó là chưa sâu sát. Qua đó đại biểu đề nghị cần có khảo sát cụ thể về ý kiến này của Chủ tịch UBND cấp huyện trong cả nước, vì đây là những người sát thực nhất nắm được tình hình, chất lượng hoạt động, hiệu quả công tác và sự cần thiết có hay không có tổ chức thanh tra cấp huyện hiện nay và từ trước tới nay. Đại biểu đề nghị cần giữ nguyên mô hình thanh tra cấp huyện như hiện nay khi mà các quy định tại Điều 2, 3, 5 vẫn tồn tại.
Đại biểu cũng đề nghị cần nghiên cứu thấu đáo để Luật sửa đổi lần này khắc phục tình trạng chồng chéo về thẩm quyền, hoạt động thanh tra giữa thanh tra các cấp, giữa thanh tra bộ, ngành, sở với thanh tra cấp hành chính cấp dưới. Mặt khác có quy định sao cho không còn xảy ra tình trạng “mời thanh tra để tránh kiểm toán hoặc mời kiểm toán để tránh thanh tra".
Chiều cùng ngày Quốc hội đã tiến hành thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Theo đó qua bấm nút biểu quyết tại hội trường có 462/463 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành. Như vậy, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về Chương trình Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023 có bố cục gồm 4 điều với các nội dung chủ yếu về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và việc tổ chức thực hiện Nghị quyết.
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()