Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 12:23 (GMT +7)
Quốc hội thảo luận tại tổ về các vấn đề kinh tế-xã hội và 2 dự án Luật
Thứ 5, 21/10/2021 | 17:52:41 [GMT +7] A A
Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, ngày 21/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về các vấn đề kinh tế - xã hội (KT-XH), công tác phòng, chống dịch Covid-19 và 2 dự án Luật.
Trong phiên làm việc buổi sáng, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022; Báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
Nghiên cứu các nội dung đã đề cập, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, cho rằng: Việc đánh giá thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 2021, dự kiến kế hoạch năm 2022 và các năm tiếp theo là đặc biệt quan trọng, vì năm 2021 là năm mở đầu cho kế hoạch 5 năm 2021-2025 và chiến lược 10 năm 2021-2020. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, tình hình dịch bệnh tiếp tục tiềm ẩn các nguy cơ bùng phát, lây lan chưa có dấu hiệu kết thúc, việc đánh giá, nhận định tình hình kinh tế - xã hội trên thế giới, trong khu vực và trong nước, chủ động, kịp thời có giải pháp, chính sách phù hợp là rất quan trọng và cần thiết. Chính phủ đã có những quyết sách đúng đắn, phù hợp để phòng, chống dịch bệnh; duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh; tạo việc làm, thu nhập cho người lao động; bảo đảm an sinh xã hội và hạn chế tối đa sự suy giảm, từng bước phục hồi đà tăng trưởng; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Trong báo cáo cũng đã nêu rõ những nguyên nhân, hạn chế, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phát triển KT-XH. Liên quan đến các vấn đề còn hạn chế, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đề nghị cần phải đánh giá, chỉ rõ nguyên nhân việc chậm đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp và không hoàn thành kế hoạch; chậm giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, đề nghị Chính phủ chủ động xây dựng kịch bản ứng phó, chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra, đảm bảo mục tiêu phục hồi nền kinh tế trong điều kiện thích ứng mới. Như vậy, mới có cơ sở để tập trung mọi nguồn lực để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP trong nước như Chính phủ đặt ra 6-6,5%.
Thảo luận ở về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đề nghị Chính phủ chỉ đạo thống nhất cách thức khai báo y tế tại các trạm, chốt kiểm soát Covid-19 trên toàn quốc, tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân và phục vụ công tác truy vết (nếu có); tiếp tục quan tâm, hỗ trợ những đối tượng yếu thế, có cơ chế nuôi dạy các trẻ em mồi côi cha mẹ do dịch bệnh đến tuổi trưởng thành; nâng cao khả năng miễn dịch cộng đồng, tinh thần chủ động thích ứng và phòng, chống dịch bệnh của người dân trong tình hình mới. Bên cạnh đó, cần quan tâm tiến độ sản xuất, thử nghiệm và đưa vào sử dụng vắc- xin do Việt Nam sản xuất để chủ động ứng phó với dịch bệnh; xây dựng phác đồ điều trị để người dân chủ động trong việc chăm sóc sức khỏe; đánh giá những cách làm hay, hiệu quả, có thể nhân rộng trong công tác phòng chống dịch Covid-19; quan tâm đến chính sách hỗ trợ người lao động để không xảy ra tình trạng thiếu lao động, làm đứt gãy chuỗi sản xuất…
Bên cạnh đó, Quốc hội cũng thảo luận ở tổ về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024 (trong đó, có việc bổ sung dự toán thu, chi vốn viện trợ nước ngoài năm 2021 của tỉnh Quảng Nam; lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương).
Trong phiên làm việc buổi chiều, Quốc hội đã nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra và thảo luận ở tổ về dự án Luật Cảnh sát cơ động; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Tham gia thảo luận tại tổ về 2 dự án Luật, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh nhất trí cao với các nội dung, quy định, nhóm nhiệm vụ giải pháp trong các dự thảo Luật. ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho rằng, việc xây dựng Luật Cảnh sát cơ động nhằm đảm bảo tuân thủ quy định của Hiến pháp năm 2013 về việc luật hóa các quy định hạn chế quyền con người, quyền công dân; thống nhất với các quy định của pháp luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động; luật hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; đảm bảo phù hợp với tính chất đặc thù của Cảnh sát cơ động và yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới; đồng thời giải quyết một số vấn đề bất cập của Pháp lệnh Cảnh sát cơ động. Còn việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ sẽ góp phần thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, công nghiệp hóa và hiện đại hóa để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; đồng thời đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng của Việt Nam hiện nay.
Trúc Linh
Liên kết website
Ý kiến ()