Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 18:06 (GMT +7)
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Thứ 6, 03/11/2023 | 18:44:31 [GMT +7] A A
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, ngày 3/11, Quốc hội dành cả ngày làm việc để tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Trong phiên làm việc, Quốc hội đã nghe báo cáo giải trình một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội và của Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ để nghiên cứu, rà soát, tiếp thu ý kiến các cơ quan, tổ chức, chuyên gia; qua đó, chất lượng dự thảo Luật đã từng bước được nâng lên.
Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều chính sách quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu. Trong quá trình rà soát tiếp tục phát sinh các vấn đề chính sách mới, có ý kiến khác nhau, do phạm vi của dự án luật Đất đai rất rộng, liên quan mật thiết, chặt chẽ với nhiều quy định tại các luật khác. Các nội dung lớn của dự thảo được tiếp thu, chỉnh lý như: Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; đối tượng được sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế…
Ủy ban Thường vụ cũng giải trình, tiếp thu các nội dung có 2, 3 phương án và xin ý kiến Quốc hội về các nội dung về: Quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài; quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền hằng năm; cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa; tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cấp tỉnh, chỉ tiêu sử dụng đất cấp huyện...
Thảo luận tại hội trường về nội dung dự án luật, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc chuẩn bị báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cùng các cơ quan hữu quan, thống nhất với nhiều nội dung của dự thảo Luật, đồng thời tham gia nhiều ý kiến để hoàn thiện dự án luật.
Các đại biểu Quốc hội cũng đã cho ý kiến về các nội dung như phạm vi điều chỉnh, tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật cùng nhiều vấn đề trọng tâm trong dự án luật. Tuy nhiên, dự án luật còn nhiều vấn đề phức tạp, tác động, ảnh hưởng lớn, liên quan đến nội dung một số dự án luật khác cũng đang được Quốc hội trình trong Kỳ họp này, vì vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội tiếp tục tham gia góp ý bằng văn bản để cơ quan có thẩm quyền tiếp thu, hoàn chỉnh một cách thận trọng, kỹ lưỡng và toàn diện.
Kết luận phiên làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, ý kiến của các đại biểu Quốc hội là cơ sở để Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo hoàn thiện, trình Quốc hội lựa chọn xem xét phương án khả thi nhất. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham gia để chỉnh lý, hoàn thiện báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, hoàn thiện dự án luật, đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức phiên họp giữa hai đợt họp để cân nhắc kỹ lưỡng, đánh giá nhiều mặt để báo cáo Quốc hội, chỉ trình Quốc hội thông qua khi dự án luật đảm bảo chất lượng, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và khả thi. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội tiếp tục tham gia với tinh thần trách nhiệm cao vào việc hoàn thiện dự thảo luật.
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()