Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 19:17 (GMT +7)
Ngày làm việc thứ 10, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV Quốc hội thảo luận tại hội trường và thảo luận tổ về một số dự án Luật quan trọng
Thứ 6, 03/06/2022 | 19:36:12 [GMT +7] A A
Tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, ngày 3/6/2022, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam; thảo luận tổ về Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).
Tại phiên làm việc sáng, cho ý kiến về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, nhất trí với phạm vi và nội dung cơ bản của dự thảo nghị quyết; đồng thời cho ý kiến về cơ sở lý luận, chính trị, pháp lý của việc ban hành nghị quyết thí điểm, sự tương thích với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Các đại biểu đề nghị Chính phủ có đánh giá bổ sung hiệu quả tổ chức lao động, dạy nghề, hướng nghiệp ngoài trại giam thời gian qua, đánh giá tác động rõ hơn tình hình vận dụng Nghị quyết 132 tháo gỡ vướng mắc đất quốc phòng an ninh thuộc phạm vi quản lý trại giam của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng về quỹ đất xây dựng mới, về thu hút nhà đầu tư, về quan hệ lao động.
Các đại biểu tập trung thảo luận vào mục đích, quan điểm xây dựng Nghị quyết 132 và nguyên tắc thực hiện thí điểm bảo đảm an toàn, tự nguyện, bình đẳng cho phạm nhân; quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm có các chủ thể, trong đó có nhiều đại biểu quan tâm đến trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp, của nhà đầu tư đối với những hoạt động hợp tác cùng trại giam.
Về quy định các trường hợp phạm nhân không được lao động, hướng nghiệp dạy nghề ngoài trại giam, giao Chính phủ quy định chi tiết đối tượng và trình tự thủ tục; đề nghị Chính phủ cân nhắc đối tượng dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai, cho con bú...
Trong phiên thảo luận tổ vào buổi chiều, đóng góp ý kiến vào Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh nêu rõ, trong thời gian vừa qua, Viettel Quảng Ninh gặp một số khó khăn, đặc biệt là nhiễu sóng di động tại khu vực Móng Cái. Việc chưa đạt được hết các thỏa thuận về phân chia băng tần và mức tín hiệu phủ qua biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ dẫn tới khả năng gây nhiễu cho hệ thống thông tin di động.
Bên cạnh đó, hiện nay do thay đổi về công nghệ, đặc biệt công nghệ 4G được tái sử dụng trên băng tần 900 MHz, 1800MHz, cần khẩn trương tổ chức cuộc họp để thảo luận, thỏa thuận giữa 2 nước trong việc phân chia tần số để không gây nhiễu sóng tại các khu vực biên giới và giáp ranh. Tuy nhiên, việc tổ chức cuộc họp để thảo luận, thỏa thuận giữa 2 nước về vấn đề này không thuộc thẩm quyền, chức năng nhiệm vụ của TP Móng Cái cũng như UBND tỉnh Quảng Ninh.
Qua đó, đại biểu đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông sớm có kế hoạch đấu giá băng tần mới để doanh nghiệp chuẩn bị đầu tư công nghệ và sớm có kế hoạch tắt 2G, 3G để các doanh nghiệp cùng thống nhất triển khai đồng bộ. Đồng thời, bổ sung quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sử dụng thiết bị điện tử trong việc phối hợp với các cơ quan quản lý chuyên ngành để xử lý nhiễu.
Đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định cho phép cơ quan quản lý chuyên ngành, Thanh tra chuyên ngành về tần số được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính. Mặt khác, quan tâm đến công tác thông tin tuyên truyền.
Cho ý kiến vào Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), đại biểu Đỗ Thị Lan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban xã hội của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh cho rằng: Đối với quy định về khuyến khích nhà đầu tư thăm dò dầu khí cần bổ sung quy định của Chính phủ có hướng dẫn cụ thể các chính sách và tổ chức thực hiện điều tra cơ bản dầu khí.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng nêu rõ: Mặc dù Chính phủ phê duyệt dự toán thăm dò đầu khí, tuy nhiên không quy định cơ quan nào thẩm định, quyết toán, do đó nội dung này cần phải làm rõ và có quy định cụ thể. Mặt khác, đối với mức thu hồi chi phí hoạt động dầu khí, đại biểu đề nghị cần có phương án quy định chi tiết về mức thu, cơ quan thu và căn cứ thu.
Cùng cho ý kiến vào nội dung Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), đại biểu Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh cho rằng: mặc dù Luật đã sửa đổi nhiều lần, tuy nhiên trước tình hình thực tế hiện nay lượng dầu thô khai thác ngày càng ít, nhưng khí đốt còn nhiều nên dự án Luật cần có giải pháp để khai thác hiệu quả tài nguyên và tránh lạc hậu khi các loại tài nguyên năng lượng mới đang dần thay thế.
Đối với tên gọi và phạm vi Luật, đại biểu đề nghị cần phải có tính bao quát. Đặc biệt, phải có quy định đặc thù đối với nội dung chế biến cùng với nội dung đầu tư cơ bản và khai thác. Về nội dung áp dụng Luật, do đây là Luật đặc thù nên cần quy định cụ thể để thống nhất Luật, trong đó cần có hướng xử lý cùng các luật liên quan.
Về thẩm quyền, đại biểu cho rằng dự án Luật vẫn chưa quy định rõ ràng phạm vi thẩm quyền. Do vậy, Chính phủ, Bộ Công thương cần có cơ chế giao quyền, thẩm quyền cho Tập Đoàn Dầu khí quy định trong Luật, đặc biệt là về các nội dung: Cơ chế, ủy quyền, xử lý vướng mắc, nội dung phạm vi ủy quyền, vai trò quản lý nhà nước… Bên cạnh đó, các chính sách đặc thù quy định trong Luật cần tách bạch phạm vi thuộc Bộ hay Tập đoàn.
Thanh Tùng
- Quốc hội thảo luận nhiều nội dung quan trọng về phát triển KT-XH và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
- Bên lề Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV: Cân nhắc tiếp tục giảm thuế đối với xăng dầu
- Đại biểu Quốc hội đề nghị cấm bán sách tham khảo, hoãn tăng học phí
- Quốc hội thảo luận các vấn đề về kinh tế- xã hội, thực hành tiết kiệm
- Quốc hội thảo luận nhiều nội dung quan trọng về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội
Liên kết website
Ý kiến ()