Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 19:25 (GMT +7)
Ngày làm việc thứ 9, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV Quốc hội thảo luận nhiều nội dung quan trọng về phát triển KT-XH và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Thứ 5, 02/06/2022 | 18:57:05 [GMT +7] A A
Tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, ngày 2/6/2022, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.
Tham gia ý kiến tại hội trường về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021, đại biểu Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh đề nghị Chính phủ tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa tiến độ triển khai một số chương trình, chính sách hỗ trợ đầu tư công, quan tâm giải ngân vốn đầu tư công, phân bổ vốn đầu tư cho 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, giảm nghèo bền vững.
Bên cạnh đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ quan tâm hơn nữa, có chính sách hỗ trợ phù hợp đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân đang gặp khó khăn trong phục hồi sản xuất kinh doanh, tránh nguy cơ phát sinh nợ xấu. Hiện nay, đại dịch Covid-19 đã được đẩy lùi, nhưng đại biểu cho rằng cũng cần đề phòng làn sóng mới của dịch và các vấn đề hậu Covid-19.
Bên cạnh đó, đánh giá về tình trạng ùn ứ nông sản xuất khẩu sang các nước láng giềng đã được Chính phủ tháo gỡ, đại biểu đề nghị Chính phủ có định hướng, kế hoạch cùng chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Nhất trí cao với giải pháp cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp nhằm phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ xuất khẩu bền vững, góp phần phát triển kinh tế và an sinh xã hội, đại biểu nhấn mạnh, trong từng chủ trương, đường lối, quyết sách của Đảng, của Nhà nước đã thể hiện được sự lãnh đạo, chỉ đạo linh hoạt, quyết liệt, sự quan tâm toàn diện đến đời sống nhân dân, khẳng định tính nhân văn của dân tộc ta, từ đó nhân dân ta phấn khởi, tin tưởng rất cao vào Đảng và Nhà nước.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành đã có quyết sách đúng đắn, kịp thời, tạo điều kiện để kinh tế phục hồi.
Các đại biểu cũng cho rằng, bên cạnh kết quả đạt được, cần xác định rõ những thách thức, rủi ro do dịch bệnh và địa chính trị bất định từ bên ngoài và những tồn tại, hạn chế cần khẩn trương khắc phục như: Vấn đề giải ngân vốn đầu tư công không đạt kế hoạch, một số cấu phần của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội hai năm 2022-2023 triển khai còn chậm; hạn chế trong giám sát, quản lý thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường, văn hóa, giáo dục, y tế, chính sách đối với người có công, đồng bào dân tộc thiểu số và vấn đề việc làm trẻ em.
Nhiều ý kiến đại biểu đề nghị Chính phủ chủ động kiểm soát, ứng phó với các rủi ro, đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước, kiểm soát lạm phát, nợ xấu, quản lý giám sát thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản có giải pháp ổn định thị trường, tăng niềm tin của nhà đầu tư, bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn giá. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp đi đôi với kiểm tra, giám sát. Về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 42, đa số ý kiến của đại biểu đồng tình với sự cần thiết kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42 đến ngày 31/12/2023.
Trong phiên làm việc chiều, Quốc hội tập trung thảo luận việc phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.
Tham gia thảo luận các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần có giải pháp nâng cao chất lượng quản lý điều hành ngân sách, quản lý chặt chẽ các khoản chuyển nguồn, tạm ứng sử dụng, kết dư ngân sách… Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cho rằng, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn nhiều tồn tại, hạn chế xảy ra ở hầu hết các cấp, các ngành, các lĩnh vực dẫn đến thất thoát, lãng phí nguồn lực nhà nước. Do đó, Chính phủ cần làm rõ kết quả tiết kiệm, sử dụng nguồn tiết kiệm, đánh giá rõ hơn về sắp xếp bộ máy, về chất lượng, về nguyên nhân chủ quan, chỉ rõ nơi nào ai làm tốt, nơi nào ai làm chưa tốt hoặc vi phạm pháp luật, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và đề nghị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan liên quan bổ sung các nội dung cơ bản để đưa vào Nghị quyết của Kỳ họp thứ 3. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiêm túc tiếp thu, giải trình, đồng thời chỉ đạo các cơ quan soạn thảo hoàn thiện Nghị quyết gửi xin ý kiến các đại biểu Quốc hội.
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()