Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:34 (GMT +7)
Ngày làm việc thứ 5, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV Quốc hội thảo luận cho ý kiến vào hai dự thảo Luật quan trọng
Thứ 6, 27/05/2022 | 18:57:27 [GMT +7] A A
Tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, ngày 27/5, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Tại phiên thảo luận đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh đã tham gia phát biểu tại hội trường.
Trong phiên làm việc sáng, sau khi nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật.
Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh bày tỏ đồng tình và thống nhất cao với Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Báo cáo đã nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến của các đại biểu Quốc hội cũng như các tổ chức, các cơ quan hữu quan giải trình và tiếp thu rõ ràng, thuyết phục.
Đại biểu cũng bày tỏ thống nhất với quy định tại Điều 29 dự thảo Luật. Trên cơ sở ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh lý đầy đủ tiêu chuẩn cụ thể cần được quy định lượng hóa, quy định chi tiết cho tiêu chuẩn của UBND cấp tỉnh, đảm bảo phù hợp giữa tiêu chuẩn và danh hiệu xã, phường, thị trấn tiêu biểu.
Thống nhất cao với nội dung Khoản 2, Điều 29, giao cho UBND cấp tỉnh quy định chi tiết tiêu chuẩn và việc xét tặng danh hiệu xã, phường, thị trấn tiêu biểu. Bởi vì mục tiêu, kết quả phát triển kinh tế xã hội các địa phương là khác nhau, nên tiêu chuẩn cần sát với thực tiễn để khích lệ, thúc đẩy phong trào thi đua, đồng thời tăng cường phân cấp, phân quyền, tăng cường tính chịu trách nhiệm của UBND cấp tỉnh. Tuy nhiên, để tránh việc tiêu chuẩn quy định quá khác nhau giữa các tỉnh, thành phố, số lượng tiêu chí chênh lệch lớn, đại biểu đề nghị trong Nghị định hướng dẫn của Chính phủ nên có khung tiêu chuẩn, định mức tối thiểu để các địa phương căn cứ xây dựng tiêu chuẩn của tỉnh.
Về trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với Điều 88, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị cần làm rõ hơn trong báo cáo việc ghi nhận khen thưởng cho đại biểu Quốc hội theo nhiệm kỳ, đồng thời cho rằng quy định như trong báo cáo giải trình là chưa phù hợp. Bởi nguyên tắc của thi đua là tự nguyện, công khai, minh bạch, thường xuyên, liên tục và nguyên tắc khen thưởng là chính xác, công bằng, kịp thời, thống nhất hình thức khen thưởng với đối tượng, thành tích, công trạng, thành tích đến đâu, khen thưởng đến đó.
Đối với đại biểu chuyên trách thì phải xét khen thưởng hằng năm vì đây chính là công việc chính của đại biểu, mới đảm bảo được theo dõi thành tích liên tục, đồng thời thống nhất với các đối tượng khác.
Tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu quốc hội các địa phương đã phát biểu hết sức thẳng thắn, tâm huyết về dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Theo đó, các đại biểu cho rằng dự thảo Luật cũng còn những điểm cần lưu ý như: Quy định rõ hơn quyền hạn của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trong xác định tên kỷ niệm chương, đối tượng và tiêu chuẩn tặng kỷ niệm chương; cần có văn bản hướng dẫn quy định cụ thể đối tượng nhà văn được xét tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú; hoàn thiện quy định về thi đua, khen thưởng đối đại biểu dân cử đảm bảo hiệu quả và khả thi...
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi) đã nhiều lần được cơ quan trình, cơ quan thẩm tra tổ chức xin ý kiến, tại kỳ họp tiếp tục nhận được nhiều ý kiến sâu sắc, trách nhiệm, thể hiện rõ chính kiến của đại biểu Quốc hội, có nhiều góp ý cụ thể xuất phát từ thực tiễn. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Ủy ban Xã hội tiếp tục chủ trì, phối hợp với Ban soạn thảo, các cơ quan hữu quan tiếp thu thấu đáo ý kiến của các đại biểu Quốc hội, hoàn thiện dự án Luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp này.
Trong phiên làm việc chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Việc sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng; khắc phục những hạn chế, bất cập sau hơn 20 năm thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; kiến tạo, phát triển thị trường bảo hiểm an toàn, minh bạch, bền vững, hiệu quả, tiệm cận với các thông lệ quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh và cùng với thị trường tiền tệ - tín dụng và thị trường chứng khoán trở thành các kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế.
Dự thảo Luật gồm 8 chương, 156 điều (sửa đổi 81 điều, bổ sung 58 điều, bãi bỏ 33 điều và giữ nguyên 17 điều so với Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành). Các đại biểu đã tập trung thảo luận vào một số nội dung chính như: Về chính sách phát triển hoạt động kinh doanh bảo hiểm; hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin thị trường bảo hiểm; bảo hiểm bắt buộc; hợp đồng bảo hiểm; doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm; quỹ bảo vệ người được bảo hiểm…
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()