Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 16:18 (GMT +7)
Quốc hội họp phiên toàn thể, thảo luận trực tuyến về một số nội dung quan trọng
Thứ 2, 10/01/2022 | 18:18:46 [GMT +7] A A
Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV ngày 10/1, Quốc hội họp phiên toàn thể, thảo luận trực tuyến về một số nội dung quan trọng. Dự phiên làm việc tại điểm cầu Quảng Ninh có các đồng chí: Ngô Hoàng Ngân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh.
Tại phiên thảo luận sáng về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí với sự cần thiết, quan điểm xây dựng luật, phạm vi sửa đổi, bổ sung những nội dung có tính cấp bách, đang thực sự gây khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ ngay nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh tác động tiêu cực của dịch Covid-19 để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp bất thường; những nội dung đã rõ, đã được thực tế kiểm nghiệm, được đánh giá tác động đầy đủ; có sự thống nhất cao giữa các cơ quan. Đồng thời hỗ trợ công tác quản lý Nhà nước của các bộ, ngành, địa phương, tuy nhiên, cần bảo đảm chặt chẽ; giải quyết được những bức xúc, tắc nghẽn trong điều hành kinh tế - xã hội trong đầu tư, đất đai, dân sự...
Cơ bản thống nhất với các nội dung theo Tờ trình, Dự thảo Luật và báo cáo thẩm tra, các đại biểu cũng đề nghị rà soát kỹ lưỡng về tính cần thiết, bảo đảm xử lý những vấn đề thực sự cấp thiết, còn nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết.
Trao đổi về nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cho rằng nội dung Dự thảo luật sửa đổi Luật Đầu tư theo hướng: Quy định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ đối với "dự án đầu tư không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi khu vực bảo vệ I của di tích được các cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt"; về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh đối với “dự án đầu tư không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi khu vực bảo vệ II của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt” là phù hợp với quy định tại Khoản 2 Điều 32 Luật Di sản Văn hóa. Đồng thời, việc phân cấp thẩm quyền cho địa phương sẽ tạo thuận lợi để rút ngắn thời gian thẩm định, phê duyệt, thực hiện đầu tư. Mỗi địa phương và người dân các địa phương thuộc vùng di sản cũng có trách nhiệm hơn việc bảo vệ đối với di sản văn hóa và di sản thiên nhiên thế giới và xem đây là quyền lợi và trách nhiệm cần thực hiện.
Buổi chiều, thảo luận về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, các đại biểu đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải, Chính phủ giải trình, làm rõ hơn một số nội dung liên quan đến tính khả thi, phân kỳ đầu tư của dự án. Các giải pháp nhằm hạn chế tác động đến môi trường tại các địa phương dự án đi qua. Đặc biệt là các giải pháp tiêu thoát lũ, hạn chế tình trạng úng lụt trong mùa mưa bão. Bên cạnh đó, do số lượng hộ dân nằm trong phạm vi ảnh hưởng của dự án rất lớn nên cũng cần tính toán, xây dựng phương án cụ thể để ổn định cuộc sống người dân sau giải phóng mặt bằng.
Chiều mai, Quốc hội sẽ họp phiên bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ nhất và biểu quyết các nội dung quan trọng của Kỳ họp.
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()