Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:21 (GMT +7)
Ngày làm việc thứ 13, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV Quốc hội chất vấn và trả lời chất vấn lĩnh vực thông tin và truyền thông, nội vụ
Thứ 6, 04/11/2022 | 18:49:28 [GMT +7] A A
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, ngày 4/11, tại Nhà Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Trưởng Bộ Nội vụ cùng các thành viên Chính phủ liên quan tiếp tục trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ 2 thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông và nhóm vấn đề thứ 3 thuộc lĩnh vực nội vụ.
Trong phiên làm việc sáng, tại hội trường đã có 32 đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn tới Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, liên quan đến các nội dung: Chỉ rõ giải pháp về việc xuất hiện hình ảnh không phù hợp trên nền tảng số; làm rõ về việc cung cấp dịch vụ định danh xác thực điện tử; giải pháp giải quyết tình trạng lộ lọt thông tin cá nhân; giải pháp giúp người dân vùng sâu vùng xa, người nghèo tiếp cận các nền tảng số; đề nghị nói rõ hơn về việc xử lý vi phạm của bà Nguyễn Phương Hằng; làm rõ vấn đề liên quan đến sim rác và tích hợp dữ liệu dân cư…
Giải trình những nội dung đại biểu, cử tri quan tâm, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, đa số các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm đều liên quan tới công cuộc chuyển đổi từ môi trường thực sang môi trường số, toàn dân và toàn diện mà nói cách khác là chuyển đổi số. Đảng và Nhà nước cũng đã xác định chuyển đổi số là một phương thức phát triển mới giúp đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhưng thể chế số, quản lý số, văn hóa số, nhân lực số, công dân số, thực thi số và ngân sách số vẫn đang theo sau. Nếu không nhanh chóng thu hẹp khoảng cách này thì đất nước không chỉ không tận dụng được cơ hội của chuyển đổi số, mà còn phải đối diện với các nguy cơ to lớn của sự chuyển đổi này.
Những vấn đề các vị đại biểu Quốc hội nêu ra tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn dưới các góc nhìn khác nhau, cách tiếp cận khác nhau trong các ngữ cảnh khác nhau sẽ giúp Bộ Thông tin và Truyền thông nhìn thấy rõ hơn, toàn cảnh hơn về ngành, về vấn đề, những tồn tại, hạn chế, trách nhiệm của Bộ cũng như hé mở những giải pháp mới, cách làm mới, cách tiếp cận mới. Qua đó, tạo sự chung tay giúp lĩnh vực thông tin và truyền thông phát triển bền vững, góp phần cho một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Tại phiên làm việc chiều, các đại biểu Quốc hội đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà các vấn đề về: Việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công lập, xây dựng hệ thống vị trí việc làm gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và việc triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức; việc ban hành các văn bản thực hiện quy định của Bộ luật Lao động về tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức; giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nhận xét, đánh giá, xử lý vi phạm; nguyên nhân, giải pháp trước tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc gia tăng trong thời gian gần đây, nhất là lĩnh vực, vị trí địa bàn đông dân cư, chịu nhiều áp lực công việc (như viên chức y tế…); việc bảo đảm biên chế cho ngành Giáo dục, đáp ứng yêu cầu dạy - học...
Trả lời nội dung chất vấn của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ, những năm qua thực hiện các Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ đã tập trung xây dựng hệ thống thể chế, chính sách và phối hợp triển khai đồng bộ toàn diện lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành liên quan tới tất cả các bộ, ngành, địa phương. Nhất là về tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nâng cao chất lượng đội ngũ đã đạt được kết quả bước đầu.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng chia sẻ, phía trước ngành Nội vụ còn rất nhiều việc phải thay đổi, bổ sung, đổi mới, hoàn thiện lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành đòi hỏi toàn ngành phải quyết tâm rất cao, nỗ lực lớn hơn nữa để đáp ứng yêu cầu của Đảng, Quốc hội và của cử tri cả nước.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng được chọn chất vấn là cơ hội để lắng nghe ý kiến của đại biểu Quốc hội, đại diện cho tiếng nói của cử tri và được tiếp thu, giải trình những vấn đề lớn mà đại biểu và cử tri quan tâm để ngành tiếp tục khắc phục khó khăn, hạn chế, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Ngày 5/11, Quốc hội tiếp tục tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với những nội dung còn lại thuộc lĩnh vực nội vụ và chất vấn đối với lĩnh vực thanh tra.
Nguyễn Thanh
- Thông cáo báo chí số 12 Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV
- Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với lĩnh vực xây dựng
- Kỳ họp thứ 4: Quốc hội tiến hành chất vấn về lĩnh vực xây dựng
- Quốc hội tiếp tục thảo luận tại tổ và hội trường về nhiều dự án luật quan trọng
- Đại biểu Quốc hội: Bảo vệ người tiêu dùng trước bẫy quảng cáo trá hình
Liên kết website
Ý kiến ()