Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 12:26 (GMT +7)
Quốc hội bàn nhiều Luật tác động lớn đến kinh tế và xã hội
Thứ 2, 10/01/2022 | 14:07:32 [GMT +7] A A
Việc xây dựng và ban hành, sửa đổi, bổ sung một số Luật sẽ đáp ứng yêu cầu phát sinh từ thực tiễn liên quan tới hoạt động đầu tư, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp; công tác bảo vệ an ninh mạng; thi hành án dân sự; khuyến khích đầu tư sản xuất.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 Luật: Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự được Quốc hội thảo luận trực tuyến vào sáng 10/1.
Dự thảo Luật gồm 10 điều, trong đó có 8 điều sửa đổi, bổ sung một số quy định của 8 Luật hiện hành, 1 điều quy định về điều khoản chuyển tiếp và 1 điều quy định về hiệu lực thi hành.
Đáp ứng yêu cầu phát sinh từ thực tiễn
Các đại biểu Quốc hội cho rằng việc sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 Luật nêu trên là cần thiết, điều này xuất phát từ yêu cầu thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội, nhất là trong điều kiện vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
“Việc xây dựng và ban hành Luật là hết sức cần thiết, sẽ đáp ứng yêu cầu phát sinh từ thực tiễn liên quan tới hoạt động đầu tư, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp; công tác bảo vệ an ninh mạng; thi hành án dân sự; thực hiện chính sách xã hội hóa đầu tư vào hệ thống truyền tải điện quốc gia; khuyến khích đầu tư sản xuất”, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) bày tỏ.
Các đại biểu cũng nhấn mạnh yêu cầu, việc sửa đổi, bổ sung phải bám sát tinh thần sửa đổi những vấn đề cấp bách, đã rõ, được thực tế kiểm nghiệm, có sự đồng thuận cao để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn; tăng cường phân quyền đồng thời bảo đảm sự kiểm soát chặt chẽ nguồn lực của đất nước.
Đề cập đến các nội dung cụ thể, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TPHCM) đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần xây dựng quy định riêng về đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế, qua đó góp phần thúc đẩy mua sắm các thiết bị y tế, tháo gỡ những khó khăn hiện nay về đấu thầu trang thiết bị y tế trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Bày tỏ sư thống nhất cần tăng cường phân cấp, phân quyền liên quan đến sửa Luật Đầu tư, đại biểu Trần Quang Minh (Quảng Bình) đề nghị cần có sự phân cấp mạnh mẽ hơn về vấn đề chấp thuận đầu tư dự án, cùng với sửa Luật Đầu tư, cần nghiên cứu các luật khác để kịp thời sửa đổi các nội dung về vấn đề phân cấp, phân quyền, tránh chống chéo, mâu thuẫn.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) bày tỏ băn khoăn, việc sửa đổi 8 Luật đã hết những nội dung cần sửa đổi, bổ sung về những vấn đề thuộc phạm vi sửa đổi chưa, cho rằng việc xây dựng 1 luật sửa nhiều luật cần được thực hiện thường xuyên để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh khi thi hành các luật trong thực tiễn.
Chính phủ đã nhận diện được vướng mắc
Nêu ý kiến, đại biểu Ngô Trung Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đánh giá cao Chính phủ đã nhận diện được vướng mắc. Ông cũng chia sẻ với các nhà đầu tư chỉ vì trong diện tích đất đang sử dụng không có m2 đất ở nào nên không thể triển khai nhà ở thương mại theo phương thức Nhà nước chấp thuận đầu tư, đồng thời chấp thuận dự án đầu tư mà phải đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu dự án. “Muốn đấu giá, đấu thầu cũng không xong vì đất không thuộc diện thu hồi thì Nhà nước không thể thu hồi để đấu giá, đấu thầu được. Kết quả là dự án không thể triển khai được”, ông Thành nói và cho rằng nhìn nhận ở khía cạnh này thì rất bất cập nên cần sớm được sửa đổi, tháo gỡ.
Tuy nhiên, ông nhất trí với nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội khi thảo luận tại tổ là phải xem xét thấu đáo, đánh giá kỹ lưỡng tác động. Theo ông Thành, nếu đấu giá, đấu thầu thì giá trị địa tô mang lại cho Nhà nước rất lớn. Ông dẫn ví dụ chứng minh, đấu giá 1 ha đất ở Thủ Thiêm mang lại 24.500 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD).
“Nếu diện tích này không đấu thầu, nhà đầu tư nộp tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thử tính 100 triệu đồng/m2, thì chỉ thu được 1.000 tỷ đồng, chưa bằng số lẻ của đấu giá”, ông nói. Từ đó, đại biểu cho rằng, nếu sửa đổi theo dự thảo thì Nhà nước không thu được bao nhiêu, người có đất chuyển nhượng cho dự án cũng không thu được bao nhiêu. Chênh lệch địa tô cơ bản thuộc về nhà đầu tư, chủ dự án. Trong khi, đất đai thuộc sở hữu toàn dân.
Theo đại biểu, Nhà nước thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất làm giá đất tăng lên thì chênh lệch địa tô “phải thuộc về Nhà nước, thuộc về toàn dân”. “Nếu sửa đổi luật theo hướng trên thì chỉ tháo gỡ vướng mắc cho dự án triển khai được, lợi ích đem lại chỉ cho chủ dự án, người gom đất được hưởng. Với Nhà nước sẽ dẫn tới nguy cơ lãng phí nguồn lực đất đai”, ông Thành nêu quan điểm. Ông cũng đưa ra cảnh báo, với nội dung sửa đổi như dự thảo, chắc chắn dẫn đến phong trào gom đất. Và giá đất sẽ bị đẩy lên cao, hệ lụy phát sinh nhiều và rất lớn.
“Giá đất bị đẩy lên cao thì công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đã khó càng khó. Khiếu nại, tố cáo về đất đai sẽ càng tăng, càng nóng nhiều hơn. Bởi nguyên nhân sâu xa dẫn đến khiếu nại tố cáo, khó khăn giải phóng mặt bằng chủ yếu là chênh lệch giá bồi thường với giá trên thực tế”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật phân tích. Từ đó, ông Thành đề nghị, Quốc hội chưa nên sửa đổi khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở. Đồng thời, đề nghị Chính phủ nghiên cứu đánh giá kỹ tác động, đặc biệt có hướng xử lý cho bằng được chênh lệch địa tô trong Luật Đất đai và các văn bản khác có liên quan để vừa khắc phục bất cập, bảo đảm khai thác nguồn lực đất đai cho phát triển đất nước, hài hòa lợi ích doanh nghiệp, Nhà nước và người dân.
Phân cấp mạnh trong quyết định đầu tư là cần thiết
Đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) khẳng định việc đẩy mạnh phân cấp mạnh trong quyết định đầu tư là cần thiết, song cần có quy định cụ thể về trách nhiệm của các chủ thể được phân quyền trong việc bảo đảm tính hiệu quả sử dụng nguồn lực, tính tuân thủ, công khai, minh bạch khi tổ chức thực hiện.
Cho rằng, dự thảo Luật có tác động lớn đến cả lĩnh vực kinh tế và xã hội, một số ý kiến cơ quan chủ trì soạn thảo cần có báo cáo bổ sung ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của một số chính sách, ý kiến của cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan trực tiếp; dự tính tác động tới thu ngân sách Nhà nước, quyền lợi của nhà đầu tư và của người dân; dự kiến các tình huống, sự cố có thể xảy ra và biện pháp xử lý. Đối với nội dung của dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết, đề nghị bổ sung quy định đầy đủ, chặt chẽ, cụ thể hơn tại dự thảo Nghị định kèm theo.
Đóng góp vào việc sửa đổi dự án Luật Đầu tư, đại biểu Hoàng Văn Nghiệm (Lạng Sơn) cho rằng vấn đề giải phóng mặt bằng luôn là vấn đề nan giải, là điểm nghẽn lớn nhất làm chậm tiến độ các dự án đầu tư công, vì vậy đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, có các cơ chế, chính sách tách các dự án giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư, qua đó góp phần thực hiện hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư.
Về bổ sung ngành, nghề kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng vào Phụ lục IV Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong Luật Đầu tư, đại biểu Nguyễn Văn Hận (Bạc Liêu) đề nghị xem xét, sửa đổi, bổ sung quy định về khái niệm, điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng tại Luật An ninh mạng để bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc đề xuất bổ sung ngành, nghề kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng vào Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.
“Cần có quy định chặt chẽ về nội dụng dịch vụ an ninh mạng, phải khắc phục được những kẽ hở về luật pháp trong lĩnh vực này, tránh việc lợi dụng công nghệ xâm phạm đến an ninh quốc gia, xâm phạm thông tin của tổ chức, cá nhân...”, đại biểu Nguyễn Văn Hận phát biểu.
Theo Chinhphu.vn
Liên kết website
Ý kiến ()