Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:34 (GMT +7)
Quốc hội bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch
Thứ 2, 30/05/2022 | 11:53:53 [GMT +7] A A
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ ba, ngày 30/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành.
Trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Đoàn giám sát đã xây dựng đề cương yêu cầu Chính phủ, các Bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo phục vụ giám sát. Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Đoàn giám sát đã tổ chức làm việc với 11 Bộ và 14 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
7/111 quy hoạch đã được quyết định hoặc thông qua
Báo cáo đánh giá xây dựng và ban hành Luật Quy hoạch là sự nỗ lực, cố gắng lớn của Quốc hội, Chính phủ trong việc thể chế hóa Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 16/1/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.
Theo đó, kể từ khi Luật Quy hoạch được thông qua năm 2017, Quốc hội đã ban hành 7 luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 1 pháp lệnh ; Chính phủ ban hành 43 nghị định, các Bộ, ngành ban hành 96 thông tư hướng dẫn. Ngoài ra, để triển khai Luật Quy hoạch, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các văn bản có liên quan đến công tác quy hoạch; Thủ tướng Chính phủ cũng đã tổ chức 3 Hội nghị trực tuyến toàn quốc về quy hoạch.
Công tác lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch cơ bản đã hoàn thành. Trong tổng số 111 quy hoạch được lập theo quy định của Luật Quy hoạch có 110/111 quy hoạch đã được phê duyệt nhiệm vụ, gồm 41/42 quy hoạch cấp quốc gia, 6/6 quy hoạch vùng, 63/63 quy hoạch tỉnh.
Đến nay, 7/111 quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt, bao gồm: Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, 4 quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực giao thông vận tải, Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long và Quy hoạch tỉnh Bắc Giang.
Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kinh phí lập quy hoạch trong Kế hoạch đầu tư công là 4.368 tỷ đồng, trong đó, vốn của các Bộ, ngành là 1.243,63 tỷ đồng; của 56 địa phương là 3.124,36 tỷ đồng. Tính đến ngày 28/2/2022, các Bộ, ngành đã giải ngân 244,68 tỷ đồng (bằng 19,67%); các địa phương giải ngân 1.147,45 tỷ đồng (bằng 36,72%).
Nhiều mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập trong hoạt động quy hoạch
Đoàn giám sát chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch, trước hết là việc tồn tại một số bất cập, quy định chưa phù hợp, rõ ràng trong chính Luật Quy hoạch, gây khó khăn cho quá trình triển khai.
Cụ thể, Luật Quy hoạch quy định, quy hoạch cấp dưới phải phù hợp với quy hoạch cấp cao hơn. Tuy nhiên, Quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch quốc gia chưa lập, phê duyệt xong nên không có căn cứ để lập các quy hoạch cấp dưới, trong khi các quy hoạch thời kỳ 2011-2020 hết hiệu lực, do vậy không còn cơ sở để thực hiện các dự án đầu tư và phát triển kinh tế-xã hội.
Luật cũng không quy định thời hạn hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch, nhất là quy hoạch cấp quốc gia có vai trò quan trọng, làm căn cứ để lập các quy hoạch khác nên thiếu cơ sở pháp lý để triển khai, đôn đốc, kiểm tra, giám sát.
Bên cạnh đó, hoạt động quy hoạch được điều chỉnh ở nhiều văn bản luật (Luật Quy hoạch, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, các luật chuyên ngành khác về các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành) và có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập dẫn đến khó khăn trong quá trình áp dụng pháp luật.
Tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 cũng bị đánh giá là rất chậm so với yêu cầu của Quốc hội và thực tiễn (còn 104/111 quy hoạch chưa hoàn thành lập, phê duyệt), ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2021-2025.
Giải pháp đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch
Trên cơ sở kết quả giám sát, Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch và một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch.
Theo đó, cần triển khai ngay các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030. Cụ thể, cho phép Chính phủ và các cơ quan liên quan được thực hiện các nội dung Luật Quy hoạch và các luật hiện hành chưa quy định hoặc đã quy định nhưng bất cập, vướng mắc thì được thực hiện khác với các Luật này để đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch cho đến khi Luật Quy hoạch được sửa đổi và có hiệu lực thi hành.
Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan khẩn trương rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật về công tác quy hoạch còn mâu thuẫn, chồng chéo, đặc biệt là các văn bản hướng dẫn thi hành không đúng thẩm quyền, có quy định chưa phù hợp hoặc không thống nhất với Luật Quy hoạch.
Về trung và dài hạn, Chính phủ tổng kết, đánh giá toàn diện việc thực hiện Luật Quy hoạch và các luật, văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quy hoạch để kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch, các luật có liên quan đến quy hoạch nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về công tác quy hoạch, bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()