Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 05:27 (GMT +7)
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV Quốc hội thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát năm 2024 và một số dự án luật
Thứ 7, 27/05/2023 | 20:59:19 [GMT +7] A A
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, ngày 27/5, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024; thảo luận tại tổ để cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Trong phiên làm việc sáng, tham gia thảo luận tại hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024, đa số ý kiến đại biểu thống nhất đối với nội dung tờ trình và dự kiến chương trình giám sát; ghi nhận việc chuẩn bị báo cáo một cách công phu. Các đại biểu cơ bản nhất trí với các nhận định đánh giá về kết quả hoạt động giám sát năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 với nhiều đổi mới hiệu quả; cơ bản bày tỏ thống nhất với dự kiến của năm 2024. Các đại biểu cũng kiến nghị nhiều nội dung cụ thể khác về nội dung chương trình, hình thức, thành phần thời gian nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giám sát như tăng kinh phí, chế độ báo cáo…
Về nội dung chương trình giám sát chuyên đề năm 2024, ngoài 4 chuyên đề dự kiến mà đại biểu lựa chọn, có một số ý kiến đại biểu đề nghị lựa chọn thêm các lĩnh vực như kinh tế biển, luật biển, cơ sở dữ liệu quốc gia, việc ban hành văn bản pháp luật ở địa phương; đề nghị tổ chức hội nghị cuối năm để đánh giá hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội...
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phân công các cơ quan Quốc hội nghiên cứu tham mưu để điều hòa các hoạt động giám sát và tăng cường công tác bảo đảm cho hoạt động giám sát. Trên cơ sở ý kiến thảo luận và kết quả phiếu xin ý kiến của Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Tổng Thư ký phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu những ý kiến xác đáng của các vị đại biểu Quốc hội để hoàn chỉnh và trình Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát Quốc hội năm 2024, Nghị quyết về thành lập các đoàn giám sát chuyên đề Quốc hội trong kỳ họp.
Trong phiên làm việc chiều cùng ngày, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ để cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Cho ý kiến vào Luật Công an nhân dân, Đại biểu Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho rằng Luật cần làm rõ thuật ngữ trong quy định để làm nổi bật nên sự cần thiết đối với nội dung về thời gian phục vụ; yếu tố đặc biệt để thăng cấp, thăng hàm đối với lực lượng Công an nhân dân. Đảm bảo sự thống nhất trong các quy định giữa lực lượng Quốc phòng và lực lượng Công an. Đối với thời gian phục vụ nên bám theo Luật Lao động.
Đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, đại biểu cho rằng hiện nay việc áp dụng nền tảng số được triển khai mạnh mẽ nên việc thực hiện các thủ tục cũng cần được triển khai trên hệ thống điện tử, trực tuyến để tinh gọn, thuận lợi hóa cho công dân. Đối với Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam cần đảm bảo quy định quản lý thật tốt, tạo sự kết nối chặt chẽ giữa cơ quan cấp hộ chiếu, cơ quan xuất nhập cảnh và các cơ quan liên quan cả trong nước và nước ngoài để tránh trường hợp người vi phạm bỏ trốn, đảm bảo các yếu tố về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Đại biểu Trần Thị Kim Nhung, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho rằng cần làm rõ các nội dung, tính cấp thiết trong Luật Công an Nhân dân. Đối với nội dung tăng tuổi phục vụ trong lực lượng Công an Nhân dân cần khảo sát một cách đồng bộ đối với các vị trí trong toàn lực lượng, để đảm bảo tính phù hợp với những vị trí đặc thù. Đối với việc tăng quân hàm cần theo quy định chung của Đảng, Nhà nước.
Cho ý kiến vào Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, đại biểu nhất trí với nội dung nâng thời hạn thị thực điện tử, tuy nhiên cần làm rõ lý do về thời hạn quy định. Tại khoản 3, điều 7, quy định về giá trị của thị thực, đại biểu đề nghị cần làm rõ nội dung thời hạn thị thực một lần hay nhiều lần. Mục 5, điều 2, nội dung người nước ngoài tạm trú tại Việt Nam phải thông qua người trực tiếp quản lý điều hành hoạt động cơ sở lưu trú để khai báo với công an xã, phường hoặc đồn, trạm Công an nơi có cơ sở lưu trú, cần bổ sụng thêm Đồn biên phòng biên giới cửa khẩu. Khoản 1, khoản 3, điều 6, bổ sung quy định nội dung chụp căn cước công dân đối với trường hợp thay đổi nhân thân.
Thứ 2 ngày 29/5, Quốc hội tiếp tục nghe các báo cáo, tờ trình, thảo luận tại hội trường và tại tổ nhiều nội dung quan trọng.
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()