Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 19/01/2025 13:25 (GMT +7)
Quảng Yên - vùng đất giàu truyền thống văn hoá
Chủ nhật, 19/01/2025 | 13:19:19 [GMT +7] A A
Quảng Yên là vùng đất có quá trình hình thành và phát triển lâu đời, có lịch sử hơn 200 năm là trấn lị. Thành cổ, các phố cổ giờ đây vẫn còn hiện hữu cùng với hệ thống di tích lịch sử - văn hoá dày đặc, phong phú các làng nghề truyền thống tạo nên vẻ đẹp riêng của một vùng đất bên dòng sông Bạch Đằng huyền thoại.
Được ví von là vùng đất của di tích và lễ hội, TX Quảng Yên quả thực xứng đáng với điều đó khi sở hữu 219 di tích lịch sử - văn hóa, chiếm tới hơn 1/3 tổng số di tích toàn tỉnh. Ngay từ thế kỷ 10, 13, vùng đất này đã đi vào lịch sử với 3 lần quân dân ta chiến thắng giặc ngoại xâm phương Bắc vào các năm 938, 981 và 1288 trên dòng sông Bạch Đằng. Đặc biệt là chiến thắng lần thứ 3 chống lại giặc Nguyên Mông - đội quân thiện chiến bậc nhất thế giới lúc bấy giờ, góp phần giữ yên bờ cõi suốt một thời gian dài.
Những người đã góp công làm nên chiến thắng vĩ đại này, từ vị tướng huyền thoại Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn cho tới những người dân bình dị, đã đi vào lịch sử, được người dân nơi đây đời đời thờ phụng. Những công trình thờ phụng này được gìn giữ, tu bổ, tôn tạo cho tới ngày nay, nằm trong quần thể Khu di tích Quốc gia đặc biệt Chiến thắng Bạch Đằng 1288, mà 9 trong số 11 điểm di tích nằm trên địa phận Quảng Yên.
Cùng với đó, quá trình lịch sử hình thành, phát triển của vùng đất này còn để lại tới giờ 34 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia, 15 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Gắn với không gian các di tích, Quảng Yên cho tới nay có 3 lễ hội được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Trong đó, Lễ hội Tiên Công diễn ra từ 5-7 tháng Giêng, tại trung tâm khu di tích Quốc gia miếu Tiên Công tại xã Cẩm La, có nghi lễ độc đáo rước các cụ Thượng tròn 80, 90, 100 tuổi lên miếu lễ tổ, truy ơn các vị Tiên Công, những người có công đầu tiên quai đê, lấn biển lập nên vùng đảo Hà Nam trù phú ngày nay. Các hoạt động văn hóa, thể thao, trò chơi dân gian trong lễ hội cũng vô cùng sôi động, từ hát đúm, hò biển, tổ tôm điếm, kéo co, cờ người, cờ thẻ…
Hai lễ hội khác là Lễ hội truyền thống Bạch Đằng và Lễ hội Xuống Đồng. Nếu như Lễ hội Bạch Đằng (diễn ra vào dịp đầu tháng 3 Âm lịch) mang ý nghĩa tái hiện những trận chiến lịch sử năm xưa, tri ân các vị tiền nhân có công với nước thì Lễ hội Xuống Đồng (diễn ra vào đầu tháng 6 Âm lịch) lại thể hiện rõ văn hoá truyền thống của cư dân canh tác lúa nước vùng đảo Hà Nam.
Ở lễ hội Bạch Đằng gây ấn tượng nhất cũng là nghi lễ quan trọng nhất là nghi thức rước tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo từ khu đền Trần Hưng Đạo - miếu Vua Bà về đình Yên Giang. Còn ở Lễ hội Xuống Đồng thì thu hút người dân, du khách nhất là hội thi cấy và đua thuyền chải trên sông Cửa Đình...
Bên cạnh đó, cũng mang ý nghĩa tri ân các vị Tiên Công với nhiều nghi lễ tương tự Lễ hội Tiên Công kể trên nhưng có quy mô nhỏ hơn phải kể tới Lễ hội nhị vị Tiên Công tại xã Liên Hòa, Lễ hội Tiên Công tại xã Hiệp Hòa. Quảng Yên còn nhiều lễ hội với quy mô cấp vùng khác như: Lễ hội Cầu Ngư, các lễ hội Đại kỳ phúc ở 14 đình làng, các hội chùa làng ở 20 chùa, lễ ra cỗ họ của 23 từ đường dòng họ Tiên Công cùng với 70 lễ hội ở các từ đường dòng họ khác trên địa bàn, mang đậm nét văn hóa của cư dân vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Các lễ hội và hoạt động tín ngưỡng trên địa bàn thường diễn ra rộn ràng nhất vào dịp cuối năm và đầu xuân, được thị xã chỉ đạo xây dựng kế hoạch tổ chức bài bản, đảm bảo nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của người dân và thu hút du khách bốn phương về tham quan, trải nghiệm…
Qua tìm hiểu cho thấy, vào thời cận đại, vùng đất này đã có lịch sử 222 năm là trấn lỵ (1802-2024). Cho tới nay, nhiều kiến trúc công sở, nhà cửa, đường sá từ thời thuộc Pháp vẫn còn được giữ nguyên vẹn, tạo nên những khu phố cổ như: Phố Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Du, Trần Khánh Dư... với nhiều ngôi nhà cổ như nhà Công sứ (nay là trụ sở UBND thị xã), kho bạc (nay là Ngân hàng NN&PTNT), trại lính (nay là Ban CHQS thị xã), trung tâm hiến binh (nay là trụ sở Thị ủy), nhà kiểm lâm (nay là trụ sở Công an thị xã) và nhiều nhà dân khác.
Ông Ngô Đình Dũng, Trưởng Phòng VH-TT TX Quảng Yên, khẳng định: Quảng Yên không chỉ có bề dày lịch sử, truyền thống văn hoá mà điều kiện tự nhiên cũng rất tốt với khí hậu trong lành, thế “tựa sơn” nhìn ra biển, hai bên đủ cả “thanh long, bạch hổ”; trước mặt có sông Chanh đẹp tựa bức tranh, điều hoà không khí trong lành, mát mẻ cho cả vùng; có đảo Hà Nam làm “trương án tiền” sản xuất nhiều lúa gạo, tôm cá. Vậy nên, không phải ngẫu nhiên mà hàng ngàn năm nay, từ thời đại các vua Hùng đến các triều đại phong kiến và thực dân Pháp đều chọn khu vực này làm trung tâm chính trị vùng Đông Bắc, để đô thị Quảng Yên hình thành sớm bậc nhất trong lịch sử phát triển đô thị ở Quảng Ninh.
Phan Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()