Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:31 (GMT +7)
Quảng Yên, vùng đất của những trầm tích văn hoá
Chủ nhật, 21/01/2024 | 13:50:20 [GMT +7] A A
Có lịch sử lâu đời bên dòng Bạch Đằng giang hào hùng, ghi dấu bao chiến công chống giặc ngoại xâm oanh liệt của dân tộc, vùng đất Quảng Yên ngày nay sở hữu số lượng di tích lớn nhất toàn tỉnh và nhiều di sản văn hoá phi vật thể quý giá, là niềm tự hào của người Quảng Yên hôm nay.
Theo thống kê của địa phương, nơi đây hiện có tới 210 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 34 di tích cấp quốc gia, 15 di tích xếp hạng cấp tỉnh, còn lại là di tích đã được kiểm kê, phân loại. Đặc biệt là Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 đã được xếp hạng từ năm 2012, có 9 điểm di tích tại Quảng Yên: Đền Trần Hưng Đạo, miếu Vua Bà, bến đò Cổ, đình Yên Giang, bãi cọc Yên Giang, bãi cọc Đồng Vạn Muối, bãi cọc Đồng Má Ngựa, đền Trung Cốc, đình Trung Bản. Ngay từ cái tên của di tích cũng nhắc nhớ cho chúng ta về một chiến thắng oanh liệt, vang danh toàn cầu của quân dân nhà Trần vào thế kỷ 13 đối với quân xâm lược Nguyên Mông, đội quân thiện chiến đã bành trướng thế lực khắp các lục địa Á, Âu lúc bấy giờ.
Gắn với cụm di tích này còn phải kể tới Lễ hội truyền thống Bạch Đằng được tổ chức hàng năm vào dịp đầu tháng 3 Âm lịch. Lễ hội là dịp mọi người cùng nhau ôn lại lịch sử oanh liệt 3 lần chiến thắng trên dòng sông Bạch Đằng của dân tộc, tri ân những cống hiến, hy sinh của các bậc tiền nhân, tiếp tục khẳng định ý nghĩa và giá trị lịch sử vĩ đại của Chiến thắng Bạch Đằng trong quá trình chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước của dân tộc ta, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Đồng thời, hoà mình vào các nghi lễ rước truyền thống tái hiện không khí hào hùng của chiến trận năm xưa và tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao vui tươi, sôi động...
Lễ hội truyền thống Bạch Đằng cùng với Lễ hội Tiên Công là 2 lễ hội đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của TX Quảng Yên. Khác với Bạch Đằng, Lễ hội Tiên Công lại gắn với lịch sử hình thành khu làng đảo Hà Nam từ thế kỷ 15, khi các vị Tiên công về đây quai đê lấn biển, lập làng tạo dựng nên vùng đảo Hà Nam trù phú ngày nay. Lễ hội đã được nhân dân bảo tồn và phát huy giá trị hơn 300 năm nay với nghi lễ “rước người” độc đáo - rước các cụ Thượng lên miếu Tiên Công lễ tổ hàng năm.
Ngoài ra, Quảng Yên còn có nhiều lễ hội với quy mô cấp vùng như: Lễ hội Xuống Đồng, Lễ hội Cầu Ngư; các Lễ hội Đại kỳ phước ở 14 đình làng; các hội chùa làng (ở 20 chùa); Lễ ra cỗ họ của 23 Từ đường dòng họ Tiên Công (đã xếp hạng Di tích cấp quốc gia) cùng với 70 lễ hội ở các Từ đường dòng họ khác trên địa bàn, mang đậm nét văn hóa của cư dân vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Theo thống kê của địa phương, trong 5 năm qua, 22 di tích trên địa bàn đã được tu bổ, nâng cấp với tổng kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Quảng Yên cũng đã lập hồ sơ bổ sung danh mục di tích của tỉnh đối với Nhà máy kẽm (phường Quảng Yên); các hồ sơ xếp hạng di tích Hồ Mạch (phường Yên Hải), di tích đình Hưng Học (phường Nam Hòa) là di tích lịch sử cấp quốc gia. Lập hồ sơ xếp hạng cụm di tích đền Trần Hưng Đạo - miếu Phạm Tử Nghi (xã Liên Vị) là di tích lịch sử cấp tỉnh... Năm 2022, thị xã đã triển khai hoàn thành việc tổng kiểm kê 197 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn đưa vào danh mục kiểm kê, phân loại và lập hồ sơ quản lý.
Hàng năm, thị xã và các xã, phường có di sản văn hóa đều xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức tốt các hoạt động lễ hội, giữ gìn cơ sở thờ tự sạch sẽ, trang nghiêm; xây dựng các quỹ hiếu học trong dòng họ; thực hiện các nghi lễ, nghi thức đảm bảo theo truyền thống, thuần phong mỹ tục, loại bỏ các hủ tục lạc hậu, rườm rà trong tổ chức lễ hội trên địa bàn.
Địa phương cũng định kỳ tổ chức các lễ hội truyền thống như: Lễ hội Bạch Đằng, Lễ hội Cầu Ngư, Lễ hội Tiên Công, Lễ hội Xuống Đồng và các lễ hội Đại kỳ phước của các làng. 100% các lễ hội đều xây dựng kế hoạch, thành lập ban tổ chức, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên theo quy định. Địa phương cũng chỉ đạo các ngành chức năng, đặc biệt là lực lượng công an, dân phòng bảo vệ phối hợp với đơn vị quản lý di tích, đảm bảo đủ lực lượng phân luồng giao thông, thường trực phục vụ lễ hội, đảm bảo công tác an ninh trật tự, an toàn cho du khách về dự lễ hội.
Cùng với phần lễ trang nghiêm, phần hội được địa phương quan tâm tổ chức vui tươi, lành mạnh với đa dạng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian truyền thống, như: Cờ người, chơi đu, tổ tôm điếm, đua thuyền chải, chọi gà, bắt vịt, đan lưới, hát đúm, hát hò biển, bóng chuyền...
Không để xảy ra tình trạng phản cảm, chen lấn, xô đẩy, hàng quán lấn chiếm di tích, không gian lễ hội, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình, thu phí không đúng quy định tại các lễ hội; không để xảy ra hiện tượng ùn tắc giao thông, móc túi, cướp giật, ăn xin. Đảm bảo khá tốt về an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường cho nhân dân khi tham dự lễ hội. Qua đó, ngày càng thu hút người dân và du khách đến với Quảng Yên tham gia lễ hội và du lịch, nhất là vào mùa hội xuân hàng năm.
Ngọc Mai
Liên kết website
Ý kiến ()