Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 10:34 (GMT +7)
Quảng Yên: Tập trung chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp
Thứ 3, 05/07/2022 | 15:27:14 [GMT +7] A A
Ngành nông nghiệp Quảng Yên đang không ngừng nỗ lực trong việc chuyển đổi số, đây là giải pháp chiến lược và quan trọng để phát triển bền vững, nâng tầm nông sản địa phương.
Thời gian qua, ngành NN&PTNT Quảng Yên đã tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; ứng dụng công nghệ số trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý; hướng dẫn, khuyến khích nông dân thực hiện thương mại điện tử trong nông nghiệp, tập trung vào các sản phẩm chủ lực như : Trứng gà Tân An, trứng vịt Cẩm La, rau an toàn Việt Long, rượu ba kích Thức Hoài, ruốc tép chưng thịt Long Thương, mắm chắt Phu Hiền, nem chua và nem nắm Đức Hậu... cùng nhiều sản phẩm khác.
Nhờ sớm ứng dụng công nghệ trong sản xuất, Trứng gà Tân An đã xây dựng được thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường 10 năm qua. Hiện nay, Trang trại sản xuất trứng gà Nguyễn Duy Diễn (khu Đồng Mát, phường Tân An) là đơn vị sản xuất quy mô lớn với số lượng khoảng 4 vạn trứng/ngày. Theo chị Phạm Thị Nguyệt, chủ trang trại, với số lượng lớn trứng được sản xuất hằng ngày, không thể không ứng dụng KHCN và đưa sản phẩm lên sàn thương mại. Chúng tôi đã sử dụng công nghệ sinh học, hệ thống làm mát chuồng, công nghiệp điện tạo ánh sáng trong chăn nuôi. Sản phẩm cũng đã được chứng nhận thương hiệu, tham gia sàn giao dịch, làm thị trường trực tiếp với các nhà hàng, khách sạn.
Bên cạnh chăn nuôi, trồng trọt cũng là lĩnh vực được quan tâm ứng dụng chuyển đổi số. Xã Tiền An là vùng chuyên canh sản xuất rau lớn của TX Quảng Yên với tổng diện tích 950ha, trong đó có 170ha trồng rau an toàn. Xã khuyến khích người dân và các doanh nghiệp trên địa bàn tích cực áp dụng KHKT trong sản xuất để nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm.
Giám đốc Công ty Song Hành Nguyễn Thị Hoàn cho biết: Với tổng diện tích nhà xưởng trên 2.000m2, công ty đầu tư hệ thống nhà màng, khu sơ chế, ươm giống, lọc nước để áp dụng trồng rau thuỷ canh... Phương pháp này giúp hoàn toàn kiểm soát chặt chẽ các yếu tố ánh sáng, nhiệt độ không khí, đặc biệt là các yếu tố dinh dưỡng, vừa đảm bảo an toàn vệ sinh, vừa giữ lại hàm lượng vi chất cao hơn cho cây rau. Trung bình, mỗi ngày vùng rau của xã cung ứng ra thị trường trên 20 tấn rau đảm bảo chất lượng.
Mô hình nhà lưới kính cũng đã được áp dụng trong trồng trọt tại Quảng Yên. Vừa qua, một số hộ đã đầu tư mô hình trồng dưa chuột theo hình thức này với hàng nghìn m2, áp dụng hệ thống tưới phun mưa và tưới nhỏ giọt. Dự kiến cuối năm sẽ đầu tư hệ thống phun tưới và trâm phân tự động để trồng dưa lưới luân canh với cây hoa.
Đi đôi với sản xuất, việc đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử đã được các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, người nông dân chú trọng. Chỉ tính riêng các sản phẩm OCOP hiện đã có 15/23 sản phẩm đạt 3 sao trở lên tham gia các sàn thương mại điện tử.
Chị Nguyễn Thị Thu Thương, Chủ Cơ sở sản xuất ruốc tép chưng thịt Long Thương (phường Quảng Yên) cho biết: Cơ sở tham gia sàn thương mại điện tử từ năm 2019 với các sản phẩm mắm tép chưng thịt, ruốc tép, ruốc hà sú. Nhờ đó việc kinh doanh cũng thuận lợi hơn, thương hiệu được người dân biết đến, tin tưởng và sử dụng nhiều hơn. Hiện mỗi năm cơ sở doanh thu trên 1 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 10%.
Theo Phó trưởng Phòng Kinh tế TX Quảng Yên Nguyễn Trọng Ba, thị xã đang phát triển nông nghiệp gắn với chuyển đổi số và xây dựng sàn thương mại điện tử, xúc tiến thương mại trên mọi mặt thị trường. Qua đó, chỉ đạo Hội Nông dân, Bưu điện thị xã tổ chức các chương trình, hội nghị đổi mới các sản phẩm tham gia trên sàn thương mại điện tử. Phòng Kinh tế trao đổi, hướng dẫn các đơn vị, cơ sở đưa các sản phẩm lên sàn. Hội Nông dân hướng dẫn thành lập các tổ, câu lạc bộ tham gia sàn thương mại điện tử…
Thị xã cũng tuyên truyền, hỗ trợ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sản xuất và chế biến trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng các nhãn hiệu chứng nhận làm bước đệm phát triển ra thị trường, xây dựng thương hiệu.
Trung Anh
Liên kết website
Ý kiến ()