Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 15:03 (GMT +7)
Quảng Yên rộn ràng mùa lễ hội
Chủ nhật, 31/03/2024 | 09:49:53 [GMT +7] A A
Quảng Yên được xem là vùng đất của di tích và lễ hội. Mùa hội xuân hằng năm có rất nhiều lễ hội lớn, nhỏ nối tiếp nhau diễn ra, bắt đầu ngay từ những ngày đầu năm mới. Với số lượng người tập trung đông trong khoảng thời gian ngắn như vậy, năm nay thị xã đã sớm có văn bản chỉ đạo, giao việc, phân công để đảm bảo công tác quản lý và tổ chức lễ hội cũng như đón khách du xuân, đi lễ tại các di tích trên địa bàn diễn ra trang trọng, an toàn, văn minh.
Như thông lệ thì Lễ hội Bạch Đằng thường niên sẽ diễn ra vào đầu tháng 3 âm lịch tới đây. Các khâu chuẩn bị cho lễ hội đang được thị xã hoàn thiện. Tuy nhiên, các điểm di tích của quần thể di sản Bạch Đằng, đặc biệt là khu đền Trần Hưng Đạo - miếu Vua Bà thì đón người dân trên địa bàn và lượng khách du xuân, check in chụp ảnh kết hợp chiêm bái ngay từ trong dịp tết. Ước tính, số lượng du khách tới đây đến hết tháng 3 đạt khoảng 125.000 lượt.
Ông Phạm Chiến Thắng, Trưởng Ban Quản lý Khu di tích quốc gia đặc biệt Bạch Đằng, cho biết: Năm nay, số lượng du khách về tham quan, chiêm bái gia tăng so với năm trước, nhất là dịp đầu xuân có sự đột biến. Nhiều gia đình, trường học, các đoàn khách đến lễ thánh đầu năm tại đền Trần Hưng Đạo - miếu Vua Bà xong còn đi các điểm xung quanh như bãi cọc Bạch Đằng, cây lim Giếng Rừng và một số điểm di tích khác trên địa bàn TX Quảng Yên. Nhiều nhất là đoàn ở các địa phương trên địa bàn tỉnh và một số đoàn ở các khu vực lân cận như Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội. Các đơn vị đã kết nối với chúng tôi để được nghe về lịch sử di tích, tham quan, học tập, chiêm bái, học viết thư pháp, chơi trò chơi, teambuilding tại các điểm di tích của Bạch Đằng…
Qua tìm hiểu được biết, phục vụ người dân và du khách về với khu di sản Bạch Đằng năm nay, Ban Quản lý Khu di tích tiếp tục trang trí, tạo các điểm check in tại khu vực Bến đò cổ để du khách vãng cảnh ven sông kết hợp chụp ảnh. Đơn vị cũng hỗ trợ tích cực cho các đoàn được tham quan, học tập, trải nghiệm tại đây, từ bố trí hướng dẫn viên, tổ chức dâng lễ, vui chơi, trải nghiệm ẩm thực địa phương và tham quan một số điểm di tích lân cận. Công tác bao sái tượng, sắp đặt, gìn giữ các nơi thờ tự cũng như đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh trật tự được đơn vị phối hợp thực hiện, phục vụ tốt cho các đoàn đến làm lễ nhân dịp đầu năm.
Cùng với không khí rộn ràng tại các điểm di tích Bạch Đằng, tại các đình, đền, chùa khác trên địa bàn dịp này cũng thu hút khá đông người dân tới dâng hương, vãng cảnh đầu năm, là nét văn hoá đã đi vào đời sống của người dân vùng đất Quảng Yên. Cho tới nay, nhiều lễ hội lớn, nhỏ trên địa bàn đã được tổ chức, như: Lễ hội Tiên Công (xã Hiệp Hòa), Lễ hội Nhị vị Tiên Công (xã Liên Hòa), Lễ hội Tiên Công (xã Cẩm La), Lễ hội Cầu ngư (phường Tân An), Lễ ra cỗ họ ở 23 Từ đường dòng họ Tiên Công (khu vực Hà Nam), hội chùa làng ở các chùa trên địa bàn thị xã…
Qua đánh giá cho thấy, các lễ hội diễn ra trang trọng về phần lễ, vui tươi về phần hội, đảm bảo an toàn, văn minh. Thị xã đã tổ chức 3 giải thể thao tại Lễ hội Đại kỳ phước phường Yên Giang, 2 giải cờ tướng, cờ thẻ mừng xuân tại Khu di tích Bạch Đằng và 3 giải bóng chuyền, đẩy gậy, cờ người tại Lễ hội Tiên Công năm 2024. Cùng với đó, các xã, phường còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian, hoạt động văn hoá, văn nghệ sôi nổi như hát đúm, đánh đu, chơi tổ tôm điếm, kéo co, cờ tướng, đẩy gậy, bóng chuyền, thi đan vá lưới... tạo không khí rộn ràng trong các lễ hội.
Qua tìm hiểu cho thấy, để có thể quản lý tốt công tác tổ chức các lễ hội, TX Quảng Yên đã có sự chỉ đạo từ sớm. Ngay từ trung tuần tháng 1/2024, trước khi đón Tết Nguyên đán và bước vào mùa hội xuân năm nay, TX Quảng Yên đã ban hành Kế hoạch số 07/KH-UBND về việc tổ chức các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân Giáp Thìn 2024 và tổ chức các Lễ hội đầu xuân và giao nhiệm vụ cho các xã, phường, các ban quản lý di tích và lễ hội xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện, đảm bảo theo đúng các quy định hiện hành về quản lý và tổ chức lễ hội.
Thị xã cũng ban hành Quyết định, tổ chức đợt kiểm tra công tác đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, chỉnh trang di tích, trang trí khánh tiết và đảm bảo các điều kiện đón khách thập phương đến chiêm bái, du xuân ở di tích. Qua đó định hướng và hướng dẫn các ban quản lý di tích tổ chức tốt các lễ hội và thực hiện tốt công tác quản lý các di tích lịch sử - văn hóa, cơ sở thờ tự, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, đảm bảo nghi lễ truyền thống, góp phần tuyên truyền, quảng bá, phát huy giá trị di tích cho phát triển du lịch địa phương.
Ngọc Mai
Liên kết website
Ý kiến ()