Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 05:00 (GMT +7)
Kỷ niệm 86 năm “Ngày truyền thống công nhân Vùng mỏ - Truyền thống ngành Than 12/11 (1936-2022) Quảng trường 12/11 – Một biểu tượng của Vùng mỏ
Thứ 7, 12/11/2022 | 10:53:21 [GMT +7] A A
Quảng trường 12/11 là quảng trường trung tâm và cũng là quảng trường hoàn chỉnh duy nhất của Cẩm Phả. Các buổi lễ quan trọng của thành phố và các lễ đón nhận danh hiệu, bằng khen đều được tổ chức tại đây. Ngoài ra, khu vực này còn là trung tâm tổ chức các sự kiện chính trị, lễ hội văn hóa, hội chợ thương mại… và là nơi tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí văn hóa tinh thần của nhân dân địa phương cùng cán bộ, công nhân ngành than trên địa bàn thành phố Cẩm Phả.
Được khởi công xây dựng vào ngày 16/8/2006 và khánh thành đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm “Ngày truyền thống công nhân Vùng mỏ - Truyền thống ngành Than 12/11” trên nền đất của Nhà máy cơ khí Cẩm Phả trước đây. Ngày 27/10/2021, quảng trường tiếp tục được đầu tư mở rộng diện tích từ 2,43 ha lên khoảng 6 ha gấp hơn 2 lần diện tích ban đầu bao gồm các hạng mục: sân đặt tượng đài và sân khấu; được khánh thành vào ngày 19/5/2022.
Toàn bộ bề mặt được lát đá granite tự nhiên. Phía trước bố trí bồn trồng cây tạo độ dốc, phía sau và quanh tượng đài được trồng cây xanh, thảm cỏ tạo cảnh quan. Ngoài ra là hạng mục giao thông nội bộ; xây dựng đồng bộ hệ thống cấp, thoát nước, khu nhà WC và hệ thống chiếu sáng… Cho đến thời điểm này, công trình đã cơ bản hoàn chỉnh.
Điểm nhấn của quảng trường là cụm tượng đài “Vinh quang thợ mỏ Việt Nam” có tổng chiều cao 15,5m, uy nghi, được chế tác bằng đá xanh nguyên khối. Đây là công trình điêu khắc hoành tráng tôn vinh những người con ưu tú của Đất mỏ đã có những cống hiến lớn lao trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước.
Việc tổ chức thiết kế mẫu tượng đài thợ mỏ được tiến hành từ năm 2006. Với 21 tác phẩm của các tác giả trong toàn quốc gửi về, 4 mẫu tượng đã được lựa chọn qua 3 vòng thi và triển lãm; đồng thời lấy ý kiến rộng rãi của cán bộ, công nhân ngành Than nói riêng và công chúng nói chung tại Hà Nội, thành phố Hạ Long và thành phố Cẩm Phả.
Cuối cùng, mẫu tượng đài được chọn là của nhà điêu khắc Phạm Sinh - người có nhiều năm gắn bó với các công trình mỹ thuật của ngành Than. Tượng được đặt tại vị trí thoáng đãng, đứng vững chãi trong không gian với nền núi trải dài tự nhiên ở phía sau, tạo thành cảnh quan đẹp. Trong đó, nhóm tượng với ba nhân vật có vóc dáng cao lớn, khoẻ mạnh, gương mặt ngẩng cao thể hiện rõ sự phấn khởi sau giờ tan ca, toát lên một niềm tin hướng về tương lai.
Trang phục và vật dụng các nhân vật mang theo người như khoan, cuốc... cùng những vỉa than ẩn hiện phía sau, bên dưới tượng thể hiện rõ nét đặc trưng nghề mỏ. Tượng nam dẫn đầu đại diện cho lớp thợ dày kinh nghiệm, do vậy phong cách chững chạc, điềm đạm, vô cùng tự tin thể hiện rõ tinh thần xung kích. Nhân vật thứ hai là người thợ với cánh áo mở rộng khoe bộ ngực trần vạm vỡ thể hiện sức mạnh và nhiệt huyết cống hiến nóng bỏng của lớp thợ trẻ. Nhân vật nữ duy nhất của nhóm tượng đại diện cho các chị em có mặt trên nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh của ngành Than hôm nay. Nét mềm mại, tự nhiên thiên phú của giới nữ làm toát lên vẻ đẹp sinh động tổng hòa cho cả cụm tượng đài. Hệ thống cây xanh ở quảng trường được bố trí rất hợp lý và mang nhiều ý nghĩa. Hàng cây cau được bố trí dọc hai bên quảng trường (phía phải là 11 cây, phía trái là 12 cây tượng trưng cho ngày 12 tháng 11).
Đây là công trình có ý nghĩa lịch sử đối với giai cấp công nhân và Nhân dân Vùng mỏ Quảng Ninh. Nơi đây vào ngày 12 tháng 11 năm 1936 là điểm khởi đầu của cuộc tổng bãi công của hơn 3 vạn thợ mỏ đòi thực dân Pháp phải tăng lương, giảm giờ làm với khẩu hiệu “Kỷ luật và Đồng tâm! Chúng ta nhất định thắng!”. Khẩu hiệu này đã trở thành truyền thống tốt đẹp của ngành Than và thợ mỏ Quảng Ninh. Tên gọi của quảng trường "12/11" cũng xuất phát từ sự kiện ngày 12 tháng 11 năm đó.
Trương Thành Công – Trung tâm Truyền thông và Văn hóa TP Cẩm Phả (tổng hợp)
Liên kết website
Ý kiến ()