Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 05:17 (GMT +7)
Kỷ niệm 77 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công 19/8 (1945-2022) Quảng Ninh vững bước trên chặng đường phát triển
Thứ 6, 19/08/2022 | 08:41:37 [GMT +7] A A
Những ngày tháng Tám lịch sử, ở khắp mọi miền của Tổ quốc chung niềm vui hân hoan, tự hào với tinh thần thi đua sôi nổi. Nhìn lại 74 năm về trước, là khí thế cách mạng sục sôi của đồng bào và chiến sĩ cả nước với quyết tâm giành lại chính quyền. Vùng mỏ Quảng Ninh - địa phương tiến hành giành chính quyền sớm nhất trong cả nước, với nhiều điểm đấu tranh độc đáo, sáng tạo, đã góp phần vào thắng lợi của cả dân tộc trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Tiếp nối truyền thống cách mạng, viết tiếp những trang sử hào hùng, những năm qua tỉnh Quảng Ninh tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất ý chí, vững vàng tiến về phía trước và gặt hái nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực.
Ký ức những ngày Tháng Tám hào hùng
Tháng Tám năm 1945, nhận định thời cơ ngàn năm có một đã đến, mọi sự chuẩn bị đã sẵn sàng, sức mạnh đoàn kết hiệp đồng của toàn dân đã lên đỉnh điểm, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi đồng bào cả nước, triệu người như một, nhất tề đứng lên giành chính quyền trên cả nước với tinh thần “Dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Quảng Ninh diễn ra cũng vô cùng gay go, phức tạp và mang những đặc điểm riêng của một tỉnh biên giới. Nếu như các tỉnh, thành phố trên cả nước, cách mạng Tháng Tám giành chính quyền từ tay Nhật thì cách mạng Tháng Tám ở Quảng Ninh có những điểm rất khác. Ta không chỉ đối phó với quân Nhật và bọn thân Nhật mà còn phải đương đầu với quân Tưởng và bọn phản động theo Tưởng. Vì vậy, có nơi ta giành chính quyền từ tay bọn bù nhìn tay sai của Nhật, có nơi ta giành chính quyền từ tay bọn Việt Cách tay sai của Tưởng, có nơi ta lại phải giành giật với địch vài ba lần mới lập được chính quyền cách mạng. Thậm chí có nơi như Hà Cối, Ba Chẽ, đảo Vạn Hoa, Cô Tô mãi đến khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nổ ra, ta vẫn chưa lập được chính quyền cách mạng. Đó là những nét nổi bật của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Quảng Ninh trong Cách mạng Tháng Tám.
Ngày 19/8/1945, cách mạng thành công tại Thủ đô Hà Nội đã có ý nghĩa vô cùng lớn lao, Hà Nội đã trở thành ngọn cờ đầu của Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945, giành thắng lợi trong cả nước. Thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 không chỉ đánh dấu mốc son chói lọi trong lịch sử, là niềm tự hào của cả dân tộc, mà những bài học ý nghĩa, sáng tạo từ cuộc cách mạng để lại đến ngày hôm nay vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng đất nước hôm nay.
Thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 tại Quảng Ninh cũng là thắng lợi hết sức to lớn chưa từng có trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh. Đó là thắng lợi của tinh thần chấp hành và vận dụng đúng đắn đường lối, phương pháp cách mạng của Đảng vào thực tiễn địa phương; thể hiện tinh thần chủ động, táo bạo, dũng cảm và sáng tạo của mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng trong tỉnh; sự đúng đắn trong việc nắm bắt thời cơ và tấn công liên tục kẻ thù, giành chính quyền về tay nhân dân. Đó cũng là thắng lợi của tinh thần đoàn kết trong Đảng, đoàn kết quân dân và đoàn kết các dân tộc, là kinh nghiệm quý rút ra từ thực tiễn đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Ninh trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một trong những mốc son chói lọi, thành quả của những năm tháng đấu tranh kiên cường, bất khuất của nhân dân Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, lập nên Nhà nước Dân chủ Nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.
Đã 77 năm trôi qua, song hào khí của những ngày khởi nghĩa mùa Thu Tháng Tám năm 1945 và khát vọng hòa bình, tinh thần của Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 vẫn mãi mãi khắc sâu trong trái tim mỗi người con đất Việt nói chung và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh nói riêng.
Quảng Ninh - hình tượng của sự đổi mới, sáng tạo
Phát huy truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” của nhân dân Vùng mỏ, Quảng Ninh tiếp tục vượt lên những khó khăn và có những bước đi vững chắc, từng bước hiện thực hóa khát vọng đổi mới.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được đẩy mạnh toàn diện, liên tục, đồng bộ gắn với việc sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Phương thức, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng và năng lực điều hành, quản lý của chính quyền các cấp có nhiều chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Tỉnh đã có nhiều mô hình mới, cách làm hiệu quả, được Trung ương ghi nhận và nhiều địa phương trong cả nước học tập kinh nghiệm.
Quảng Ninh đã trở thành điển hình cho sự đổi mới, năng động, sáng tạo trên nhiều phương diện về xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội... Đặc biệt, bước vào năm 2022 với nhiều khó khăn, bộn bề, tuy nhiên những nhiệm vụ chính trị quan trọng của tỉnh luôn được duy trì triển khai quyết liệt và đạt nhiều kết quả quan trọng. Bám sát định hướng của Trung ương về xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, cuộc bầu cử trưởng thôn, bản, khu phố và đại hội chi bộ nhiệm kỳ 2022-2025 được tỉnh Quảng Ninh nghiêm túc triển khai, tạo sự thống nhất trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Việc tổ chức thành công cuộc bầu cử trưởng thôn, bản, khu phố và đại hội chi bộ thôn, bản, khu phố nhiệm kỳ 2022 tiếp tục nhân lên sức mạnh lãnh đạo của chi bộ và trách nhiệm của đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Quảng Ninh đã hoàn thành mô hình “Dân tin - Đảng cử", 100% bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố - một mô hình sáng tạo riêng có của Quảng Ninh đã được thực hiện thành công trong nhiều năm qua.
Tỉnh Quảng Ninh đặt ra mục tiêu trong năm 2022 hoàn thành chương trình xây dựng NTM, đây là dấu mốc để nông thôn Quảng Ninh không ngừng phát triển đi lên. Bám sát định hướng của Trung ương và của tỉnh, từ cấp thôn, xã, huyện trong tỉnh đã tập trung chỉ đạo, quyết liệt thực hiện xây dựng NTM. Đến nay, diện mạo nhiều vùng nông thôn thay đổi rõ rệt. Quảng Ninh đã có 5 địa phương cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM, 90 xã đạt chuẩn NTM; 15 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Đặc biệt, Quảng Ninh là tỉnh có huyện đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn NTM, có xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hơn 2 năm qua, dù ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19, nhưng Quảng Ninh vẫn kiên trì thực hiện ba đột phá chiến lược, có trọng tâm, trọng điểm. Chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh không ngừng được nâng lên. Các Chỉ số PAR Index, PCI, SIPAS, PAPI của tỉnh đạt nhiều thành quả quan trọng. Tỉnh giữ vững vị trí Quán quân PCI 5 năm liên tiếp (2016-2021); 3 năm liên tiếp (2019-2021) đứng thứ nhất toàn quốc Chỉ số SIPAS; năm 2021 đứng thứ 2 cả nước Chỉ số PAR Index. Quảng Ninh là tỉnh duy nhất được VCCI xếp hạng có chất lượng điều hành kinh tế rất tốt năm 2021.
Kết cấu hạ tầng phát triển theo hướng đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng đô thị, du lịch, dịch vụ... Đến nay, Quảng Ninh trở thành điểm sáng trong huy động nguồn lực tư nhân đầu tư xây dựng các công trình, dự án động lực. Tính riêng từ đầu năm 2022 đến nay, nhiều công trình đã đưa vào khai thác hiệu quả, như: Cầu Tình Yêu, đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả... Một số dự án cũng đang được đẩy nhanh tiến độ, như: Cầu Cửa Lục 3; đường ven sông kết nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều (đoạn từ nút giao Đầm Nhà Mạc đến đường tỉnh 338, giai đoạn 1); đường trục chính trung tâm Khu đô thị Cái Rồng, huyện Vân Đồn (giai đoạn 2); đường kết nối từ cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đến cảng Vạn Ninh; cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 342 từ TP Hạ Long qua huyện Ba Chẽ đến giáp địa phận tỉnh Lạng Sơn... Ngày 1/9 tới đây, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái chính thức đưa vào khai thác. Công trình mang nhiều giá trị khác biệt, thể hiện chủ trương đúng đắn, tư duy đổi mới, sáng tạo của nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh; hình thành chuỗi cao tốc dài nhất Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong khát vọng phát triển liên vùng.
Để có định hướng cho hạ tầng phát triển, trở thành "sợi chỉ đỏ" kết nối mạch nguồn, Quảng Ninh đã hoàn thành lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch đã nhận diện những mâu thuẫn, thách thức để từ đó xây dựng kế hoạch phát triển phù hợp, bền vững. Đồng thời, tiếp tục kiên trì phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, ưu tiên bố trí, sử dụng vốn ngân sách nhà nước (dự kiến giai đoạn 2021-2025 là 58.700 tỷ đồng) như là “vốn mồi” để kích thích, khai thác tối đa nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác cho phát triển hạ tầng giao thông.
Ngày nay, từ trung tâm đô thị đến vùng sâu, vùng xa trong tỉnh, nhiều công trình, dự án động lực đã hình thành, thúc đẩy mạnh mẽ KT-XH phát triển, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân... Thành quả này đã minh chứng sinh động về những nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến địa phương, Quảng Ninh trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới, sáng tạo của vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc.
Quá khứ mỗi ngày một xa, thế nhưng những dấu son lịch sử vẫn còn vang mãi, là nền tảng vững chắc cho mỗi bước đi trên hành trình phát triển của Quảng Ninh hôm nay; tiếp tục cổ vũ, tiếp sức mạnh để mỗi người dân không ngừng phấn đấu, có nhiều đóng góp cho công cuộc bảo vệ, xây dựng quê hương, đất nước.
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()