Quảng Ninh và quyết tâm hoàn thành tiêm vắc xin mũi 1
“Chiến lược vắc-xin” đã được Quảng Ninh triển khai sớm, đồng bộ, hiệu quả, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, và nhận được sự đồng tình, ủng hộ rất lớn từ nhân dân. Đết ngày 20/9, tỉnh đã hoàn thành tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 1 cho 100% người dân có chỉ định tiêm, là một trong những địa phương hoàn thành sớm nhất trong cả nước về tiêm mũi 1 cho toàn dân.
AN TOÀN ĐẶT LÊN HÀNG ĐẦU
Quảng Ninh là một trong 12 địa phương trong cả nước đã được lựa chọn thí điểm triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19, từ tháng 3/2021. Người được tiêm thuộc đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ, gồm: Người làm việc trong các cơ sở y tế; người tham gia phòng chống dịch; quân đội; công an; giáo viên; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính thường xuyên tiếp xúc với nhiều người; người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội…
Bắt đầu từ tháng 8/2021, tỉnh đã thực hiện chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho tất cả người dân trong độ tuổi trên 18 theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế. Trên cơ sở tham mưu của ngành Y tế, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2542/QĐ-UBND ngày 4/8/2021 kế hoạch triển khai tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 năm 2021-2022 trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu đặt ra là phấn đấu đến hết năm 2021 hoặc chậm nhất quý I năm 2022 có trên 80% người dân Quảng Ninh đủ điều kiện tiêm chủng được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19.
Địa bàn tiêm chủng của Quảng Ninh khá rộng, nhiều đặc thù, trải dài từ vùng đô thị đến vùng nông thôn, miền núi, hải đảo… Do đó, để tiến hành tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trên 1,1 triệu dân trong tỉnh ở độ tuổi có thể tiêm vắc-xin phòng Covid-19, với thời gian càng nhanh càng tốt và phải đảm bảo an toàn tối đa sức khỏe cho nhân dân, ngành Y tế rà soát nhân lực, chuẩn bị trang thiết bị y tế, cũng như các kịch bản cụ thể để triển khai việc tiêm vắc-xin diện rộng.
Triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin toàn dân, toàn tỉnh đã thành lập 520 đội tiêm chủng (tương đương với 520 bàn tiêm); 195 điểm tiêm chủng ở 13 huyện, thị xã, thành phố; công tác chuẩn bị, triển khai tuân thủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Ngành Y tế cũng nhanh chóng tổ chức các lớp tập huấn, tập huấn lại về triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trên 3.000 cán bộ y tế làm công tác tiêm chủng. Với nguồn nhân lực này, năng lực tiêm chủng có thể đạt trung bình được 50.000 mũi/ngày và khi đủ nguồn vắc-xin có thể tổng huy động lực lượng để nâng công suất tiêm lên 80.000 – 100.000 mũi tiêm/ngày. Để đảm bảo công tác tiêm chủng nhanh chóng, thuận lợi hơn, ngành Y tế tăng cường mỗi bàn tiêm 2 bác sĩ khám sàng lọc (thay vì 1 người theo quy định của Bộ Y tế).
Tại mỗi điểm tiêm chủng đều được bố trí 1 đội cấp cứu lưu động thường trực 24/24 giờ, 1 ô tô vận chuyển cấp cứu các trường hợp phản ứng nặng sau tiêm đến cơ sở điều trị. Đối với các trường hợp có bệnh lý nền nặng, người cao tuổi có sức khỏe yếu, đối tượng phải giãn, hoãn tiêm chủng, chúng tôi đã yêu cầu các đơn vị y tế địa phương tổng hợp danh sách chuyển đến tiêm tại cơ sở y tế có giường bệnh để đảm bảo an toàn cho người dân.
Tính đến ngày 20/9, tiến độ tiêm chủng tại Quảng Ninh cơ bản đáp ứng yêu cầu đặt ra, đảm bảo an toàn, hiệu quả trong quá trình thực hiện tiêm chủng, là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thực hiện tiêm chủng diện rộng. Qua 13 đợt tiêm, toàn tỉnh đã thực hiện tiêm được trên 1.066.000 liều vắc-xin; đã tiêm được cho trên 895.000 người (trong đó trên 725.000 người được tiêm 1 mũi và trên 170.000 người đã được tiêm đủ 2 mũi). Các đối tượng còn lại đang tiến hành tiêm vét, và thuộc đối tượng hoãn tiêm, thận trọng tiêm chủng như phụ nữ đang mang thai, cho con bú, bệnh nền... sẽ được tổ chức tiêm chủng khi có vắc-xin phù hợp.
Công tác tiêm chủng đảm bảo an toàn, hiệu quả, nhận được sự đồng thuận, ủng hộ và đánh giá rất cao của nhân dân. Quảng Ninh đang là một trong những địa phương có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất cả nước hiện nay.
Khẳng định năng lực y tế Quảng Ninh
Diễn biến của dịch bệnh rất khó lường, tốc độ xuất hiện, lây lan của các biến thể virus phải nói là rất nhanh và nguy hiểm; Quảng Ninh lại là địa bàn từ sớm có nhiều nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh. Điều này luôn đặt ngành Y tế trong tâm thế chủ động ứng phó, không lúc nào được lơ là, mất cảnh giác.
Ngành Y tế đã xác định rõ 5 nhiệm vụ trọng tâm: Một là tham gia công tác phòng, chống dịch toàn diện; hai là tiếp tục duy trì tốt công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân; ba là chi viện hỗ trợ các địa phương trong cả nước chống dịch; bốn là thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho toàn dân; năm là đào tạo cho người làm công tác phòng, chống dịch và nâng cao hiểu biết của người dân về sự nguy hiểm của virus SARS-CoV-2.
Ông Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh cho biết: Thời gian qua, ngành Y tế đã tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 cấp tỉnh và UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh theo phương châm “3 trước”, “4 tại chỗ”; dự phòng, chủ động, tích cực, từ xa, từ sớm, từ cơ sở và chiến lược “5K + Vắc xin + Truyền thông + Công nghệ”. Cùng với đó, ngành chủ động nắm chắc tình hình, chủ động rà soát, cập nhật, bổ sung, hoàn thiện thường xuyên kịch bản, phương án, quy trình, quy định, hướng dẫn để nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả phòng chống dịch; mục tiêu cao nhất là giữ được “vùng xanh” an toàn, địa bàn ổn định, phát triển trong trạng thái bình thường mới.
Tiêm mũi 2 diện rộng an toàn, tiến độ
Thành quả bước đầu trong tiêm vắc xin Covid-19 là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và ý thức, trách nhiệm của các đối tượng tiêm chủng. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và trực tiếp là đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 cấp tỉnh đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, sát sao mọi công việc từ quá trình lên kế hoạch cho tới việc tổ chức tiêm; kiểm đếm tiến độ công việc thực hiện theo từng ngày.
Ngành Y tế đã thực hiện nghiêm túc các quy trình chuyên môn của Bộ Y tế. Mỗi cán bộ y tế khi tham gia phục vụ công tác tiêm chủng đều nghiêm túc tập huấn về từng loại vắc-xin như cách thức tiêm, liều dùng, bảo quản, các phản ứng phụ sau tiêm…
Trong quy trình tiêm chủng, cán bộ, nhân viên y tế thực hiện nghiêm túc việc rà soát, khám sàng lọc, theo dõi phản ứng sau tiêm cho đối tượng tiêm chủng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Công tác hồi sức, cấp cứu phòng ngừa các phản ứng bất lợi trong và sau tiêm chủng phải luôn được sẵn sàng. Trong quá trình tiêm chủng, điều quan trọng là phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch.
Dự kiến, đầu tháng 10/2021, tỉnh sẽ triển khai tiêm mũi 2 vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân. Theo đó, ngành Y tế đã xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn, khoa học để rút ngắn thời gian tiêm chủng; đảm bảo công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả cao nhất.
Với mục tiêu hoàn thành tiêm chủng toàn dân an toàn nhất, sớm nhất có thể, ngành Y tế cũng đã xây dựng cụ thể các phương án, các tình huống có thể xảy ra, để có phương án xử lý kịp thời, bám sát chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, cũng như thực tiễn tại địa phương. Với trường hợp tỉnh Quảng Ninh không có địa phương nào phải áp dụng Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Chính phủ thì phương án triển khai tiêm mũi 2 về địa điểm ở các điểm đã triển khai mũi 1, thời gian sẽ được thông báo cụ thể.
Trường hợp khi có địa phương phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Chính phủ, ngành phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan xây dựng phương án chi tiết để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch phù hợp với điều kiện thực tế và an toàn tiêm chủng cho người dân tham gia.
Ý kiến ()