Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 23/01/2025 12:52 (GMT +7)
Quảng Ninh và “mối tình” kết nghĩa hai miền Nam - Bắc
Chủ nhật, 12/11/2023 | 13:21:48 [GMT +7] A A
Phong trào kết nghĩa Bắc - Nam là một phong trào thi đua của một số tỉnh, thành phố Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ nhằm mục đích động viên dân và quân miền Bắc thi đua sản xuất và chiến đấu bảo vệ miền Bắc, chi viện miền Nam đấu tranh thống nhất nước nhà. Từ sáng kiến và mở đầu của tỉnh Hà Nam kết nghĩa với tỉnh Biên Hoà (2/4/1959), phong trào kết nghĩa đã lan toả khắp hai miền Nam - Bắc, trong đó có Quảng Ninh.
Ngày 1/5/1960, khu Hồng Quảng kết nghĩa với tỉnh Bà Rịa (khi đó bao gồm cả vùng đất Vũng Tàu). Cùng ngày này, tỉnh Hải Ninh đã kết nghĩa với tỉnh Rạch Giá và tỉnh Long Châu Hà (Long Xuyên, Châu Đốc, Hà Tiên - tương ứng với phần lớn tỉnh An Giang và một phần tỉnh Kiên Giang ngày nay).
Từ kết nghĩa giữa hai tỉnh, trong những năm kháng chiến chống Mỹ, nhất là sau khi tỉnh Quảng Ninh được thành lập (30/10/1963), khắp các công trường, xí nghiệp ở Vùng mỏ sôi nổi các phong trào sản xuất than của thợ mỏ “Mỗi người làm việc bằng hai”, “Vì miền Nam ruột thịt”. Những năm chiến tranh chia hai miền Nam - Bắc, các tỉnh miền Bắc đã lấy địa danh của các tỉnh miền Nam kết nghĩa để đặt tên cho các công trình, đường phố, trường học của tỉnh. Quảng Ninh có công trường Bà Rịa ở mỏ than Cọc Sáu. Tại huyện Đầm Hà có đập nước thuỷ lợi Long Châu Hà. Tại TP Móng Cái tới nay vẫn còn các con phố mang tên Long Xuyên, Châu Đốc và Hà Tiên chạy song song, nối đường Hùng Vương với đường Mạc Đĩnh Chi, thuộc phường Ka Long như biểu hiện cho tình cảm son sắt của một giai đoạn lịch sử dân tộc.
Năm 1975, đất nước thống nhất. Năm 1976, thị xã Vũng Tàu (nay là TP Vũng Tàu thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và thị xã Hòn Gai (nay là TP Hạ Long) kết nghĩa. Thị xã Vũng Tàu đã quyết định đổi tên đường Võ Tánh cũ dọc theo bờ biển phía Tây từ Bãi Trước nối vòng ra Bãi Sau ở khu vực trung tâm Vũng Tàu thành đường Hạ Long. Trường Nữ Tiểu học ở Vũng Tàu cũng được đổi tên thành Trường Tiểu học Hạ Long, sau đó đổi là Trường Cấp I - II Hạ Long và đến năm 1991, trường chia tách thành Trường Tiểu học Hạ Long và Trường THCS Vũng Tàu như ngày nay.
Theo nhà văn Lê Toán, sau năm 1975, nhiều người con Quảng Ninh được cử vào công tác tại các tỉnh kết nghĩa. Đó là những cán bộ ưu tú thuộc các lĩnh vực công tác Đảng, quản lý nhà nước, các ngành giáo dục, y tế, xây dựng... Ngày 30/5/1979, Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo được thành lập, nhiều cán bộ của tỉnh Quảng Ninh đã được cử vào đây công tác, lập nghiệp. Tháng 11/1980, đồng chí Hoàng Thuyết, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy Liên hiệp Than Quảng Ninh và vợ là nhà báo Lê Thị Nhãn (Báo Quảng Ninh) được điều động vào công tác tại Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo. Đồng chí Hoàng Thuyết đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch, rồi Chủ tịch UBND Đặc khu.
Năm 2022, trong chuyến công tác tại Vũng Tàu, người viết bài này có dịp tới thăm Trường Tiểu học Hạ Long. Ngôi trường bề thế thuộc địa chỉ số 8, đường Nguyễn Du, phường 1, TP Vũng Tàu. Những lớp học sơn màu kem dịu khang trang, sạch sẽ. Trong sân trường và bao bọc xung quanh bởi những tán cổ thụ râm mát. Năm học 2023 -2024, trường có 33 lớp với 1.162 học sinh. Tìm hiểu, tôi được biết Trường Tiểu học Hạ Long là ngôi trường giàu thành tích nhất bậc tiểu học của tỉnh, từng được thưởng nhiều Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba, nhiều bằng khen của tỉnh, của Bộ GD&ĐT, đã đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1 năm 2015, được ghi nhận là trường tiểu học đạt nhiều thành tích nhất tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hạ Long, cô giáo Nguyễn Thị Liên quê ở Bắc Giang, lập nghiệp tại Vũng Tàu từ năm 1988 nhưng vẫn còn giữ nguyên giọng Bắc. Cô Liên cho biết, trong những dịp lễ, ngày kỷ niệm thành lập, nhà trường đều ôn lại truyền thống, nhắc lại nguồn gốc tên trường, tình cảm kết nghĩa giữa hai tỉnh, hai thành phố để học sinh hiểu, nắm được, thêm hiểu lịch sử ngôi trường. Cô Liên chia sẻ, cô đã nhiều dịp ra Hạ Long và cô mong sẽ có dịp tổ chức cho các thầy cô giáo và học sinh của trường có dịp ra thăm Hạ Long, thăm Quảng Ninh.
Đi dạo trên đường Hạ Long - con đường đẹp nhất của TP Vũng Tàu, chúng tôi thấy khoảng cách Hạ Long - Bà Rịa - Vũng Tàu như gần lại.
Trần Minh
Liên kết website
Ý kiến ()