Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 16/01/2025 10:05 (GMT +7)
Quảng Ninh: Trung tâm du lịch mang tầm quốc tế
Chủ nhật, 29/10/2023 | 07:52:10 [GMT +7] A A
Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có về địa hình, vị trí địa lý, Quảng Ninh đã và đang chuyển đổi phát triển mạnh mẽ từ “nâu” sang “xanh”; trong đó đẩy mạnh phát triển chuyên sâu về du lịch, coi đây là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn. Để biến mục tiêu, khát vọng thành hiện thực, ngoài những nỗ lực, cố gắng thời gian qua, Quảng Ninh cần tiếp tục đầu tư mạnh mẽ, đồng bộ, chuyên nghiệp, có chiều sâu hơn nữa cho hoạt động du lịch, hướng tới xây dựng thành trung tâm du lịch mang tầm quốc tế.
Chủ động phát triển bền vững
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã xác định Quảng Ninh là một trong những địa bàn du lịch trọng điểm của cả nước, kết hợp với Hải Phòng, Hà Nội, Ninh Bình thành Khu vực động lực phát triển du lịch của Vùng Đồng bằng sông Hồng.
Quảng Ninh là địa phương có tài nguyên du lịch nổi trội, đa dạng và đặc sắc nhất nước. Không chỉ sở hữu Di sản, Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, tỉnh còn có hơn 600 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh nổi tiếng khác, như: Vịnh Bái Tử Long; các đảo Cô Tô, Quan Lạn, Trà Cổ, Vân Đồn; Quần thể di tích danh thắng Yên Tử; đền Cửa Ông... Chỉ riêng Di sản thế giới Vịnh Hạ Long cùng với Vịnh Bái Tử Long và các hòn đảo đẹp, nếu biết khai thác, phát huy tối ưu tiềm năng, có thể biến Quảng Ninh trở thành điểm đến đáng mơ ước của thế giới, khẳng định thương hiệu du lịch toàn cầu, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những cường quốc du lịch hàng đầu thế giới.
Thời gian qua, để khai thác hiệu quả những lợi thế này, Quảng Ninh rất chú trọng phát triển du lịch, xác định du lịch là ngành kinh tế trọng yếu, mũi nhọn; đã có nhiều chủ trương, quyết sách mạnh mẽ để thúc đẩy sự phát triển của ngành "công nghiệp không khói" này. Điển hình như, không gian phát triển du lịch được mở rộng, có trọng tâm, trọng điểm, gắn với bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan, bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản; thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược có uy tín, thương hiệu đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ; hạ tầng du lịch có bước phát triển đột phá, ngày càng đồng bộ, hiện đại, tạo ra các sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc; hệ thống đường cao tốc, sân bay được đầu tư đồng bộ, xuyên suốt; chất lượng dịch vụ du lịch ngày càng được nâng cao...
Nhờ vậy, du lịch Quảng Ninh có tốc độ phát triển nhanh, thu hút ngày càng nhiều du khách. Năm 2019 tỉnh thu hút hơn 14 triệu lượt khách, tăng 14% so với năm trước, bằng 13,6% tổng lượt khách cả nước, trong đó khách quốc tế đạt 5,7 triệu lượt, bằng 31,7% tổng khách quốc tế đến Việt Nam; tổng thu từ khách du lịch đạt gần 30.000 tỷ đồng, tăng 255 so với năm trước, bằng 4% tổng thu du lịch cả nước.
Tuy nhiên năm 2020, tác động của đại dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động du lịch của Quảng Ninh. Khách du lịch sụt giảm 37%, trong đó khách quốc tế giảm đến 90,7%; tổng thu từ du lịch giảm 30,5% so với năm 2019. Năm 2021 tổng khách du lịch chỉ bằng nửa năm 2020; tổng thu từ khách du lịch chỉ bằng 45,6% so với năm 2020.
Trước thực tế đó, không chỉ thực hiện hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh, Quảng Ninh thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa phòng dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có du lịch. Với quan điểm nhất quán, sự chủ động, quyết tâm, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên, tinh thần chủ động tìm hướng đi, cách làm và sự quyết tâm đổi mới của các cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, hoạt động du lịch của Quảng Ninh đã dần trở lại nhộn nhịp trong trạng thái “bình thường mới”. Sự nỗ lực đó đã giúp cho tỉnh tạo được lên những con số “biết nói” với không khí sôi động, nhộn nhịp ở nhiều tuyến, điểm du lịch. Năm 2022, tổng khách du lịch đến Quảng Ninh đạt 11,6 triệu lượt, gấp 2,6 lần năm 2021; tổng doanh thu du lịch đạt 25.172 tỷ đồng, gấp 3,2 lần năm 2021, tăng 32,5% so với kế hoạch đầu năm.
Không chỉ đón khách trong nước, Quảng Ninh luôn chú trọng thu hút lượng khách quốc tế. Tỉnh đã chủ động tham gia, thực hiện nhiều chương trình kết nối du lịch, tăng cường giao lưu văn hóa, kết nối các vùng di sản trong khu vực, quảng bá, xúc tiến du lịch, xây dựng các tour, tuyến liên kết các điểm đến và khai thác mạnh mẽ hơn thị trường khách du lịch 2 chiều... Đây là hướng đi hiệu quả, đúng đắn và thể hiện được đường lối phát triển đồng bộ, nhất quán, bền vững của Quảng Ninh. Với những cách làm hiệu quả, lượng khách quốc tế đến với Quảng Ninh đã ngày một nhiều hơn, phong phú, đa dạng hơn. Điển hình như, tháng 10/2022 tàu Le Lapérouse (quốc tịch Pháp) đã đưa hơn 100 du khách quốc tế, chủ yếu từ thị trường Âu - Mỹ, cập Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long; tháng 8/2022 tỉnh đón đoàn Ấn Độ gồm các hãng lữ hành, hàng không, truyền thông hàng đầu Ấn Độ đến trải nghiệm, khảo sát sản phẩm nghỉ dưỡng trên Vịnh Hạ Long; tháng 11/2022 tỉnh đón đoàn 150 du khách đến từ Jeju (Hàn Quốc) của Hãng lữ hành Sun Travel... Quý I/2023, lượng khách quốc tế đến Quảng Ninh đạt 283.000 lượt.
Theo Sở Du lịch Quảng Ninh, năm 2023 dự kiến tỉnh có 38 sản phẩm du lịch mới đưa vào khai thác. Tiêu biểu như sản phẩm du lịch trên bờ: Tuyến phố đêm, phố đi bộ Bài Thơ; Cụm di tích núi Bài Thơ và hồ Hải Thịnh. Sản phẩm du lịch mới trên Vịnh Hạ Long: Phố đêm du thuyền; hoạt động thể thao, vui chơi giải trí thuyền buồm; dịch vụ nghe nhạc; khu trưng bày giới thiệu giá trị địa chất - địa mạo, đa dạng sinh học tại hang Đầu Gỗ; điểm check-in Vịnh Hạ Long gắn với biểu tượng Di sản tại cầu vọng cảnh hang Đầu Gỗ; điểm dừng chân, dịch vụ, tham quan du lịch kết hợp mua bán hải sản, giới thiệu sản phẩm tại vụng Cặp Táo... Tại TP Móng Cái có sản phẩm du lịch ẩm thực Việt - Trung; du lịch sinh thái Thung lũng tình yêu; phiên chợ vùng cao Pò Hèn... Huyện Vân Đồn xây dựng các tuyến du lịch mới: Tuyến 1: Cảng Ao Tiên - hang Phất Cờ - nuôi trồng trai ngọc (hòn Đá Đen) - hòn Quạ - cống Lão Vọng - hòn Đũa - đảo Minh Châu - cảng Ao Tiên; tuyến 2: Cảng Ao Tiên - đảo Tây Hoi - hòn Mèo Lười - Bản Sen - hang Nhà Trò - cảng Ao Tiên.
Các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng dịch vụ từ du thuyền, khách sạn, nhà hàng, điểm đến chủ động nâng cấp cơ sở vật chất, bảo đảm các điều kiện phục vụ du khách quốc tế. Đồng thời tăng cường liên kết tạo chuỗi trải nghiệm đa dạng, như kết hợp nghỉ dưỡng với khám phá thiên nhiên, văn hóa, ẩm thực hay kết nối nhiều điểm đến trong một hành trình. Đây là những tiền đề quan trọng để Quảng Ninh nhanh chóng phục hồi thị trường khách quốc tế và chứng minh được ngành du lịch, dịch vụ của tỉnh đang phục hồi mạnh mẽ, đúng trọng tâm và định hướng.
Định hướng phát triển du lịch mang tầm quốc tế
Quảng Ninh đã có chủ trương phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn từ rất sớm với mức độ ưu tiên của chính quyền. Cơ cấu kinh tế đang được thúc đẩy từ “nâu” sang “xanh” là động lực và cơ hội để ngành du lịch của tỉnh phát triển bền vững.
Tuy nhiên, dù đã đạt nhiều hiệu quả trong phát triển du lịch, nhưng theo nhận định chung, chưa thực sự phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Một số nguyên nhân có thể kể đến: Nhận thức về vị trí, vai trò của du lịch ở nhiều cấp, nhiều ngành đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương chưa thực sự đầy đủ, toàn diện; chính sách khuyến khích thu hút đầu tư phát triển du lịch chưa thực sự thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực du lịch; nhân lực du lịch còn thiếu và hạn chế về chất lượng; nhiều doanh nghiệp kinh doanh du lịch còn thụ động; vẫn chịu hạn chế do tác động của dịch bệnh; chưa thu hút được các nhà đầu tư du lịch chuyên nghiệp...
Để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, hướng tới đưa Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch mang tầm quốc tế thời gian tới, tỉnh cần phát huy được những lợi thế đặc biệt về tự nhiên, văn hóa, lịch sử, đặc biệt là Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long và hệ thống đảo, quần thể di tích Yên Tử - Bạch Đằng; chú trọng phát triển đa dạng sản phẩm, dịch vụ gắn với lợi thế khác biệt và độc đáo về tài nguyên du lịch của tỉnh; tập trung cải thiện hình ảnh và môi trường điểm đến để nâng tầm giá trị thương hiệu sản phẩm, dịch vụ và điểm đến Quảng Ninh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, tỉnh cần chú trọng phát triển du lịch bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc và mục tiêu phát triển bền vững, bao trùm, theo hướng tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, gìn giữ, bảo vệ tài nguyên, môi trường trong quá trình đầu tư, phát triển du lịch. Đặc biệt cần hết sức tránh phát triển nóng, chạy theo số lượng, ảnh hướng đến tính bền vững của tài nguyên và hình ảnh điểm đến.
Đồng thời tiếp tục tập trung nguồn lực phát triển hệ thống hạ tầng đồng bộ và hiện đại về đường bộ, đường không, đường biển..., nhằm kết nối với các khu, điểm du lịch của tỉnh và với các tỉnh trong vùng, cả nước và kết nối quốc tế; tăng cường phát triển, hoàn thiện hệ thống hạ tầng xã hội về y tế, văn hóa, thể thao... để đáp ứng nhu cầu gia tăng khách du lịch; có cơ chế đột phá, tập trung huy động nguồn lực tư nhân đầu tư xây dựng các khu nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe và sinh thái cao cấp và đặc biệt tại các đảo, các khu vực ven vịnh, khu vực miền núi.
Trên cơ sở những điều kiện, lợi thế sẵn có, tỉnh nên tập trung phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, đẳng cấp; phát triển du lịch sinh thái, văn hóa, du lịch sự kiện, du lịch MICE, du lịch kết hợp mua sắm, giải trí, đặc biệt là giải trí về đêm, để tạo sức hấp dẫn mới; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, công nghệ xanh, công nghệ sạch để phát triển sản phẩm, dịch vụ, gia tăng tiện ích và trải nghiệm cho khách du lịch.
Quảng Ninh cũng cần tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, bảo đảm hình thành đội ngũ lao động du lịch chuyên nghiệp; chú trọng cải thiện môi trường điểm đến và môi trường kinh doanh du lịch, xây dựng văn hóa du lịch địa phương. Tiếp tục đổi mới tư duy và nâng cao nhận thức về phát triển du lịch; phát triển các dự án du lịch thông minh, du lịch xanh, thân thiện môi trường; xây dựng chiến lược, kế hoạch, chương trình phát triển du lịch thích ứng với rủi ro, khủng hoảng để giúp ngành du lịch của tỉnh chủ động ứng phó với tác động của các nhân tố khách quan gây ra.
Tin tưởng thời gian tới Quảng Ninh sẽ hoàn thành mục tiêu trở thành một trung tâm du lịch quốc tế, một trọng điểm du lịch hàng đầu quốc gia, có hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại, sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú, có chất lượng cao, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc của tỉnh, có năng lực cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch
Liên kết website
Ý kiến ()