Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:31 (GMT +7)
Quảng Ninh trong thời nhà Mạc (thế kỷ XVI)
Chủ nhật, 07/05/2023 | 10:22:01 [GMT +7] A A
Vùng đất An Bang có vài trăm năm phát triển mạnh nhờ có hành lang giao lưu với vùng Nam Trung Quốc, suốt từ Ninh Hải đến Đông Triều. Đặc biệt là với sự phát triển của thương cảng Vân Đồn dọc ven biển và hải đảo từ Hải Ninh đến Quảng Yên đã thực sự đóng vai trò là động lực phát triển kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, xã hội quân chủ Đại Việt sau những năm tháng thái bình phát triển đến cực thịnh dưới thời vua Lê Thánh Tông (cuối thế kỷ XV) thì sang thế kỷ XVI đã có những sa sút mở ra những bất ổn về chính trị, loạn lạc.
Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, năm 1504, vua Lê Hiến Tông qua đời. Các hoàng đế kế vị đều yểu mạng, hoặc tàn bạo, hoặc kém tài. Từ đó dẫn đến những cuộc tranh giành quyền lực, chém giết lẫn nhau. Năm 1527, Mạc Đăng Dung phế truất vua Lê, lên ngôi, lập ra nhà Mạc.
Mạc Đăng Dung (1483-1541) người làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương (nay thuộc Hải Phòng). Thời Lê, Nghi Dương thuộc đơn vị hành chính với An Bang với tên gọi chung là Hải Đông. Năm 1530, Mạc Đăng Dung truyền ngôi cho con là Mạc Đăng Doanh, lui về làm Thái Thượng hoàng. Năm 1540, Đăng Doanh chết, Mạc Đăng Dung đưa cháu là Mạc Phúc Hải lên nối ngôi. Năm 1544, Mạc Phúc Hải chết. Mạc Kính Điển, em Mạc Phúc Hải muốn đưa Mạc Phúc Nguyên con Mạc Phúc Hải lên ngôi nhưng phò mã Mạc Đăng Dung là Phạm Tử Nghi (1509-1551) lại muốn đưa con Mạc Đăng Dung là Mạc Chính Trung lên ngôi. Không được vương công nhà Mạc đồng ý, Phạm Tử Nghi nổi loạn, phò Mạc Chính Trung về Hoa Dương (nay thuộc Hưng Hà, Thái Bình) lập triều đình. Nhà Mạc đem quân đuổi đánh, Phạm Tử Nghi bèn đem “triều đình” chạy ra chiếm Yên Quảng.
Theo Đại Việt Thông sử của Lê Quý Đôn, sau khi chiếm Yên Quảng (Quảng Ninh ngày nay), Phạm Tử Nghi đã vào cả địa phận Trung Quốc dụ dân ven biển nổi loạn, cướp phá làm náo loạn cả Khâm Châu, Quảng Đông. Nhà Minh đã ép nhà Mạc dẹp loạn Phạm Tử Nghi và đến năm 1548 (theo Đại Việt Sử ký Toàn thư thì ông bị hại vào năm 1551), Mạc Kính Điển đã giết được Phạm Tử Nghi, đưa thủ cấp sang Trung Quốc.
Trong khoảng 4 năm chiếm đất An Quảng, các hoạt động của Phạm Tử Nghi gắn bó chặt chẽ với vùng đất này. Dù là tướng phục vụ nhà Mạc, vương triều đối nghịch với nhà Lê, Phạm Tử Nghi vẫn được các triều đại Hậu Lê, Nguyễn sắc phong thần. Hiện nay, tại vùng Hà Nam (thị xã Quảng Yên) còn nhiều nơi tôn thờ Phạm Tử Nghi là thành hoàng làng, như đình Hải Yến, miếu Vu Linh (phường Yên Hải), miếu Phạm Tử Nghi và đình Quỳnh Biểu (xã Liên Hoà), đền Trần Hưng Đạo (xã Liên Vị) và miếu Phạm Tử Nghi (xã Liên Vị). Ngoài ra, ông còn được thờ ở nhiều nơi thuộc Hải Phòng. Mỗi di tích lại có những điển tích về Phạm Tử Nghi.
Trong 65 năm tồn tại, Hải Đông - trong đó trọng tâm là Quảng Ninh ngày nay là vùng đất chiến lược của nhà Mạc. Thế mạnh của quân Mạc là thuỷ chiến nên Trịnh Kiểm đã tập trung quân đánh mạnh vùng này. Nhưng cũng mãi đến năm 1600, chúa Trịnh là Trịnh Tùng mới diệt trừ được dư đảng của họ Mạc ở Yên Quảng.
Nhà Mạc đã để lại nhiều dấu ấn lịch sử, văn hoá trên vùng đất Quảng Ninh ngày nay (chúng tôi sẽ nói rõ hơn ở bài sau). Hiện nay, con cháu dòng họ Mạc sinh sống nhiều nơi ở các địa phương thuộc Quảng Ninh.
Ông Mạc Văn Quang, Trưởng Ban liên lạc Mạc tộc Quảng Ninh (cư trú tại khu 10, phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long) cho biết, con cháu họ Mạc tại Quảng Ninh hiện nay phần nhiều đến từ các tỉnh, thành phố. Đông nhất và cư trú mang tính ổn định lâu đời nhất là hai chi họ Mạc ở xã Hồng Thái Tây và Tân Việt (Đông Triều). Vào các dịp giỗ các cụ Mạc Đĩnh Chi, Mạc Đăng Dung, Ban liên lạc Mạc tộc Quảng Ninh đều cử đại diện về thắp hương, lễ tổ.
Trần Minh
Liên kết website
Ý kiến ()