Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 24/01/2025 08:39 (GMT +7)
Quảng Ninh trong thời kỳ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc (1975-1980)
Chủ nhật, 22/10/2023 | 09:06:57 [GMT +7] A A
Đại thắng mùa xuân năm 1975 tạo ra bước ngoặt lịch sử đưa nước ta bước vào kỷ nguyên mới: Độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, tiến lên chủ nghĩa xã hội. Cùng với cả nước, nhân dân Quảng Ninh bước vào một giai đoạn lịch sử mới với nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít gian nan.
Do giữ vị trí đặc biệt quan trọng về nền kinh tế và quân sự nên trong cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ra miền Bắc, Quảng Ninh trở thành mục tiêu huỷ diệt của chúng. Hậu quả của nó vì thế rất nặng nề. Các cơ sở hạ tầng quan trọng như cảng Cửa Ông, cảng Hòn Gai bị phá hoại nặng. Nhà máy Điện Cột 5 bị huỷ diệt, Nhà máy Điện Uông Bí bị đánh hỏng nặng gây thiệt hại lớn cho sản xuất. Các mỏ, xí nghiệp như Đèo Nai, Cọc Sáu, Hà Tu, Tuyển than Cửa Ông, Xí nghiệp Bến Hòn Gai, Nhà máy Cơ khí Cẩm Phả đều bị đánh phá nặng nề. Thị xã Hòn Gai, Cẩm Phả và các thị trấn bị ném bom huỷ diệt, nhiều dãy phố gần như bị san phẳng. Hầu hết các trường học, bệnh viện bị đánh phá, hư hỏng nặng trong chiến tranh.
Trước những khó khăn nhiều mặt đó, công nhân mỏ và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh đã ra sức hàn gắn các vết thương chiến tranh, từng bước ổn định đời sống, đồng thời kiên cường khôi phục sản xuất. Ngành than đã đưa ra khẩu hiệu “Tất cả để đi lên chủ nghĩa xã hội”. Trong 5 năm (1975-1980), ngành than đã có một bước chuyển biến quan trọng trong sản xuất. Được sự giúp đỡ về khoa học kỹ thuật của bạn bè quốc tế, ngành than đã từng bước quy hoạch sản xuất, cải tạo các mỏ lớn, đầu tư dây chuyền sản xuất là khai thác và vận tải. Phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong công nhân mỏ diễn ra sôi nổi, hàng năm có hàng ngàn sáng kiến được áp dụng vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế lớn. Năm 1975, sản lượng than nguyên khai đã đạt trên 5,5 triệu tấn. Năm 1977, ngành than đạt mức cao nhất là gần 7,1 triệu tấn.
Nhà máy Điện Uông Bí nhanh chóng được sửa chữa, nhờ đó sản lượng điện năm 1975 đạt 243 triệu kW/h, vượt 25% so với năm 1965. Năm 1980 đạt trên 539 triệu kW/h.
Các tuyến giao thông đường bộ quan trọng như Cẩm Phả - Cửa Ông, Hà Lầm - Hòn Gai, Mạo Khê - Vàng Danh - Uông Bí được quan tâm khôi phục, cải tạo, nâng cấp. Ở các thị xã, thị trấn, hầu hết đường phố được đầm xỉ vôi, xi măng. Ở nông thôn, hầu hết các xã đồng bằng đều có đường ô tô, các thôn xóm có đường cho xe thô sơ. Sự phát triển của giao thông đã tạo điều kiện thúc đẩy, trao đổi hàng hoá nội tỉnh và ngoại tỉnh.
Mặc dù công cuộc khôi phục kinh tế đã đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng do đế quốc Mỹ thực hiện chính sách cấm vận và bao vây kinh tế Việt Nam nên cùng cả nước, Quảng Ninh gặp muôn vàn khó khăn. Đúng lúc đó, Quảng Ninh lại là nơi xảy ra và chịu hậu quả nặng nề của cuộc chiến đấu bảo vệ biên cương phía Bắc Tổ quốc.
Ngày 17/2/1979, quân xâm lược đã tấn công vào toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam. Tại biên giới Quảng Ninh, chúng tấn công vào khu vực Pò Hèn - Thán Phún (Móng Cái), Đồng Văn, Hoành Mô (Bình Liêu), Quảng Đức (Hải Hà). Với tinh thần chiến đấu anh dũng, quân và dân Quảng Ninh đã đẩy lui nhiều đợt tiến công của quân xâm lược. Trong cuộc chiến đấu đã nổi lên nhiều tấm gương tập thể, cá nhân anh hùng như Đại đội 6 Công an vũ trang, Anh hùng Đỗ Chu Bỉ, Đỗ Sĩ Hoạ, liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm…
Sau sự kiện 17/2/1979, cả tỉnh Quảng Ninh đã bừng bừng tinh thần tất cả để bảo vệ Tổ quốc với khí thế của trận Bạch Đằng lịch sử. Hàng ngàn thanh niên đã lên đường xây dựng trận tuyến bảo vệ biên giới. Thế trận chiến tranh nhân dân, thế trận của tinh thần yêu nước, sức mạnh của lòng dân đã tạo ra một điểm tựa vững chắc cho trận tuyến biên giới, giữ vững chủ quyền quốc gia.
Trần Minh
Liên kết website
Ý kiến ()