Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 24/01/2025 12:28 (GMT +7)
Quảng Ninh trong những năm kháng chiến chống Pháp
Chủ nhật, 10/09/2023 | 14:30:28 [GMT +7] A A
Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp (1946-1954), với sự phối hợp chặt chẽ giữa đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị và binh vận, quân và dân Hải Ninh, Quảng Yên, Hòn Gai đã làm tan rã một mảng lớn lực lượng vũ trang của địch trên chiến trường Đông Bắc, góp phần đáng kể vào thắng lợi to lớn của Chiến dịch Điện Biên Phủ, giải phóng hoàn toàn miền Bắc, lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Quảng Ninh là một trong các chiến trường chính ở Bắc Bộ. Phát huy sức mạnh của chiến tranh nhân dân, quân và dân các dân tộc tỉnh Hải Ninh, Quảng Yên và Hòn Gai đã phối hợp với chiến trường cả nước, tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giành thắng lợi quyết định trên chiến trường Đông Bắc.
Đã có nhiều chiến dịch được mở trên khu vực Đông Bắc mà quân và dân Quảng Ninh khi đó đã tham gia, giành chiến thắng vang dội, như Chiến dịch Đông Bắc (1948-1949), Chiến dịch Biên giới (1950), phối hợp với Chiến dịch Trung du (1950-1951), Chiến dịch Đường số 18 (1951)… Quân ta đã tiêu diệt, bắt sống hàng ngàn tên địch, thu hàng trăm phương tiện quân sự, nhiều súng ống, đạn dược. Trải qua chiến đấu, lực lượng vũ trang của ta đã không ngừng lớn mạnh. Nhiều đơn vị cấp đại đội, tiểu đoàn đã được thành lập đủ sức đánh những trận lớn, quy mô chiến dịch.
Hiện nay, tại Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh lưu giữ một hiện vật độc nhất vô nhị đó là bức trướng Bác Hồ đã thay mặt Chính phủ tặng cho Thành hoàng làng Pò Háng, huyện Đình Lập (khi ấy thuộc tỉnh Hải Ninh, nay thuộc Lạng Sơn). Theo các tư liệu lịch sử, tháng 1/1947, quân Pháp ồ ạt đánh chiếm đường số 4 (từ Quảng Ninh qua Lạng Sơn lên Cao Bằng). Huyện Đình Lập đã thành lập khu căn cứ kháng chiến Nà Thuộc gồm các xã: Bính Xá, Kiên Mộc và Bắc Xa.
Ngày 14/4/1947, thực dân Pháp huy động một tiểu đoàn cùng bọn tay sai tiến công khu căn cứ Nà Thuộc. Quân và dân địa phương đã chiến đấu vô cùng anh dũng, đánh lui tiểu đoàn Âu Phi, tiêu diệt hàng chục tên, trong đó có tên đội Pháp. Sau đó, quân Pháp điên cuồng huy động cả máy bay và pháo binh yểm trợ mở 15 cuộc tiến công khu căn cứ Nà Thuộc, nhưng đã bị quân và dân ta đánh tan tác.
Trước khi xảy ra các trận đánh, tại đình Pò Háng, các cụ cao tuổi đã làm lễ cầu nguyện, phất cờ gõ thanh la, động viên, cổ vũ bộ đội, du kích. Tin vui thắng trận của quân và dân khu căn cứ Nà Thuộc lan đi khắp các chiến trường Việt Bắc và cả nước. Đầu năm 1948, Bác Hồ cho mời lãnh đạo tỉnh Hải Ninh đến báo cáo. Khi biết chuyện cả Thành hoàng làng Pò Háng cũng tham gia kháng chiến, Bác cười vui và nói: “Vậy phải khen thưởng cả Thành hoàng làng”.
Nói rồi, Bác đã ký lệnh trao tặng quân và dân khu căn cứ kháng chiến Nà Thuộc Huân chương Chiến công hạng Ba và cho may một bức trướng đặc biệt phong tặng Thành hoàng Pò Háng. Đó là bức trướng vải đỏ thêu các dòng chữ bằng chỉ màu vàng. Chính giữa là dòng chữ Hán: “Kháng chiến hộ ủng” (Ủng hộ kháng chiến), bên dưới có phiên âm chữ quốc ngữ. Bên phải là dòng chữ: Năm thứ ba niên hiệu nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa). Bên trái là dòng chữ: Chính phủ Chủ tịch Hồ Chí Minh phong tặng đều bằng chữ Hán.
Hoà cùng cuộc chiến đấu của các lực lượng vũ trang trên chiến trường, giai cấp công nhân và nhân dân Vùng mỏ cũng đẩy mạnh đấu tranh. Với sự chỉ đạo của Đặc khu uỷ, phong trào đấu tranh, phá hoại kinh tế địch của công nhân mỏ phát triển mạnh mẽ, gây cho địch nhiều thiệt hại nặng nề. Sản xuất than, điện có nơi, có thời điểm bị ngừng trệ vài tháng. Như ở núi Trọc (Cẩm Phả), đầu năm 1950, sản lượng than của chủ mỏ Pháp từ 1.600 tấn/ngày giảm xuống còn 300 tấn/ngày.
Trần Minh
Liên kết website
Ý kiến ()