Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 09:19 (GMT +7)
Quảng Ninh trong hồi ký “Bác Năm Vùng mỏ”
Thứ 2, 23/10/2023 | 08:20:06 [GMT +7] A A
Ông Nguyễn Ngọc Đàm, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, là người đi theo cách mạng từ ngày đầu Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, có nhiều năm gắn bó với Vùng mỏ Quảng Ninh. Năm 2019 NXB Hồng Đức xuất bản tập hồi ký mang tên “Bác Năm Vùng mỏ”, ghi lại quá trình hoạt động cách mạng và những đóng góp của ông Nguyễn Ngọc Đàm. Trong cuốn hồi ký ấy, tỉnh Quảng Ninh qua mỗi thời kỳ hiện lên khá sinh động. Xin trân trọng giới thiệu những trang hồi ức về mảnh đất, con người Quảng Ninh của “Bác Năm Vùng mỏ”.
Được nhân dân chở che, giúp đỡ
Tôi làm thư ký cho đồng chí Nguyễn Thanh Bình đến cuối năm 1945 thì được đồng chí Lê Thanh Nghị điều trở lại khu mỏ Hòn Gai hoạt động.
Trở lại Vùng mỏ, tôi được phân công phụ trách Nhà máy điện Cọc 5 và khu vực Bãi Cháy thuộc Đặc khu Hòn Gai. Vùng đất mỏ giàu truyền thống với tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất, tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm” đã giành thắng lợi tại cuộc Tổng bãi công của công nhân Vùng mỏ năm 1936. Đặc biệt là Cách mạng Tháng Tám năm 1945, với lực lượng vũ trang từ Đệ tứ Chiến khu Đông Triều cùng với sự ủng hộ của quần chúng đã giành chính quyền về tay nhân dân.
… Có thể nói trong 2 năm 1946-1947 hoạt động ở Đặc khu Hòn Gai Cẩm Phả đã để lại cho tôi rất nhiều kỷ niệm sâu sắc. Trong thời gian này tôi đã có được những trưởng thành về nhiều mặt, được trải nghiệm thực tiễn trong đấu tranh trong vùng địch chiếm đóng; cũng là thời kỳ được sự che chở đùm bọc của nhân dân Vùng mỏ, đối với tôi không thể nào quên.
Không những tôi được kết nạp vào Đảng, lại được phân công những nhiệm vụ đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ và linh hoạt, khôn khéo thì mới có thể hoàn thành, kể cả trong những trận chống càn quét của kẻ thù. Khi mà sự sống và cái chết chỉ cách nhau một tích tắc đòi hỏi phải mưu trí xử lý tình huống, không chỉ có lòng dũng cảm, mà còn phải biết tạo được vỏ bọc, được sự che chở giúp đỡ của nhân dân, dựa vào nhân dân. Đó là bài học đối với tôi sau 2 năm trở lại hoạt động, khi thoát khỏi vòng vây của kẻ thù, nếu không có người dân giúp đỡ kể cả họ phải hy sinh để bảo vệ, thì tôi khó có thể hoàn thành được nhiệm vụ.
Nâng cao tinh thần tự túc lương thực
Trong cuộc đời có nhiều kỷ niệm, kỷ niệm nào cũng có những nét riêng không thể nào quên. Tuy đến nay đã nửa thế kỷ trôi đi nhưng tôi vẫn cứ hình dung như vừa mới hôm qua. Đó là việc tổ chức lực lượng vũ trang Vùng mỏ chi viện cho chiến trường miền Nam và việc cung cấp lương thực (gạo) cho nhân dân, công nhân Vùng mỏ là hai việc đến bây giờ tôi không thể hình dung vì sao hồi đó lại được thực hiện rất tốt.
Trong khi khó khăn vô cùng thì lại ló ra cái khôn. Trước hết xin nói về “mặt gạo”. Quảng Ninh chúng ta chủ yếu là phải mua gạo ở các tỉnh và chi viện của Trung ương, nhưng một lần nữa khó khăn về lương thực của tỉnh ta lại được giải quyết nhờ vào tinh thần sản xuất tự túc của nhân dân, nhất là nhân dân Đông Triều, Bình Liêu, Tiên Yên, Quảng Hà, Móng Cái, kết hợp với đẩy mạnh sản xuất lương thực, chăn nuôi, trồng rau, củ, quả. Vì vậy chúng ta đã bù đắp phần thiếu hụt, có lương thực phục vụ nhân dân, công nhân để giữ vững mặt trận sản xuất và chiến đấu. Cùng với đẩy mạnh sản xuất về lương thực với chủ trương phát huy lợi thế về biển, mặc dù trong thời kỳ chiến tranh ác liệt, nhưng nghề đánh bắt cá và hải sản vẫn được quan tâm, chăm lo. Vì vậy, chúng ta có thêm một nguồn thực phẩm, không những bán cho nhân dân trong tỉnh, mà còn tổ chức chế biến để phục vụ nhân dân các tỉnh lân cận, góp phần tăng nguồn thu để chúng ta có thêm tiền mua và trao đổi gạo, ngô về cho nhân dân trong tỉnh.
Tự hào Binh đoàn Than
Ngày 17/7/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập tự do! Đến ngày thắng lợi nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.
Với cương vị là Phó Chủ tịch Thường trực, tôi được phân công trực tiếp làm việc với các đơn vị của Mỏ than Hòn Gai, Cẩm Phả để tổ chức lực lượng công nhân nhập ngũ. Có một chi tiết rất đáng để nhớ, đó là khi quân số đã đầy đủ chuẩn bị cho việc xuất quân thì có một vấn đề đặt ra là nên gọi là Trung đoàn Than, hay Sư đoàn Than. Cuối cùng để bí mật về quân số, tôi có đề xuất nên gọi là Binh đoàn Than. Vì tên gọi là binh đoàn cũng chưa có tiền lệ, cũng không như trung đoàn, hay sư đoàn được biên chế số quân, số trung đội, đại đội, tiểu đoàn..., nhưng binh đoàn thì lần đầu mới xuất hiện trong lực lượng vũ trang mà Quảng Ninh chúng ta có thể mãi mãi về sau không có binh đoàn thứ hai, chỉ có duy nhất đó là Binh đoàn Than. Tháng 7/1967 chúng ta tổ chức lễ xuất binh vào chiến trường miền Nam đánh Mỹ.
Tại chiến trường, Binh đoàn Than - những con em công nhân Vùng mỏ đã chiến đấu rất anh dũng, lập được nhiều chiến công xuất sắc, trong đó có 112 người đã được phong tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, như: Vi Quang An, Lê Thanh Kiêm, Đỗ Ngọ, là những chiến sĩ được phong tặng danh hiệu ngay từ những trận chiến đấu đầu tiên. Điều đặc biệt là làm cho kẻ địch vừa không rõ quân số của Binh đoàn Than, chỉ nghe tên chúng đã khiếp sợ, hoang mang trước sự mưu trí, tài giỏi, dũng cảm của các chiến sĩ Binh đoàn Than. Vì sao các chiến sĩ của Binh đoàn Than lại có được tinh thần, ý chí và lòng dũng cảm, chiến đấu rất gan dạ, nhưng cũng rất sáng tạo? Câu trả lời đó là: Họ đã được sinh ra và lớn lên, được rèn luyện trong môi trường lao động có kỷ luật, có kỹ thuật, họ là những người thợ có học thức lại được kế thừa truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm”, họ là những công nhân ưu tú tình nguyện ra nhập ngũ vào miền Nam đánh Mỹ. Trước một cao trào sục sôi khí thế đánh Mỹ và thắng Mỹ của đồng bào và chiến sĩ cả nước, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của đất nước chính là yếu tố tạo nên sức mạnh cho các chiến sĩ Binh đoàn Than. Có lẽ lịch sử chống giặc Mỹ ở thời đại Hồ Chí Minh nói chung và lịch sử của quân đội nhân dân sẽ ghi một mốc son về sự sáng tạo và nghệ thuật, về việc hình thành Binh đoàn Than trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Xây dựng lực lượng công an
Hồi đó Bộ Công an do đồng chí Trần Quốc Hoàn làm Bộ trưởng. Thực hiện chủ trương của Trung ương, Bộ Công an có thống nhất với tỉnh Quảng Ninh, khi đào tạo các chiến sĩ công an thì gửi về Quảng Ninh để công tác. Các đồng chí này được phân công về các địa bàn để làm nhiệm vụ, trải nghiệm thực tế và được rèn luyện, thử thách trong các môi trường công tác, được nhân dân giúp thêm có nhiều kinh nghiệm. Qua đó chúng ta đào tạo và tuyển chọn được những đồng chí xuất sắc, có bản lĩnh và có sự tích lũy kinh nghiệm để cử vào miền Nam, thâm nhập vào các vùng do địch kiểm soát để hoạt động. Các chiến sĩ công an do ta đào tạo đã có mặt ở nhiều nơi. Từ thành phố đến nông thôn, các vùng địch chiếm đóng, gây dựng các cơ sở, nắm bắt các tình hình và tổ chức cho nhân dân đấu tranh, có thể nói đã góp phần không nhỏ vào chiến thắng đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam và thống nhất đất nước.
Chúng ta đã đào tạo được một đội ngũ các cán bộ chiến sĩ trong ngành Công an làm nòng cốt trong việc xây dựng lực lượng những năm sau này. Bây giờ khi mà đất nước ta đã giành độc lập, Tổ quốc, giang sơn đã thu về trọn vẹn, mỗi khi nhìn thấy các chiến sĩ công an nhân dân của ta, mỗi khi được gặp lại một vài đồng chí đã không sợ gian khổ, chấp nhận hy sinh để cho độc lập, lòng tôi không khỏi bồi hồi xúc động. Nhiều đồng chí mãi mãi ra đi, nhưng họ vẫn sống mãi trong lòng dân tộc Việt Nam… Tôi mong các bạn, những chiến sĩ trong ngành Công an nói riêng, các cán bộ, đảng viên, công chức hãy sống và lao động, học tập, rèn luyện phẩm chất đạo đức để trở thành người “Công bộc” như Bác Hồ đã căn dặn.
Quảng Ninh của chúng ta…
Vào tháng 10/1964, tôi được phân công là Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh (bây giờ gọi là Chủ tịch UBND tỉnh), làm đến tháng 5/1980. Với một thời gian dài, đan xen rất nhiều sự kiện diễn ra trong tỉnh, trong vòng trên 10 năm là người đứng đầu cơ quan Ủy ban Hành chính và UBND tỉnh, những sự kiện đáng nhớ, đáng ghi nhận là vô cùng phong phú, tôi không thể nói hết sự đùm bọc thương yêu của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh đã giúp đỡ tôi, động viên tôi, chia sẻ với tôi trong quá trình công tác. Tôi có thể nói như thế nào đây khi bây giờ đã ở cái tuổi rất xưa nay hiếm gần 100 tuổi. Tôi chỉ có thể khái quát ở thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước giành toàn thắng trong mùa xuân 1975 và tiến hành công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN, thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Nếu tính từ 1960 đến 1980 với thời gian 20 năm thì tỉnh Quảng Ninh của chúng ta đã phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, anh dũng trong đấu tranh chống Mỹ, cần cù sáng tạo trong lao động, phát huy tiềm năng lợi thế để đẩy mạnh việc phát triển kinh tế một cách đồng bộ và hiệu quả, vững chắc; với nhiều mô hình mới, cách làm mới được tổ chức. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày một được nâng cao, tình hình chính trị được ổn định, an ninh quốc phòng được giữ vững. Quảng Ninh đã tạo cho mình một vị thế mới trong tiến trình đổi mới, mở cửa, hội nhập của đất nước.
Hoàng Nhi (Tổng hợp)
Liên kết website
Ý kiến ()