Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:52 (GMT +7)
Quảng Ninh trong giai đoạn trước khi có Đảng
Chủ nhật, 09/07/2023 | 08:26:48 [GMT +7] A A
Sau khi xâm chiếm Bắc Kỳ và áp đặt cai trị lên toàn cõi Việt Nam, tháng 12/1906, Toàn quyền Đông Dương là Jean Baptiste Paul Beau ký ban hành nghị định về việc thành lập tỉnh Hải Ninh trên cơ sở tách toàn bộ phủ Hải Ninh, gồm ba châu: Hà Cối, Móng Cái, Tiên Yên của tỉnh Quảng Yên. Tỉnh lỵ đặt tại Móng Cái. Công sứ Pháp (đại diện người Pháp cai trị một tỉnh) đầu tiên ở tỉnh Hải Ninh là G. Fargeas (1906-1910).
Tháng 12/1912, tỉnh Hải Ninh bị xóa bỏ để thành lập đạo Quan binh thứ nhất Hải Ninh, gồm ba châu Hà Cối, Móng Cái, Tiên Yên. Đến năm 1919, một châu mới được thành lập, lấy tên là Bình Liêu, do tách hai tổng từ châu Tiên Yên. Sau này người Pháp lại bỏ đạo Quan binh, tỉnh Hải Ninh được tái lập.
Tỉnh Quảng Yên giữ nguyên với các địa phương còn lại gồm các huyện Yên Hưng, Hoành Bồ và Nghiêu Phong. Vùng Đông Triều thời gian này vẫn thuộc khu vực hành chính Hải Dương.
Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, hưởng ứng chiếu Cần Vương, trên khu vực tỉnh Quảng Ninh ngày nay cũng đã nổ ra nhiều cuộc khởi nghĩa chống Pháp. Tại Móng Cái, năm 1885 đã nổ ra cuộc khởi nghĩa của một tổ chức quần chúng có tên Thiên Địa hội. Đêm 24/11/1885, nghĩa quân Thiên Địa hội đã tấn công thành Móng Cái, tiêu diệt hơn 20 lính Pháp. Trong suốt 10 năm, dù đã điều thêm nhiều quân ra Móng Cái, nhưng hoạt động của nghĩa quân Thiên Địa hội khiến cho quan quân Pháp mất ăn, mất ngủ.
Tại Đông Triều, từ năm 1883 nổi lên cuộc đấu tranh của quân và dân Đông Triều do Đốc Tít lãnh đạo. Năm 1885, số lượng nghĩa quân lên tới 600 người. Giữa năm 1886, với hơn 1.100 nghĩa quân, Đốc Tít đã chỉ huy mở cuộc tấn công vào đồn Đông Triều, sau đó đánh phá các huyện Hiệp Sơn và Chí Linh (nay thuộc Bắc Giang, Hải Dương).
Tháng 9/1888, nghĩa quân Đốc Tít đã tấn công đồn Uông Bí. Hoạt động của nghĩa quân ngày càng gây cho quân Pháp nỗi kinh hoàng khiến Tổng đốc Hải Dương là Hoàng Cao Khải đã theo lệnh quân Pháp đem hơn 1.500 quân tấn công nghĩa quân. Tháng 8/1989, Đốc Tít buộc phải giải tán nghĩa quân, lánh về vùng Quảng Yên rồi ông bị Pháp bắt, đày đi Angeri.
Sau khi Đốc Tít thất bại, tại vùng Đông Triều - Phả Lại tiếp tục nổi lên cuộc khởi nghĩa của Lưu Kỳ. Trong vòng mấy năm liền, quân Pháp phải tốn rất nhiều công sức, tiền của và sinh mạng mới có thể làm nghĩa quân hao tổn, tan rã.
Các cuộc khởi nghĩa của Đốc Tít, Lưu Kỳ đã tạo điều kiện thuận lợi cho phong trào chống Pháp phát triển mạnh ở Đông Triều và các vùng lân cận. Mặc dù không thành công nhưng các cuộc khởi nghĩa đã thể hiện lòng yêu nước, sự căm thù giặc sâu sắc của nhân dân Đông Triều, là nền tảng cho sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc sau này dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Cùng các cuộc khởi nghĩa trên, công nhân các mỏ ở Hòn Gai, Đồng Đăng, Tràng Bạch, Mạo Khê… đều chịu ảnh hưởng hoặc trực tiếp tham gia vào lực lượng nghĩa quân. Năm 1906, anh em thợ mới ở Hà Tu đấu tranh không chịu đi làm vì bọn cai cắt xén tiền ăn. Năm 1914, công nhân mỏ Đèo Nai phản đối việc phát thiếu tiền công, thiếu gạo, thực phẩm bán quá đắt. Năm 1916, 100 công nhân xe lửa Hà Tu đã tập trung đánh lại bọn lính khố xanh do chòng ghẹo, hãm hiếp vợ con thợ mỏ…
Dù hoạt động lẻ tẻ, từng cá nhân hay nhóm người nhưng có thể nói việc thợ mỏ Quảng Ninh tham gia vào các cuộc khởi nghĩa nhân dân hay phản kháng lại áp bức cai trị của chủ mỏ và thực dân Pháp là hành động nổi bật, là đặc điểm chủ yếu của phong trào công nhân Vùng mỏ Quảng Ninh thời kỳ đầu. Ý thức dân tộc, chủ nghĩa yêu nước chân chính là tư tưởng tiến bộ nhất lúc này, cũng chính là ý thức tư tưởng chủ đạo của phong trào công nhân Việt Nam nói chung, công nhân mỏ Quảng Ninh nói riêng. Dần dần, cùng với sự phát triển về số lượng, thông qua cuộc đấu tranh quyết liệt với kẻ thù, người thợ mỏ Quảng Ninh cũng ngày càng trưởng thành về chất lượng, sớm đi đến chủ nghĩa Mác-Lênin để rồi có một chính đảng của mình.
Trần Minh
Liên kết website
Ý kiến ()