Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 02:36 (GMT +7)
Nền tảng vững chắc cho những bước phát triển tiếp theo
Thứ 3, 03/01/2023 | 08:29:52 [GMT +7] A A
Khép lại năm 2022, Quảng Ninh đã hoàn thành các mục tiêu của chương trình xây dựng NTM, từ đó tạo tiền đề quan trọng cho xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh trong năm 2023 và những năm tiếp theo. Đây là thành quả khẳng định công tác chỉ đạo sát sao, cách làm sáng tạo cùng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị.
Đồng bộ các giải pháp
Nhằm hoàn thành mục tiêu đã đề ra, năm 2022, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo xây dựng kế hoạch để triển khai kịp thời, bài bản, khoa học các nội dung xây dựng NTM gắn với Nghị quyết 06-NQ/TU của Tỉnh ủy ngày 17/5/2021 về phát triển bền vững KT-XH gắn với đảm bảo vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, xác định rõ trách nhiệm của sở, ngành và địa phương, nhất là người đứng đầu trong việc lãnh đạo, tổ chức, thực hiện.
Tỉnh ủy đã ban hành các nghị quyết, làm việc với các địa phương, thường xuyên cho ý kiến chỉ đạo đối với việc triển khai xây dựng NTM. HĐND tỉnh kịp thời ban hành các nghị quyết hỗ trợ, thông qua chính sách liên quan đến xây dựng NTM, khảo sát thực hiện tại một số địa phương. UBND tỉnh kiện toàn Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2021-2025 gắn với thực hiện Nghị quyết 06, tham mưu phân công các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ trực tiếp phụ trách chỉ đạo, đôn đốc địa phương thực hiện, họp kiểm điểm tiến độ…
Bên cạnh đó, tỉnh đã ban hành Bộ tiêu chí xây dựng NTM các cấp giai đoạn 2021-2025 thuộc thẩm quyền của địa phương được Thủ tướng Chính phủ giao. Đồng thời, ban hành một số chính sách như: Hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2027, hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên đang học tại cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh… từ đó, tạo nền tảng quan trọng trong việc triển khai chương trình xây dựng NTM.
Từ tỉnh đến các địa phương đã tích cực phổ biến, vận động, tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm huy động các nguồn lực xây dựng NTM. Đồng thời, phát động phong trào thi đua “Quảng Ninh chung sức xây dựng NTM gắn với thực hiện thắng lợi Nghị quyết 06-NQ/TU của Tỉnh ủy”. Qua đó, năm 2022, tổng nguồn lực huy động thực hiện xây dựng NTM đạt khoảng 28.960 tỷ đồng, trong đó, ngân sách nhà nước là 2.103 tỷ đồng, chiếm 7,26%; ngân sách lồng ghép là 964,6 tỷ đồng, chiếm 3,33%; ngoài ngân sách là 25.892 tỷ đồng, chiếm 89,4%. Đáng chú ý, tỉnh đã huy động được đa dạng các nguồn lực hỗ trợ kinh phí, vật liệu, ngày công để xây dựng 322 ngôi nhà và 1.312 nhà tiêu hợp vệ sinh tại hai địa phương miền núi là Ba Chẽ và Bình Liêu.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, làm việc với các địa phương rà soát tiêu chí cần hoàn thành, tiến độ thực hiện, việc quản lý và sử dụng nguồn vốn… từ đó có giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, ban hành quyết định công nhận kịp thời.
Những kết quả tích cực
Với sự quyết tâm, sáng tạo, nỗ lực, kết thúc năm 2022, chương trình xây dựng NTM của Quảng Ninh đã đạt được những kết quả tích cực, hoàn thành kế hoạch đề ra, tạo nên những bước tiến mới trong việc nâng cao đời sống nhân dân. Toàn tỉnh có thêm 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao là xã Quảng Nghĩa (TP Móng Cái), xã Cái Chiên (huyện Hải Hà), xã Húc Động (huyện Bình Liêu), xã Quảng Tân (TX Quảng Yên); 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu là xã Quảng Long (huyện Hải Hà), xã Hồng Thái Đông và Nguyễn Huệ (TX Đông Triều).
Hai địa phương là TP Hạ Long và huyện Vân Đồn đang đề nghị Hội đồng thẩm định Trung ương thẩm định báo cáo trình Chính phủ công nhận. Các huyện Bình Liêu, Ba Chẽ, Đầm Hà, Tiên Yên đang rà soát, hoàn thiện hồ sơ, trình UBND thẩm tra, báo cáo Hội đồng thẩm định Trung ương thẩm định trong quý I/2023.
Đến nay, tỉnh đã cơ bản đạt 7/8 nội dung theo bộ tiêu chí quốc gia tỉnh, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025. Trong đó, hiện toàn tỉnh có 7/7 huyện đã cơ bản hoàn thành tiêu chí đạt chuẩn NTM, 6/6 thị xã, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, 2/7 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM nâng cao, 54/98 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, ban hành đề án thực hiện chương trình xây dựng NTM Quảng Ninh đến năm 2025, 1.141/1.497km đường huyện, tỉnh, quốc lộ được trồng cây xanh dọc tuyến, đất cây xanh sử dụng công cộng đạt 4m2/người.
Riêng nội dung “Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý" đạt từ 90% trở lên, Quảng Ninh sẽ hoàn thành trong quá trình lập hồ sơ công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Nhằm thúc đẩy sản xuất, đến nay toàn tỉnh có 430 HTX nông nghiệp tổng hợp, tăng 20 HTX so với năm 2021, trong đó, 31 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khoa học kỹ thuật tiên tiến như: HTX Dịch vụ và thương mại sản xuất kinh doanh Thành Lợi (TX Quảng Yên), HTX Nông nghiệp Hương Việt (TP Uông Bí)… Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 119 tổ hợp tác, 2 liên hiệp HTX, 230 trang trại.
Toàn tỉnh đã có 566 sản phẩm tham gia chương trình OCOP, trong đó 267 sản phẩm được xếp hạng từ 3-5 sao.
Xác định phát triển lâm nghiệp bền vững có vai trò quan trọng ở khu vực nông thôn, tỉnh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp cho nhiệm vụ này. Qua đó, đến hết năm 2022, toàn tỉnh đã trồng mới 2.150ha cây lim, giổi, lát.
Với các giải pháp cụ thể, phù hợp, hiệu quả, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đã đạt 54,5 triệu đồng/người/năm, tăng 3,5% so với năm 2021. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 0,11%, giảm 0,3% so với năm 2021.
Những kết quả tỉnh đã đạt được của chương trình xây dựng NTM năm 2022 là thành quả của nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong nhiều năm qua. Đây là tiền đề quan trọng để tỉnh tiếp tục chỉ đạo, triển khai, thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng NTM gắn với Nghị quyết 06 trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()