Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 12:55 (GMT +7)
Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu các chỉ số PAR INDEX và SIPAS
Thứ 5, 24/06/2021 | 18:26:32 [GMT +7] A A
Chiều 24/6, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc công bố Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2020 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2020 (SIPAS).
Đồng chí Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ dự và chỉ đạo hội nghị. Dự tại điểm cầu Quảng Ninh có đồng chí Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng đại diện các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh.
Theo kết quả công bố tại hội nghị, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng PAR INDEX 2020. Đây là năm thứ 4 liên tiếp Quảng Ninh giành được vị trí này. Đồng thời, tỉnh cũng xuất sắc đứng đầu bảng xếp hạng SIPAS năm thứ 2 liên tiếp.
Theo đó, Quảng Ninh đứng đầu bảng xếp hạng PAR INDEX năm 2020 với 91,04 điểm trên thang điểm 100. Trong đó, điểm thẩm định đạt 57,16 điểm, điểm điều tra xã hội học đạt 33,39 điểm. Các vị trí tiếp theo trong bảng xếp hạng là Hải Phòng (90,51 điểm), Thừa Thiên Huế (88,47 điểm). Ngân Hàng nhà nước Việt Nam đứng nhất về chỉ số PAR INDEX cấp bộ, cơ quan ngang bộ với 95,88 điểm. Xếp vị trí thứ 2 và 3 lần lượt là: Bộ Tài chính (94,84 điểm); Bộ Tư pháp (94,02 điểm).
Đối với chỉ số SIPAS năm 2020, tỉnh Quảng Ninh đạt 95,76% mức độ hài lòng, đứng thứ nhất toàn quốc. Chỉ số SIPAS là một trong 3 chỉ số thành phần để đánh giá điểm tác động của cải cách hành chính do Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam thực hiện khảo sát điều tra xã hội học dưới sự giám sát của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, tỉnh Quảng Ninh luôn xác định nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên là cải cách hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả chỉ đạo điều hành; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; lấy mục tiêu tăng cường niềm tin và nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ, chất lượng điều hành của cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến các cấp cơ sở.
Quảng Ninh tập trung triển khai quyết liệt những nhiệm vụ, giải pháp dựa trên các trụ cột chính. Trong đó, chủ động, quyết liệt thực hiện sắp xếp tổ chức, bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, với phương châm kết hợp “làm từ trên xuống”, “làm từ dưới lên”, “làm đồng thời”; loại bỏ thủ tục rườm rà, thành phần hồ sơ không cần thiết, không hợp lý, cắt giảm mạnh các mẫu đơn, tờ khai có nội dung trùng lặp thuộc thẩm quyền quản lý, giải quyết của tỉnh. Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước hiện đại hóa nền hành chính, phát huy hiệu quả chính quyền điện tử, hướng tới xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, xây dựng thành phố thông minh, với mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày một tốt hơn.
Đồng chí cũng nhấn mạnh, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đặt ra chỉ tiêu: Hằng năm, giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về các chỉ số PCI, PAR INDEX, SIPAS, PAPI. Đây chính là sự cam kết, đồng hành của cả hệ thống chính trị tỉnh Quảng Ninh với người dân, nhà đầu tư và doanh nghiệp về xây dựng một chính quyền phục vụ, do nhân dân, vì nhân dân, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đồng thời, trở thành nội dung có tính chất bắt buộc với cả hệ thống bộ máy chính trị toàn tỉnh trong thực thi công vụ.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu, căn cứ kết quả các chỉ số PAR INDEX và SIPAS năm 2020, người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp từ Trung ương đến địa phương tiếp tục có những biện pháp, giải pháp mới đột phá, phù hợp, nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công; trực tiếp chịu trách nhiệm trước kết quả cải cách hành chính thuộc phạm vi quản lý.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khơi thông nguồn lực, tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, thông thoáng và thuận lợi. Khẩn trương hoàn thiện thể chế về kinh doanh và cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển lành mạnh; giảm chi phí không chính thức, tăng cường công khai, minh bạch và phòng chống tham nhũng.
Tập trung đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hơn nữa hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Đồng thời, xây dựng hoàn thiện chính sách pháp luật về tổ chức, bộ máy hành chính nhà nước, đẩy mạnh nghiên cứu, thí điểm một số mô hình mới về thu gọn tổ chức, bộ máy, gắn với thực hiện chính sách tinh giản biên chế; tăng cường đổi mới, cải tiến phương thức làm việc, nhằm nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước các cấp.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, nhằm thúc đẩy hoàn thành xây dựng Chính phủ điện tử và Chính phủ số, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước các cấp, cũng như chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp.
Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện nhanh, quyết liệt, thực chất hơn việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục, điều kiện kinh doanh; đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ các thủ tục hành chính thiết yếu cho người dân, doanh nghiệp cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19, khơi thông nguồn lực kinh tế. Đồng chí đề nghị các bộ, ngành, địa phương bắt tay ngay vào triển khai thực hiện nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, đảm bảo thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế.
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()