Tất cả chuyên mục

Ngày 15/4/2025, tại Lễ công bố Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2024, Quảng Ninh một lần nữa khẳng định vị thế dẫn đầu trong cả nước khi đạt vị trí quán quân với tổng điểm 47,82. Đây là năm thứ ba Quảng Ninh đạt được thành tích này sau các năm 2020 và 2022. Kết quả đó không chỉ là minh chứng cho hiệu quả điều hành, năng lực quản trị, mà còn thể hiện sự đồng thuận sâu sắc giữa chính quyền và người dân, nơi sự hài lòng của nhân dân chính là thước đo cao nhất cho chất lượng quản trị và hành chính công của tỉnh.
PAPI là chỉ số được xây dựng dựa trên phản hồi của gần 19.000 người dân từ 63 tỉnh, thành trong cả nước, phản ánh trải nghiệm thực tế về mức độ hiệu quả của chính quyền trong điều hành, cung ứng dịch vụ và thực thi chính sách. Năm 2024, Quảng Ninh dẫn đầu toàn quốc với điểm trung bình 47,82/80 điểm, vượt xa mức trung bình cả nước là 41,43 điểm. Đáng chú ý, Quảng Ninh có tới 7/8 trục nội dung nằm trong nhóm điểm cao nhất toàn quốc, bao gồm: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở (5,43 điểm), công khai, minh bạch (6,52 điểm), trách nhiệm giải trình với người dân (5,09 điểm), kiểm soát tham nhũng trong khu vực công (7,36 điểm), thủ tục hành chính công (7,66 điểm), cung ứng dịch vụ công (8,42 điểm, cao nhất cả nước) và quản trị điện tử (4,08 điểm).
Một trong những yếu tố góp phần quan trọng vào thành công này chính là sự nhất quán trong phương châm hành động của tỉnh: “Lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể, làm đối tượng phục vụ”. Triết lý quản trị ấy không dừng lại ở khẩu hiệu mà được hiện thực hóa bằng hàng loạt chính sách và mô hình cụ thể, được triển khai đồng bộ, liên tục ở tất cả các cấp chính quyền.
Trước hết, Quảng Ninh là địa phương tiên phong trong thực hiện dân chủ cơ sở và phát huy vai trò người dân trong giám sát, phản biện chính sách. Với 5,43 điểm ở trục “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở”, tỉnh được đánh giá cao về việc tổ chức tiếp xúc cử tri định kỳ, lấy ý kiến nhân dân về kế hoạch phát triển, quy hoạch sử dụng đất, xây dựng nông thôn mới. Nhiều địa phương như Uông Bí, Móng Cái, Quảng Yên đã triển khai mô hình “Diễn đàn nhân dân góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”, “Ngày hội Đại đoàn kết” gắn với lắng nghe, đối thoại và giải trình công khai. Người dân không chỉ được biết, được bàn mà còn được phản ánh, giám sát và tham gia vào quá trình thực hiện các chương trình phát triển tại địa phương mình.
Trụ cột “Công khai, minh bạch” đạt 6,52 điểm, đứng trong nhóm cao nhất toàn quốc. Đây là kết quả của quá trình kiên trì xây dựng hệ thống công khai thông tin đa kênh từ niêm yết tại trụ sở UBND xã, phường, đến nền tảng Cổng thông tin điện tử tỉnh và các kênh truyền thông chính thống. Những nội dung như dự toán - quyết toán ngân sách, quy hoạch sử dụng đất, danh sách hộ nghèo, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội được công khai định kỳ và có tính cập nhật cao.
Điển hình như tại TP Hạ Long, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung thành phố đến năm 2040, chính quyền đã tổ chức hội nghị công bố quy hoạch tới toàn bộ xã, phường bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, đồng thời công khai đầy đủ tài liệu trên hệ thống thông tin điện tử. Cách làm này không chỉ minh bạch hóa quy trình ra quyết định mà còn khuyến khích người dân chủ động tìm hiểu, góp ý, phản biện.
Chỉ số “Trách nhiệm giải trình với người dân” của Quảng Ninh đạt 5,09 điểm - một trong những mức cao nhất cả nước. Khảo sát cho thấy, 71% người dân cảm thấy dễ dàng gặp gỡ trưởng thôn hoặc tổ trưởng tổ dân phố khi có vấn đề phát sinh; 64% có thể tiếp xúc với cán bộ UBND cấp xã; 55% tin tưởng vào khả năng giải quyết tranh chấp của chính quyền cơ sở. Những con số này không chỉ phản ánh chất lượng cán bộ mà còn thể hiện rõ văn hóa hành chính gần dân, trọng dân mà Quảng Ninh đã dày công xây dựng. Các buổi tiếp dân định kỳ được tổ chức nghiêm túc, trong đó người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trực tiếp lắng nghe và cam kết giải quyết thấu đáo các vấn đề được phản ánh.
Trong lĩnh vực cải cách hành chính - 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược, Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu khi đạt 7,66 điểm ở trục “Thủ tục hành chính công”. Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, đồng thời triển khai mô hình này đến tất cả các huyện, thị xã, thành phố. Việc số hóa, đơn giản hóa quy trình, kết nối liên thông dữ liệu giữa các ngành, lĩnh vực đã giúp giảm mạnh thời gian, chi phí thực hiện thủ tục hành chính. Tính đến năm 2024, đã có 94% hồ sơ được giải quyết đúng hạn hoặc sớm hơn, 92% người dân đánh giá cán bộ nhiệt tình, hướng dẫn đầy đủ, chuyên nghiệp. Nhiều mô hình mới, cách làm hay của Quảng Ninh trong nhiệm vụ tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân đã trở thành điểm nhấn tiêu biểu, được nhiều địa phương khác học tập.
Nổi bật hơn cả là trục “Cung ứng dịch vụ công” - lĩnh vực Quảng Ninh đứng đầu cả nước với 8,42 điểm. Tỉnh không chỉ đầu tư vào cơ sở hạ tầng, thiết bị mà còn chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ, chuẩn hóa quy trình và tăng cường giám sát độc lập. Trong lĩnh vực giáo dục, 90% người dân hài lòng với trường tiểu học công lập, phần lớn học sinh được học trong điều kiện lớp học kiên cố, đầy đủ thiết bị. Tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ 100% học phí cho học sinh mầm non và phổ thông cả ở hệ công lập và tư thục, đồng thời triển khai cơ chế trợ cấp cho con em công nhân trong các khu công nghiệp - một chính sách nhân văn hiếm có trong cả nước.
Ở lĩnh vực y tế, 88% người dân đánh giá tốt về chất lượng bệnh viện tuyến huyện. Tỉnh hiện có 14,85 bác sĩ, 2,6 dược sĩ và 55 giường bệnh trên mỗi vạn dân, cao hơn nhiều tỉnh, thành phố lớn. 100% trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia; 80% kỹ thuật tuyến trên được làm chủ tại tuyến huyện; tỷ lệ chuyển tuyến chỉ còn 0,85%. Đó là kết quả của hàng loạt chương trình đầu tư đồng bộ về hạ tầng y tế, đào tạo nhân lực và cơ chế khuyến khích bác sĩ trẻ về công tác tại vùng khó khăn.
Ngoài ra, chất lượng dịch vụ công ích cũng được cải thiện rõ rệt. Theo Chỉ số PAPI 2024, 76% người dân đánh giá hệ thống đường giao thông khu dân cư ở mức tốt; 81% hài lòng với dịch vụ thu gom rác thải. Đây là thành quả từ việc huy động xã hội hóa, phân cấp quản lý và giám sát minh bạch trong hoạt động cung ứng dịch vụ.
Chỉ số “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” của Quảng Ninh đạt 7,36 điểm - xếp nhóm cao nhất toàn quốc. Tỷ lệ người dân phải “chung chi” khi làm thủ tục đất đai chỉ ở mức 8%, thấp hơn rất nhiều so với trung bình cả nước là 17%. Số người cho rằng cần “quan hệ cá nhân” để xin được việc trong khu vực công chỉ ở mức 39% (trung bình cả nước là 48%). Những con số này phản ánh quyết tâm chính trị của tỉnh trong xây dựng bộ máy “liêm chính, hành động”, nơi mọi hành vi tiêu cực đều bị phát hiện và xử lý nghiêm minh. Quảng Ninh đã công khai toàn bộ quy trình tuyển dụng công chức, viên chức, đưa đánh giá hiệu quả công việc vào tiêu chí xét thi đua, khen thưởng và bổ nhiệm cán bộ.
Trục “Quản trị điện tử” đạt 4,08 điểm - cao hơn mức trung bình toàn quốc (3,51 điểm), khẳng định hiệu quả chuyển đổi số toàn diện mà tỉnh đã triển khai. Tỷ lệ người dân sử dụng Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh lên tới 41%, cho thấy sự thân thiện, hiệu quả và dễ tiếp cận của nền tảng số. Tỉnh đã tích hợp dữ liệu dân cư, tài nguyên, đầu tư, lao động vào hệ thống quản lý tập trung, cho phép xử lý nhanh, liên thông nhiều loại thủ tục.
Tuy nhiên, trục “Quản trị môi trường” vẫn là điểm cần cải thiện khi chỉ đạt 3,26 điểm, nằm trong nhóm trung bình cao. Mặc dù tỉnh đã có nhiều chính sách về xử lý chất thải, giám sát môi trường và nâng cao chất lượng nước sinh hoạt, nhưng tỷ lệ người dân hài lòng với nước sạch chỉ ở mức 66% và 59% không phải thường xuyên đeo khẩu trang để chống ô nhiễm không khí. Đây là lời nhắc nhở quan trọng để tỉnh tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm môi trường, đặc biệt ở các khu công nghiệp, đô thị ven biển và khu vực khai thác khoáng sản.
Trên cơ sở kết quả PAPI 2024, Quảng Ninh xác định các nhóm giải pháp trọng tâm cho giai đoạn tiếp theo. Thứ nhất là đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là phân cấp thực chất đi đôi với trách nhiệm giải trình. Thứ hai là tiếp tục số hóa dịch vụ công, đảm bảo dễ tiếp cận cho người dân ở mọi vùng miền. Thứ ba là tăng cường cơ chế giám sát, phản hồi từ người dân, xây dựng nền hành chính thực sự phục vụ. Thứ tư là chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức theo hướng chuyên nghiệp, đạo đức và gần dân. Chỉ số PAPI là công cụ khách quan, phản ánh chân thực tiếng nói và kỳ vọng của người dân đối với chính quyền.
Việc Quảng Ninh liên tục giữ vững vị trí dẫn đầu không chỉ là kết quả của hành động quyết liệt, sáng tạo và nhất quán, mà còn là minh chứng rõ ràng cho sự đồng thuận giữa Đảng, chính quyền và nhân dân. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để tỉnh tiếp tục hành trình xây dựng chính quyền kiến tạo - phục vụ, hướng tới mục tiêu trở thành tỉnh kiểu mẫu, hiện đại, văn minh và đáng sống bậc nhất cả nước.
Ý kiến ()