Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 16:40 (GMT +7)
Con đường kết nối những miền di sản
Thứ 2, 20/06/2022 | 11:12:59 [GMT +7] A A
Như một dải lụa vàng kết nối không gian xanh giữa Hạ Long và Cẩm Phả, con đường bao biển với tầm nhìn ấn tượng bao trọn kỳ quan, đã bắc cây cầu kết nối những cảnh quan thiên nhiên đặc sắc và tiềm năng du lịch phong phú của hai miền đất này.
Nhìn ra phía biển
Xưa kia, từ Hạ Long muốn qua Cẩm Phả bắt buộc phải đi đường đèo Bụt. Với nhiều người, chặng đường đi qua đèo Bụt là một cuộc hành trình gian nan, đầy ám ảnh. Nghe tên đèo thì có vẻ thật “hiền lành”, chả mấy ai nhớ. Nhưng nó đã từng là cái tên đèo gây sợ hãi cho cánh lái xe. Đến nỗi, cánh lái xe vẫn đọc cho nhau nghe câu ca rằng: “Nếu mà ghé đến Quang Hanh/ Xuống dốc Đèo Bụt, xin phanh từ từ”.
Đến mãi những năm 80 của thế kỷ trước, Quốc lộ 18A qua đèo Bụt vẫn còn đất đá lổn nhổn và bùn lầy nước đọng, đa phần chỉ có xe quân đội, thỉnh thoảng lắm mới có xe dân sự. Đèo Bụt lúc đó rất hoang vắng. Dân ở gần nhất cách đó 3km, phía đèo bên Quang Hanh chỉ toàn là nghĩa địa. Đường qua đèo hẹp chỉ có 6m. Dốc quanh co, cao ngất. Cây cối hai bên đường um tùm, cao qua đầu người.
Xe cộ ngày đó toàn là xe to tướng, ì ạch, phì phò leo dốc, uống xăng dầu như uống nước lã. Trên đèo Bụt lúc ấy xảy ra khá nhiều vụ tai nạn đổ xe, lật xe chết người vì dốc cao, xe cũ. Đã thế lại còn xảy ra vài vụ trấn lột, cướp xe khách, xe tải, có vụ chết người. Dọc đèo khá nhiều miếu thờ, mùng một hôm rằm nghi ngút hương khói.
Đỉnh đèo có một miếu thờ, là nơi dừng chân của các bác tài xe khách, xe hàng khi chạy qua. Họ dừng chân để thắp hương cầu may mắn cho cuộc hành trình. Ai cũng bảo miếu rất thiêng, nhưng không ai biết nguồn gốc cái miếu có từ bao giờ. Tôi nghĩ, ngoài việc thêu dệt nên huyền thoại Phật (Bụt) xuống trần ở chốn này, người đi đường còn tự trấn an mình khi gọi tên con đèo là Bụt bởi họ nhìn thấy một phiến đá trên đỉnh đèo có dáng hình Phật mặc áo cà sa.
Cái thời ấy đã lùi vào dĩ vãng khá lâu rồi. Đèo Bụt được mở rộng, hạ thấp độ cao và hiện nay nó chỉ còn là con dốc quá bình thường. Ở lưng dốc, phía Quang Hanh mọc lên một khu du lịch khá đẹp, còn dốc bên Hạ Long thì dân cư đã ở sát đỉnh đèo.
Nhà văn Vũ Thảo Ngọc kể rằng, cái thời chị công tác ở phố mỏ, từ quê hương Hải Dương qua đèo Bụt ra đến Cẩm Phả phải mất đến 4 tiếng đi xe ca lèn chặt. Đường thì xóc như xóc ốc. Chị say đến bí tỉ xuống xe phải ngồi chán ở vệ đường rồi mới về được mỏ. Chị bảo rằng chặng đường ấy biết bao thay đổi. Mỗi góc phố, mỗi con đường hay tầng than kia đã neo vào lịch sử mảnh đất này những câu chuyện mới, những khát vọng mới, một đô thị vùng lõi của than đen và biển bạc.
Cái khát vọng hướng biển ấy không phải bây giờ mới có mà được khơi nguồn từ trong truyền thuyết dân gian. Truyền thuyết về sự tích “rốn cô tiên” kể rằng một lần Phật tổ đi qua nơi đây, thấy phong cảnh hữu tình nên đã ngự lãm ở đèo Bụt. Để tỏ lòng thành kính với Phật tổ, 7 cô tiên đã lấy nước lành dâng lên ngài. Tuy nhiên, một cô làm vỡ chén ngọc nên bị phạt ở lại.
Thật kỳ lạ, sau đó tại đèo Bụt, người ta phát hiện một cái lỗ thông ra biển, dân làng đã thử thả quả bưởi, rải trấu xuống đó thì chỉ vài ngày sau lại thấy nó trôi ra cửa biển Hạ Long. Để tưởng nhớ các nàng tiên, người dân địa phương đã dựng một cái vọng thờ. Có người lý giải rằng, nơi đó là do cô tiên bị phạt đã xấu hổ nên đào lỗ chui ra biển.
Tôi cứ miên man suy tưởng: Tiên vốn ở trên rừng, rồng mới ưa biển cả. Nhưng ở xứ sở này, đến tiên còn hướng về phía biển huống hồ là con người. Điều đó còn chứng tỏ rằng ngoài kia biển hấp dẫn đến chừng nào. Quả thật, miền than vàng và biển bạc phía Bái Tử Long này vẫn còn biết bao điều kỳ vọng khác, còn nhiều những tiềm năng nội lực mà thành phố đã, đang và sẽ khai thác hiệu quả. Một thành phố sôi động không chỉ có than, bãi bờ đô thị ven Bái Tử Long đã thành chuỗi đô thị đẹp hiện đại mà không phải ở đâu cũng có được điều kiện tự nhiên như thế để mà xây dựng.
Khi con đường bao biển từ Hạ Long qua Cẩm Phả kết nối với Vân Đồn sẽ tạo ra sức hút cho sự phát triển kinh tế đô thị nhìn từ biển. Thành phố than không chỉ bám vào mỗi hòn than đã đi qua nhọc nhằn của đời thợ ngót thế kỷ. Và thế hệ hôm nay đã phát huy hết những tiềm năng vốn có ấy là phát triển kinh tế biển. Từ thành phố Cẩm Phả, tác giả Phạm Quang Tuấn viết bài thơ “Con đường hy vọng” có những câu đầy tự hào: “Dải lụa vàng Trời mang xuống Quảng Ninh/ Nối Hạ Long với quê mình Cẩm Phả/ Như dòng sông tỏa lan đi khắp ngả/ Chở phù sa, bừng sáng cả tương lai”.
"Đôi lứa xứng đôi"
Trải qua nhiều bước thăng trầm của lịch sử, tên gọi và địa giới của Hạ Long cũng như Cẩm Phả đã thay đổi nhiều lần nhưng luôn có mối quan hệ gắn bó khăng khít. Xưa kia, Cẩm Phả là một xã trong tổng Hà Môn, thuộc châu Tiên Yên, phủ Hải Đông, thừa tuyên An Bang.
Đến thời nhà Nguyễn, Cẩm Phả được tách khỏi châu Tiên Yên cùng với phần đất của Hạ Long ngày nay trở thành 2 tổng của huyện Hoành Bồ. Tổng Cẩm Phả thời đó gồm có cả 5 phố. Ngoài Núi Trọc, Ngã Hai, Mông Dương và Vạn Hoa thì còn có cả phố Hạ Lâm tức Hà Lầm của thành phố Hạ Long bây giờ. Từ phố Hạ Lâm thuộc Cẩm Phả thành thị trấn Hà Lầm, rồi phường Hà Lầm. Như thế, địa giới hành chính của Hòn Gai (tên cũ của Hạ Long) và Cẩm Phả xưa đã có sự đan xen, gắn bó mật thiết, khó tách bạch trong một không gian văn hóa mỏ.
Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, người Pháp đặt châu Cẩm Phả thuộc về tỉnh Quảng Yên; còn chúng ta đặt châu Cẩm Phả thuộc Đặc khu Hồng Gai. Lúc này, Cẩm Phả gồm cả phường Hùng Thắng của thành phố Hạ Long bây giờ. Sự gắn bó mật thiết này còn được thể hiện trong tâm thức dân gian. Không ai còn nhớ rõ cái câu “Gái Hòn - trai Cẩm” có tự bao giờ, chỉ biết câu thành ngữ này được truyền miệng từ những năm thuộc thập kỷ 60-70 của thế kỷ trước. Trai Cẩm Phả thời đó là những chàng công nhân khỏe mạnh, đi ủng, đội mũ lò, mặc quần áo bảo hộ làm việc trong mỏ hoặc lái xe bò, xe gấu trên tầng có năng suất lao động cao. Ngoài giờ lao động, hình ảnh quen thuộc của họ thường là áo sơ mi phanh ngực nhìn rất khỏe mạnh, vạm vỡ.
Ngược lại, con gái Hòn Gai thì lại xinh đẹp dịu dàng, đoan trang, kiểu "công, dung, ngôn, hạnh". Gái Hòn Gai cũng rất đảm đang trong chuyện nội trợ. Thoắt cái đã thấy các nàng xuống bến Lán Bè mua mớ cá hay vào chợ Loong Tòong bán mớ rau nhà trồng. Bởi thế, “gái Hòn - trai Cẩm” là cặp trời sinh, đất dưỡng. Họ sinh ra để thuộc về nhau, để “đôi lứa xứng đôi”.
Rộng rãi và đẹp đẽ như gấm vóc
Hạ Long và Cẩm Phả không phát triển trong sự đơn lẻ. Ngoài Quốc lộ 18, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, đường vành đai phía Bắc nối Vũ Oai với Quang Hanh, thì bây giờ đã có đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả dài 18,7km nối liền hai thành phố trung tâm của Quảng Ninh. Đây là trục đường bao biển với cảnh quan độc đáo, tạo ra sự kết nối về kinh tế, hướng đến phát triển du lịch, thương mại từ Hạ Long sang Cẩm Phả, mở ra không gian phát triển mới.
Việc có vị thế cửa ngõ, nằm giữa hai trung tâm du lịch - kinh tế trọng điểm của Quảng Ninh là Hạ Long và Vân Đồn sẽ giúp Cẩm Phả nhanh chóng phát triển. Đó là bệ phóng cho sự “cất cánh” của Cẩm Phả, bên cạnh các thành phố khác, cũng sẽ là động lực để Quảng Ninh “bay xa” rộng rãi hơn, quy mô hơn.
Điều này đã được cha ông ta gửi gắm ngay từ khi đặt tên cho Cẩm Phả. Người xưa gửi gắm vào cái tên Cẩm Phả những ý nghĩa sâu sắc, thâm thúy. Chữ “Phả” (còn đọc là “phổ” trong nghĩa của từ phổ biến) nghĩa là rộng rãi. Còn chữ “Cẩm” nghĩa là gấm vóc. Như thế, Cẩm Phả là vùng đất rộng rãi và đẹp đẽ như gấm vóc. Dạo bước trên con đường bao biển, du khách sẽ thấy Bái Tử Long rộng lớn thật. Vịnh nhấp nhô muôn trùng đảo nhỏ như những con rồng chầu vào Vùng than. Những hòn đảo đó có cấu tạo chủ yếu là đá vôi với những hang động kỳ thú nằm yên bình trên mặt biển xanh.
Vịnh Hạ Long là cõi Thiên Thai ở nơi trần thế. Còn Bái Tử Long là Hạ Long thu nhỏ với đủ các loại kỳ hoa dị thảo, thực vật đặc hữu, những loại thảo dược quý trên các vách đá vôi. Chả thế mà trong truyền thuyết dân gian, cha ông ta đã hình dung Vịnh Hạ Long là do rồng mẹ hóa thân, còn Bái Tử Long là đàn rồng con đang chầu về rồng mẹ. Thực tế, người ta, kể cả khách du lịch cũng có phần ưu ái hơn, dành sự quan tâm nhiều hơn cho rồng mẹ mà có phần hơi xao nhãng với rồng con. Bái Tử Long vẫn như nàng công chúa đẹp ngủ quên trên biển đang đợi bàn tay của chàng hoàng tử đánh thức.
Trên mặt biển lung linh xanh biếc những dải mây trắng nõn xốp như bông, bay la đà trên đảo cuốn quanh núi khiến cho Bái Tử Long hệt như một bức tranh thủy mặc khổng lồ. Khi thành phố lên đèn ánh điện của phố xá những con đường mới mở, những bến cảng, những con tàu vào bến chờ ăn than, đẹp rực rỡ nhiều màu.
Cẩm Phả có đường bờ biển dài đến 73km với nhiều cảng lớn nhỏ đáp ứng nhu cầu giao lưu kinh tế trong đó cảng Cửa Ông, cảng Hòn Nét là những cảng lớn của cả nước tạo điều kiện phát triển kinh tế và mở rộng giao lưu quốc tế. Biển Cẩm Phả dồi dào hải sản, có các bãi triều thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản, mỗi năm cung cấp hàng ngàn tấn hải sản phục vụ đời sống nhân dân.
Vịnh Hạ Long cùng với Bái Tử Long với hàng trăm hòn đảo cùng với nhiều hang động với những cảnh quan kỳ thú và sự độc đáo của địa hình địa mạo vẫn luôn làm ngỡ ngàng du khách và các nhà khoa học về sinh thái và về các giá trị văn hóa, lịch sử. Đây sẽ là nơi tham quan du lịch cho khách bốn phương tạo nên lợi thế phát triển du lịch bảo vệ quốc phòng an ninh của tỉnh và khu vực Đông Bắc của Tổ quốc.
Tôi may mắn đã từng có dịp rong ruổi xe máy đi trên các cung đường ven biển ở phố biển Quy Nhơn, Tuy Hòa, Nha Trang và cả Vũng Tàu nữa nhưng đi rồi mới nghiệm ra rằng không ở đâu có con đường đẹp bằng Quảng Ninh quê mình. Và đó nếu đẹp thì cũng chỉ là những cung đường nội thị không được dài cho lắm.
Trong bối cảnh ở Việt Nam hiện nay, chưa có nhiều thành phố, tỉnh thành có đường bao biển đẹp, thì việc kết nối 2 thành phố tiềm năng lớn về du lịch, công nghiệp như Cẩm Phả và Hạ Long sẽ là một bước đi đột phá. Đặc biệt, tuyến đường này sẽ thay đổi cái nhìn về Cẩm Phả, một Cẩm Phả “xanh” hơn. Trước khi đẹp rực rỡ như gấm vóc thì phải xanh cái đã.
“Con đường di sản" trong tương lai
Cả Hạ Long và Cẩm Phả sẽ xanh hơn nhờ khai thác những tài nguyên du lịch, tài nguyên nhân văn từ những gì mà cha ông để lại. Điểm đầu của con đường kết nối thông suốt với đường bao biển Trần Quốc Nghiễn, đi qua các phường của Hạ Long và Cẩm Phả, kết thúc tại cảng Km6 của TP Cẩm Phả.
Trên tuyến còn có hàng loạt điểm đến du lịch như các di tích quanh núi Bài Thơ với di tích quốc gia di chỉ bài thơ trên vách đá, đền Trần Quốc Nghiễn, hàng trăm bảo vật quý tại Bảo tàng Quảng Ninh, trong đó có cả những bảo vật quốc gia, các bãi tắm, khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Quang Hanh, kết nối tới khu du lịch tâm linh đền Cửa Ông, di tích quốc gia đặc biệt. Con đường nối hai ngôi đền thờ hai anh em trai - hai danh tướng trong gia tộc nhà Trần. Về góc độ tâm linh, đây là con đường kết nối anh em một nhà.
Đặc biệt, Cẩm Phả có di tích lịch sử danh thắng Vũng Đục, di tích quốc gia Bác Hồ thăm mỏ Đèo Nai, di tích quốc gia ngã tư đường lên mỏ Đèo Nai nơi diễn ra cuộc đình công 1936, di tích lịch sử văn hóa lò giếng đứng Mông Dương...
Cung đường 18 cây số vừa kể bên trên chỉ là giai đoạn 1 của dự án đường bao biển. Con đường này chắc chắn sẽ còn được nối dài, mở rộng đẹp đẽ hơn nữa trong những giai đoạn tiếp theo. Đó cũng là lý do ngay từ giữa năm 2020, UBND tỉnh đã có văn bản đồng ý về mặt chủ trương và giao cho Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ninh chủ trì, phối hợp với các địa phương nghiên cứu ý tưởng lập Dự án trang trí, tạo dựng “Con đường di sản” thông qua các tác phẩm nghệ thuật tạo hình trên tuyến đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả - Vân Đồn.
Toàn bộ dự án sẽ được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất sẽ trang trí “Cung đường di sản” từ Bến phà Hòn Gai cũ, đường Lê Thánh Tông, sang đường Trần Quốc Nghiễn, chạy hết đường bao biển đến Cột 8, dài khoảng 6km. Giai đoạn thứ hai sẽ kết nối với tuyến đường bao biển từ cổng Tuần Châu đến Bến phà Bãi Cháy cũ. Và giai đoạn 3 sẽ kết nối toàn tuyến đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả - Vân Đồn thành Con đường di sản (hoàn thành năm 2024).
Dự án được lấy tên là “Con đường di sản” vì tuyến đường bao biển chạy bên Vịnh Hạ Long hai lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, còn bên kia là các di sản văn hóa. Đó là những di sản lịch sử - văn hóa về nghề khai khoáng ở Việt Nam, dấu tích khu mỏ thời thuộc Pháp, núi Truyền Đăng, sau là núi Bài Thơ, nơi lưu giữ các tác phẩm thi ca từ thế kỷ 15; nơi lưu dấu lá cờ Đảng lần đầu tiên tung bay ở Vùng mỏ.
Con đường di sản trước tiên sẽ kể một câu chuyện xoay quanh huyền thoại Hạ Long và truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ. Sau đó sẽ thiết kế cho từng cung đường, sử dụng nghệ thuật tạo hình là chủ yếu. Trên cơ sở các ý tưởng quy hoạch trước đây, đề án sẽ tiếp tục phát huy lợi thế con đường và các tài nguyên hiện có để tạo thêm điểm nhấn, yếu tố khác biệt, xếp hạng những “cái nhất” mang tầm quốc gia và quốc tế, phục vụ phát triển dịch vụ và bảo tồn văn hóa. Tạo dựng những kỷ lục tầm quốc gia và quốc tế: Con đường than đá duy nhất; con đường huyền thoại Hạ Long; cảng than sớm nhất Đông Dương, con đường nghệ thuật dài nhất Việt Nam v.v..
Dự án sẽ tiến hành bảo tồn và khai thác các công trình thời Pháp xây dựng từ thế kỷ 19, thiết kế bức phù điêu khổ lớn, nội dung như một câu chuyện kể về Vùng mỏ một thời oanh liệt, với bến phà Hòn Gai “huyền thoại” - nơi gắn với nhiều chiến công hiển hách thời chiến tranh chống Mỹ; dấu tích cần cẩu và cảng than do Pháp xây dựng đầu tiên ở Việt Nam và Đông Dương; hệ thống nhà tù do Pháp xây dựng để giam giữ các chiến sĩ cách mạng kết nối với dấu tích khu nhà của chủ mỏ v.v..
Tại những cung đường có vỉa hè rộng sẽ đặt các bức điêu khắc biểu tượng của các nước ASEAN, APEC và các nước trên thế giới; biểu trưng của các tỉnh, thành phố trong cả nước bằng than, đá, gốm. Các bức tượng do nghệ sĩ tùy hứng sáng tác về chủ đề “Huyền thoại Hạ Long”. Cung đường nối tiếp đường bao biển đi Cẩm Phả là nơi sáng tạo, thể hiện các tác phẩm tạo hình với chủ đề về nghề đánh bắt hải sản, như ngư cụ, tàu thuyền, chài lưới, đời sống người dân chài.
Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ninh đề xuất nghiên cứu thực hiện đưa các tác phẩm văn học - nghệ thuật vào không gian tuyến đường, nhằm chuyển tải các giá trị lịch sử, văn hóa của tỉnh, của cả nước và quốc tế, nâng tầm công trình trở thành “Con đường Di sản” xứng với miền đất Kỳ quan thiên nhiên thế giới, đồng thời xây dựng, hình thành thêm sản phẩm du lịch cho Quảng Ninh.
Dự án trang trí, tạo dựng “Con đường di sản” thông qua các tác phẩm nghệ thuật tạo hình trên tuyến đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả - Vân Đồn sau khi hoàn thành hứa hẹn sẽ tạo điểm nhấn không gian đô thị; mở thêm không gian trải nghiệm, tham quan của khách du lịch khi đến với Quảng Ninh.
Tôi muốn mượn lời thơ viết về con đường của tác giả Phạm Quang Tuấn cho phần kết bài của mình: “Dải lụa vàng - con đường mới mở ra/ Là thời cơ bước lên đà vững chắc/ Đưa quê hương mỗi ngày thêm khởi sắc/ Thỏa bao đời luôn thầm nhắc, ước mong!”. Quả thực, con đường mới đã mở ra như một giai âm đẹp khởi đầu cho một bài ca hy vọng. Bài ca ấy đã và đang chạm đến cõi lòng của biết bao người bởi nó nói hộ cái ước vọng và khát khao của mỗi công dân Quảng Ninh.
Tùy bút của Huỳnh Đăng
Liên kết website
Ý kiến ()