Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 04:40 (GMT +7)
Quảng Ninh thời Lê sơ
Chủ nhật, 09/04/2023 | 09:35:15 [GMT +7] A A
Sau Chiến thắng Bạch Đằng 1288 - “Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã” - như câu thơ của Trần Nhân Tông, triều đại nhà Trần bước vào giai đoạn thịnh trị trong khoảng 100 năm trước khi suy tàn vào cuối thế kỷ XIV. Quốc gia Đại Việt nói chung, vùng đất An Bang - Quảng Ninh ngày nay nói riêng thuộc nhà Hồ rồi nhanh chóng rơi vào tay nhà Minh (Trung Quốc). Kể từ đây, vùng đất Quảng Ninh khi đó mang những dấu ấn lịch sử mới.
Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, thời Trần (1426-1400), vùng đất Quảng Ninh nay là đất châu Tĩnh An, phủ Tân An, có 5 huyện là Chi Phong, Tân An, An Hoà, Vạn Ninh, Vân Đồn và huyện Đông Triều - lúc đó thuộc Hồng lộ và sau là Hồng châu (Hải Dương).
Cuối thế kỷ XIV, nhà Trần suy yếu, Hồ Quý Ly đã giành ngôi, lập nên nhà Hồ. Năm 1406, nhà Minh (Trung Quốc) xâm lược nước ta và cho đến năm 1407 thì Đại Việt rơi vào ách đô hộ của nhà Minh.
Sách Thiên hạ quận quốc lợi bệnh thư của Cố Viêm Vũ - sử gia Trung Quốc sống vào cuối đời nhà Minh cho biết sau khi chiếm được Đại Việt “năm Vĩnh Lạc (1407) mới đặt châu Tĩnh An, trước đó là châu An Bang, có 8 huyện là Đồng An (trước là An Bang), Chi Phong, Yên Lập, Yên Hoà (trước là Yên Hưng), Tân An, Đại Độc, Vạn Ninh, Vân Đồn... Năm 1411, dồn Đại Độc vào huyện Tân An. Năm 1415, gộp Yên Lập vào Yên Hoà... Năm 1417, lại gộp Chi Phong vào huyện Yên Hoà, gộp Vân Đồn vào châu Yên Hoà”.
Cũng theo các tư liệu lịch sử, trong những năm bị nhà Minh đô hộ, tại Hồng Lộ, Hải Đông (Quảng Ninh, Hải Dương ngày nay) mà cụ thể là tại Đông Triều đã xảy ra các cuộc nổi dậy của các thổ hào như Phạm Chấn, Phạm Ngọc, Lê Ngã... chống lại ách áp bức của nhà Minh. Trong đó có những cuộc như cuộc nổi dậy của Lê Ngã thu hút hàng vạn người dân tham gia, dù sau đó đều đã bị nhà Minh đàn áp, thất bại.
Năm 1428, Lê Lợi đánh đuổi quân Minh, giành lại giang sơn, chia đất nước thành năm đạo: Đông đạo, Tây đạo, Nam đạo, Bắc đạo và Hải Tây đạo. Trong đó, An Bang và Đông Triều thuộc Đông đạo. An Bang trở thành một trấn rộng, trải dài cả vùng Đông Bắc quốc gia Đại Việt.
Năm 1466, vua Lê Thánh Tông chia đất nước thành 12 đạo thừa tuyên, trong đó có thừa tuyên An Bang (Quảng Ninh ngày nay). Với vị trí địa lý, địa hình hiểm yếu, An Bang được vua Lê Thánh Tông dụ rằng: “An Bang là đất xa xăm, mỗi khi nơi biên cảnh có động, quan quân tiếp ứng không kịp, cần đặt vệ quân của trấn, do Đô tổng binh xứ đứng đầu”. Vì thế, thừa tuyên An Bang có Đô tổng binh xứ, Thừa tuyên xứ và Hiến sát xứ. Đến năm 1467, triều đình nhà Lê lại đặt vệ quân An Bang gồm 6 sở: Trấn Hải, Trấn Viễn, Tĩnh Hải, Hùng Tiến, Tuy Viễn và Sùng Nỗ rải rác ở các châu huyện để “sẵn sàng chiến đấu khi có giặc”.
Theo Dư địa chí của Nguyễn Trãi, thời Lê, các đơn vị hành chính của An Bang gồm huyện Hoa Phong, Yên Hưng, Hoành Bồ, Tân Yên, Vạn Ninh, Vân Đồn, Vĩnh An, Đông Triều. Trong đó, bên cạnh vùng nông nghiệp Đông Triều, nổi lên vùng nông nghiệp mới Yên Hưng với sự khai phá của các cư dân đến từ vùng đồng bằng Bắc Bộ. Sau chiến tranh chống xâm lược của nhà Minh, nền thương mại của Đại Việt được phục hồi. Thương cảng Vân Đồn tấp nập trở lại. Thương nhân Trung Quốc và các nước ra vào buôn bán. Hàng hoá trong nội địa cũng lưu thông, phát triển. Một chi tiết thú vị đó là khi khai quật di tích Hoàng thành Thăng Long, các nhà khảo cổ đã phát hiện các vỏ ngán. Phải chăng, chúng là sản vật của vùng biển An Bang được dâng tiến vào cung đình khi đó?
Trần Minh
Liên kết website
Ý kiến ()