Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 20:40 (GMT +7)
Niềm tin 2022!
Thứ 4, 16/02/2022 | 09:04:12 [GMT +7] A A
Năm 2021, vượt lên những khó khăn, thử thách do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, mang đến bình yên, hạnh phúc cho nhân dân. Đặc biệt, Quảng Ninh tiếp tục tạo nên những dấu ấn đậm nét trong hoàn thiện hạ tầng, cải cách hành chính (CCHC), cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đồng hành cùng doanh nghiệp.
Vững vàng trước “sóng dữ” đại dịch
Một trong những yếu tố quan trọng, tạo nên thành công của tỉnh năm qua là giữ địa bàn an toàn, ổn định trong trạng thái bình thường mới, tạo môi trường thuận lợi, an toàn để doanh nghiệp, nhà đầu tư duy trì sản xuất kinh doanh, đóng góp cho nền kinh tế. Mỗi giai đoạn chống dịch đều ghi dấu những chỉ đạo, cách làm sáng tạo, giải pháp hiệu quả.
Đợt bùng phát dịch lần thứ 3, Quảng Ninh là một trong những tỉnh, thành phố trong nước có số ca nhiễm cao. Bằng chiến lược khoanh vùng nhanh, phong tỏa hẹp, truy vết, xét nghiệm thần tốc, tỉnh đã nhanh chóng khóa chặt các ổ dịch phát sinh, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và cuộc sống người dân trở lại bình thường. Đợt bùng phát dịch lần thứ 4 với biến chủng Delta có tốc độ lây lan rất nhanh, nguy hiểm hơn nhiều, Quảng Ninh đã linh hoạt, sáng tạo, quyết liệt, kiên cường giữ vững địa bàn “An toàn - Ổn định - Phát triển”. Có thời điểm, Quảng Ninh trải qua 114 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Quảng Ninh đi đầu cả nước trong ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI trong kiểm soát người và phương tiện tại các điểm khai báo thông tin y tế; tạo thuận lợi tối đa cho hàng hóa vận tải của các doanh nghiệp lưu thông đến các cửa khẩu biên giới; hỗ trợ tối đa để các doanh nghiệp đưa các chuyên gia từ nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam và nhập khẩu trang thiết bị, nguyên liệu phục vụ cho sản xuất. Nhờ đó, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, không doanh nghiệp nào trên địa bàn tỉnh phải dừng hoạt động do thiếu lao động hoặc nguyên liệu sản xuất đầu vào, nhất là đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến, chế tạo.
Đặc biệt, tỉnh rất nhanh chóng, thần tốc thực hiện chiến lược tiêm vắc-xin phòng Covid-19 nhanh nhất cả nước, ưu tiên sớm nhất cho các lực lượng tuyến đầu, người cao tuổi, công nhân, người lao động trong các khu vực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tỉnh đã sớm hoàn thành tiêm vắc-xin mũi 2 cho 100% cho người dân từ 12 tuổi trở lên; đang triển khai tiêm mũi 3, phấn đấu hoàn thành trong quý I/2022.
Ông Uber Mendez, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Competittion Team Technology, Foxconn Việt Nam, chia sẻ: Trong khi tại các địa phương khác, nhiều doanh nghiệp buộc phải tạm ngừng sản xuất do ảnh hưởng của dịch, thì ở Quảng Ninh, chúng tôi vẫn có thể duy trì sản xuất bình thường với đầy đủ chuyên gia được tiêm vắc-xin sớm và đầy đủ, nguồn cung nguyên vật liệu không bị đứt gãy, gián đoạn. Nhờ đó, trong 2 năm vừa qua, không những chúng tôi đã xuất sắc hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch sản lượng sản xuất, kinh doanh, mà còn nhận thêm nhiều đơn đặt hàng từ các đối tác lớn, từng bước mở rộng, nâng cao quy mô sản xuất.
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP (ngày 11/10/2021), Quảng Ninh tiếp tục chủ động, linh hoạt trong công tác chỉ đạo chống dịch, vừa phù hợp với tình hình địa phương, vừa thống nhất với chủ trương chung của toàn quốc. Qua đó, thực hiện hiệu quả chiến lược “sống chung an toàn với Covid-19”. Kiểm soát địa bàn an toàn là tiền đề để Quảng Ninh tiếp đà cải cách, xây dựng chính quyền phục vụ, nâng cao hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, công trường dự án trọng điểm tiếp tục sôi động.
Dấu ấn cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh xác định CCHC là một trong 3 đột phá chiến lược; phấn đấu hằng năm giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI. Đây là lần đầu tiên, việc giữ vững vị trí nhóm đầu các chỉ số này được đưa thành một chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. Qua đó thể hiện quyết tâm rất lớn của toàn hệ thống chính trị của tỉnh, một lời hứa, sự cam kết hành động rất mạnh mẽ, rất quyết liệt trước doanh nghiệp, nhân dân. Cụ thể hóa định hướng này, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU (ngày 9/4/2021) về đẩy mạnh CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Ngay sau khi Nghị quyết số 05-NQ/TU được ban hành, “lửa cải cách” của Quảng Ninh tiếp tục truyền nhanh và nóng hơn nữa từ tỉnh đến từng sở, ngành, địa phương, tạo nên những sự bứt phá mạnh mẽ trong CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đến nay, trên 90% các TTHC của tỉnh được cung ứng qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và số hóa kết quả giải quyết thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp mọi lúc, mọi nơi, giải quyết TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính. Tỷ lệ tiếp nhận và giải quyết TTHC qua hình thức trực tuyến năm 2021 đạt 53,5%, tăng gấp 2 lần so với năm 2020.
Quảng Ninh là một trong 6 tỉnh đầu tiên trong nước được lựa chọn triển khai áp dụng hoá đơn điện tử giai đoạn 1, từ tháng 11/2021 đến ngày 31/3/2022 theo nghị định và thông tư mới. Với quyết tâm chính trị cao nhất, đến hết tháng 12/2021, tỉnh đã hoàn thành triển khai hóa đơn điện tử cho 100% doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn tỉnh đủ điều kiện thực hiện; phấn đấu trong quý I/2022 hoàn thành triển khai hóa đơn điện tử đối với các hộ kinh doanh cá thể nộp thuế theo phương pháp kê khai, về đích trước 2 tháng so với lộ trình trung ương giao.
Tỉnh thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc doanh nghiệp với đa dạng các hình thức để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, giải quyết kịp thời, hỗ trợ để các doanh nghiệp ổn định sản xuất, đầu tư kinh doanh, triển khai dự án.
Nhờ “lửa cải cách” được truyền từ cấp tỉnh đến cơ sở, năm 2021 tỉnh đã ghi nhiều dấu ấn đậm nét trong cải thiện môi trường, thu hút đầu tư. Tiêu biểu, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong vòng chưa đầy 24 giờ cho Dự án công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam, tổng mức đầu tư gần 500 triệu USD; từ khi tiếp nhận đầy đủ hồ sơ đến khi động thổ xây dựng chỉ sau 4 ngày; chỉ sau gần 4 tháng triển khai xây dựng, ngày 10/1/2022, chủ đầu tư đã ra mắt sản phẩm đầu tiên, vượt trước 7 tháng so với kế hoạch ban đầu.
Ông Huang Jinxing, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar (Việt Nam), chia sẻ: Dự án được như hôm nay là nhờ sự vào cuộc sát sao, hỗ trợ nhiệt tình của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cùng các sở, ngành, địa phương liên quan, đã giúp chúng tôi hoàn thiện các thủ tục pháp lý và chuẩn bị kỹ càng về cơ sở hạ tầng tại KCN Sông Khoai. Chính quyền địa phương không chỉ tổ chức các cuộc họp tháo gỡ khó khăn cho Jinko Việt Nam, hỗ trợ cho hàng hóa, trang thiết bị, máy móc thông quan, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho hơn 700 chuyên gia có thể nhập cảnh Việt Nam, giúp Jinko Việt Nam tự tin và quyết tâm hoàn thành mục tiêu đặt ra. Sản phẩm đầu tiên và cũng là thắng lợi mở màn trong năm 2022 này sẽ là tiền đề để Jinko Việt Nam tiếp tục mang đến những đột phá mới cho quá trình phát triển của Tập đoàn, đóng góp xứng đáng cho nền kinh tế và việc làm của tỉnh Quảng Ninh nói chung, TX Quảng Yên nói riêng.
Tỉnh cũng xác định, quyết tâm lấy phát triển, hoàn thiện hệ thống hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông làm động lực và lợi thế nổi trội, khác biệt cho thu hút đầu tư. Trong 2 năm qua, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông với nhiều giải pháp trong chống dịch hiệu quả, tái cơ cấu đầu tư công, quyết liệt trong chỉ đạo, thực hiện các chiến dịch GPMB, tháo gỡ khó khăn và đồng hành với doanh nghiệp, từng bước đưa các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm về đích.
Đến nay, tỉnh đã hoàn thành, đưa vào khai thác Cầu Tình Yêu nối 2 bờ Cửa Lục; đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, tạo điều kiện giao thương cho nhân dân và doanh nghiệp, mở ra không gian mới phát triển đô thị. Đặc biệt, với tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đã thông toàn tuyến, sẽ hoàn thành trong tháng 4/2022, Quảng Ninh sẽ có một tuyến cao tốc dài nhất nước, kết nối trực tiếp, đồng bộ tới 3 KKT: Ven biển Quảng Yên, Vân Đồn, Cửa khẩu Móng Cái. Đồng thời, kết nối với các tuyến cao tốc dài nhất nước là Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Móng Cái, góp phần rút ngắn thời gian di chuyển từ Thủ đô Hà Nội tới Cửa khẩu quốc tế Móng Cái chỉ còn 3 giờ so với 6 giờ trước đây. Qua đó thúc đẩy mạnh mẽ liên kết vùng và hợp tác quốc tế.
Niềm tin và động lực cho chặng đường mới
Với việc phòng chống dịch hiệu quả, không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trong 2 năm qua Quảng Ninh tiếp tục là “địa chỉ vàng” thu hút đầu tư, đón đầu được làn sóng chuyển dịch mạnh mẽ với hàng loạt nhà đầu tư chiến lược có tiềm lực và kinh nghiệm hàng đầu thế giới. Năm 2021, tổng thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách của tỉnh đạt trên 362.000 tỷ đồng; trong đó thu hút các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI thế hệ mới đạt trên 1 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 10,28%, đứng thứ 2 toàn quốc, là năm thứ 6 liên tiếp tỉnh đạt mức tăng trưởng 2 con số. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt trên 52.400 tỷ đồng; trong đó thu nội địa trên 41.500 tỷ đồng, tăng 40% dự toán trung ương giao, tăng 8% so với năm 2020. GRDP bình quân đầu người đạt 7.614 USD…
Nhờ những chuyển biến thực chất trong những lĩnh vực trọng yếu nhất, tác động đến người dân, doanh nghiệp nhiều nhất, 4 năm liên tiếp (2017-2020) Quảng Ninh dẫn đầu toàn quốc về các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), cải cách hành chính (Par Index); chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) 2 năm liên tục dẫn đầu toàn quốc; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) năm 2020 dẫn đầu cả nước.
Tại hội nghị công bố chỉ số năng lực điều hành cấp sở, ngành, địa phương DDCI Quảng Ninh năm 2021, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công chia sẻ: Quảng Ninh hôm nay đã mang diện mạo, tầm vóc, vị thế hoàn toàn mới. Đây là thành quả của những nỗ lực không mệt mỏi, với tư duy sáng tạo, tầm nhìn đột phá, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của các thế hệ lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh trong hơn một thập kỷ qua. Trong đó, lấy cải CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là khâu đột phá, động lực mạnh mẽ để thực hiện mục tiêu, chiến lược đã đề ra. Trong 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Quảng Ninh đã giữ vững địa bàn an toàn, tiếp tục nối dài những tuyến đường cao tốc, đẩy mạnh CCHC, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tiếp tục là địa bàn thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước. Chúng tôi có niềm tin rằng Quảng Ninh sẽ là một mô hình phát triển điển hình của đất nước, là nơi hội tụ của các doanh nghiệp nhà đầu tư. Và chúng tôi muốn bắt đầu từ Quảng Ninh để xây dựng văn hóa kinh doanh quốc gia...
Minh Hà
Liên kết website
Ý kiến ()